Mặc dù gian nan trong cuộc mưu sinh, nhưng ông Tâm không lúc nào không nghĩ đến việc làm thiện nguyện cho đời trước khi nhắm mắt xuôi tay. Sửa xe đạp miễn phí cho học sinh là công việc ý nghĩa mà ông đã chọn trong 10 năm qua.
Ông Tâm chia sẻ với PV
“Ông Bụt” giữa đời thường
Chúng tôi tìm đến ông Tâm vào một buổi trưa muộn. Khi vừa đến xóm 4 hỏi nhà ông Tâm thì ai cũng hỏi ngược lại: “Có phải ông Tâm sửa xe đạp miễn phí cho học sinh không”. Trước quán nhà ông Tâm có một chiếc bàn gỗ dài, chục chiếc ghế nhựa, một bình nước vối và rất nhiều chén. Những vật dụng này để phục vụ các cháu vào sửa xe đạp cũng như những vị khách qua đường. Chúng tôi ngồi được dăm phút thì ông Tâm đi đâu về, đôi bàn tay lọ lem, cầm van xe, dun xe, cá xích… Ông Tâm nói những thứ này vừa xin được ở mấy tiệm đồng nát... Ông Tâm có bộ râu kẽm trắng, tóc trắng, vẻ mặt như lúc nào cũng cười. Không biết chúng tôi là phóng viên, ông Tâm hỏi: “Các chú đi đâu mà ba lô như bộ đội thế này”. Chúng tôi chưa kịp trả lời thì ông Tâm nói tiếp: “Các chú ngồi uống nước, tôi bận sửa mấy chiếc xe đạp”. Nói xong, ông Tâm đi vào nhà dắt mấy chiếc xe đạp hỏng ra lọ mọ làm.
Phía trước cửa quán bên kia đường có treo một tấm biển ghi bằng phấn trắng: “Các cháu học sinh cấp I, cấp II đi học qua đây nếu bị hỏng xe ông sửa, ông không lấy tiền. Nếu muộn học, ông chưa sửa kịp, ông đưa đến trường. Ông Tâm”. Gặng hỏi mãi về những lời viết trên bảng, ông Tâm mới nói qua loa: “À, tôi đang làm một công việc mà tôi ấp ủ bấy lâu nay, đó là sửa xe miễn phí cho các cháu học sinh”. Ông Tâm chỉ nói có vậy rồi cần mẫn sửa xe đạp. Sau khi sửa xe đạp xong, ông Tâm mới ngồi tiếp chuyện chúng tôi. Ông Tâm kể, năm 17 tuổi, sau khi vừa học xong lớp 7 (tương đương lớp 10 bây giờ), ông nhập ngũ Sư đoàn 308 có căn cứ tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.
Sau một thời gian được đào tạo bài bản, ông Tâm trực tiếp ra chiến trường với chức danh y tá. Tại đây, ông đã dũng cảm, không quản ngại gian khổ để kịp thời băng bó, làm giảm bớt đau đớn cho đồng đội. Trong một lần đi cứu chữa, ông Tâm bị sức ép mạnh từ bom bị mất sức vĩnh viễn. Trở lại với cuộc sống đời thường, do sức khỏe yếu nên phải mất một quãng thời gian ông Tâm mới ổn định được cuộc sống và lập gia đình. Sống trong cảnh túng thiếu, ông Tâm hiểu rõ về những thân phận nghèo và muốn giúp đỡ họ. Nhưng tiền bạc không có nhiều, vậy phải có cách nào đó để thực hiện được công việc thiện nguyện mà mình ấp ủ bấy lâu nay. Đó là câu hỏi mà ông Tâm trăn trở cả khi đang ngủ.
Ông Tâm khoe các vật dụng xe đạp vừa xin được ở tiệm đồng nát
Cách đây khoảng 10 năm, trong một lần ông Tâm đang ngồi uống nước trước nhà thì có một cô bé học lớp 4, vừa dắt xe đạp vừa mếu máo đi qua. Thấy cháu bé thút thít không thôi, ông Tâm ra hỏi: “Làm sao mà cháu khóc, có phải do xe hỏng không”. Cháu bé dừng xe lại, vừa khóc vừa nhìn ông Tâm rồi gật gật đầu, nói: “Xe cháu bị ai đó rút van, cháu về nhà sợ bố mẹ mắng” . Ông Tâm cười bảo: “Không sao, cháu dắt xe vào đây, ông sửa cho”. Nhưng cháu bé cứ ngại ngùng, định nói gì đó lại thôi. Ông Tâm hiểu ý, nói: “Ông không lấy tiền đâu mà sợ”. Nghe xong, cháu bé trở nên hớn hở rồi dắt xe vào cho ông Tâm sửa.
Do trong nhà không có dụng cụ gì sửa xe đạp ngoài chiếc bơm xe, trong khi đó tại xóm 4 và xóm lân cận không có quán sửa xe đạp nào, nên ông Tâm có vẻ ngại với cháu bé nếu không sửa. Nhưng nếu sửa thì lấy van xe đạp ở đâu ra để thay thế. Rồi ông sực nhớ trong nhà có chiếc xe đạp hỏng. Ông tháo chiếc van của chiếc xe đạp hỏng ra loay hoay một lúc, cuối cùng cũng sửa được. Cháu bé tỏ ra rất vui và cảm ơn ông rối rít trước khi lên xe đạp về nhà. Cũng từ đó, ông Tâm quyết theo đuổi công việc thiện nguyện là sửa xe đạp miễn phí cho các cháu học sinh.
Sửa xe đạp miễn phí
Quyết định đi theo công việc ý nghĩa này, nhưng ông Tâm cảm thấy bối rối và lo lắng, bởi ông chưa bao giờ làm công việc sửa xe đạp. Để thực hiện ý định của mình, ông Tâm không ngại khó khăn, chịu khó đi đến những quán sửa xe đạp khác học hỏi, cũng như đến những tiệm đồng nát ngỏ ý xin được tháo rời những chiếc xe đạp hỏng xem kết cấu, cũng như để biết được cái nào lắp trước, cái nào lắp sau. Trải qua thời gian vừa sửa xe miễn phí vừa tự học, đến nay tay nghề sửa xe đạp của ông Tâm không thua kém gì những thợ sửa xe đạp chuyên nghiệp.
Ông Tâm cho biết, mặc dù treo biển sửa xe đạp cho các cháu học sinh học cấp I, cấp II, nhưng nhiều cháu học sinh học cấp III, cũng như nhiều vị khách xa lỡ bước qua đường chẳng may hỏng xe cũng mang vào sửa. Với ông Tâm, giúp được ai đó là mang niềm vui lớn về cho mình. “Tôi sửa xe đạp miễn phí, nhưng do kinh tế chỉ ở mức đủ sống, nên tôi chỉ giúp các cháu vá miếng săm, thay mắt xích, bơm hơi, tra nhớt… thôi, chứ những thứ đắt tiền hơn phải nhờ đến bố mẹ các cháu đi mua, rồi đem về cho tôi sửa. Không những các cháu tiểu học, trung học đến sửa mà đến cả các cháu học sinh cấp III, cũng như những người ở xóm khác, qua đây chẳng may hỏng xe cũng đem vào tôi sửa. Tôi cảm thấy mình có niềm vui lớn nếu giúp được ai đó”, ông Tâm phấn khởi cho biết.
Để được thường xuyên làm công việc thiện nguyện, ông Tâm đã thôi làm bảo vệ thủy lợi cho thôn để về nhà làm công việc gò thùng phuy làm chậu, xô bán. Với đồng lương hưu ít ỏi, cũng như số tiền kiếm được từ công việc gò và mấy sào ruộng trồng lúa, vợ chồng ông Tâm cũng đủ sống đạm bạc. Khi được hỏi tại sao ông không lấy tiền từ việc sửa xe, ông Tâm khẳng khái, cho biết: “Mặc dù gia đình tôi không khá giả gì. Năm người con của tôi đã lập gia đình và ở riêng, vợ chồng tôi không phải lo nghĩ nhiều về việc con cái nữa nên làm sao đủ sống qua ngày là được rồi. Tuổi như tôi thì ham hố làm giàu, kiếm thêm nhiều tiền làm gì, sống sao khỏe mạnh là hạnh phúc vô cùng. Hơn nữa, mình già rồi, chi cho bằng làm được công việc gì có ích cho đời thì làm”. Mặc dù là công việc thiện nguyện, nhưng ông Tâm có nhiều hôm rất bận rộn. Có hôm ông phải sửa suốt đêm mới xong, để làm sao sáng mai các cháu còn có xe đi học. Có cháu muộn học mà ông Tâm chưa sửa được, ông sẵn sàng lấy xe đạp nhà ông chở các cháu đi học, dù từ nhà ông đến trường cách gần cả cây số .
Ông Tâm cũng cho biết, công việc ông đang làm là công việc rất nhỏ, xá chi với nhiều tấm lòng nhân hậu khác, nên ông không muốn lên báo đài. Ông Tâm nói rằng, mình làm đúng lương tâm, đúng trái tim mình mách bảo, ai nói gì thì mặc. “Sau khi tôi làm công việc thiện nguyện này, cũng có một vài người nói vào nói ra, rằng tôi ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, trẻ thì hầu cha, già lại đi hầu thiên hạ. Tôi mặc. Tôi cảm thấy mình vui và hạnh phúc với công việc mình làm là được, ai nói gì tôi kệ”, ông Tâm nheo mắt, tâm sự. Ông Tâm cũng cho biết, ông sẽ làm công việc sửa xe đạp miễn phí đến khi nào sức khỏe không cho phép. Công việc ý nghĩa của ông đã khiến nhiều người tại xóm 4 cảm phục.
Bà Ngô Thị Xuân (83 tuổi, xóm 4), xúc động nói: “Ông Tâm đang làm công việc rất ý nghĩa cho đời. Không những tôi mà ai trong xóm cũng cảm phục”. Ngoài công việc sửa xe đạp miễn phí, ông Tâm còn là một cựu chiến binh xuất sắc. Ông Phan Hữu Đoàn (64 tuổi, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Tả Thanh Oai) cho biết: “Ngoài công việc giúp các cháu học sinh sửa xe đạp miễn phí, ông Tâm còn là một cựu chiến binh xuất sắc của xã với nhiều đóng góp và cố gắng không biết mệt mỏi cho Hội, cho thôn xóm. Ông Tâm là một tấm gương sáng cho nhiều cựu chiến binh phải noi theo”.
Vũ Gia Hà