Gs. Hoàng Chương tặng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cuốn sách “Văn hóa nghệ thuật dân tộc” (Ảnh VusTa)
PV: Giáo sư có thể cho biết vì sao đã 60 năm năm mà chưa một lần về quê ăn tết?
GS Hoàng Chương: Chuyện này mới nghe tưởng nói dỡn, nhưng đó là sự thật. Con người ai mà không nghĩ, không nhớ tới quê hương, gia đình, nhất là trong dịp tết nguyên đán. Tôi nhớ những năm đầu tập kết ra Bắc, tôi ở trong tập thể khu văn công Cầu Giấy, Hà Nội. Cứ mỗi lần tết đến là nhớ nhà da diết, nhiều người ôm nhau khóc! Vì thế mà Bác Hồ thường đến thăm khu văn công trong dịp tết để an ủi chúng tôi cho đỡ nhớ nhà!
Suốt 20 năm trời Bắc - Nam chia cắt, nhớ quê đứt ruột, ngay bức thư cũng không nhận được! Chưa có nỗi đau nào bằng nỗi đau chia cắt. Đến sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đến tháng 5/1975 tôi mới về thăm quê hương và sau đó thỉnh thoảng lại về thăm quê chớp nhoáng, vì kết hợp với những chuyến đi công tác ở Quy Nhơn. Quê tôi ở Ân Hòa, Hoài Ân, Bình Định (nay tách ra thành An Lão), đi từ Quy Nhơn tới An Hòa bằng ô tô mất chừng hai tiếng đồng hồ. Tuy vậy lần nào tôi về thăm quê cũng chỉ được vài tiếng đồng hồ, sau đó trở lại Quy Nhơn để bay về Hà Nội cho kịp ngày làm việc, vì tôi là Thủ trưởng đơn vị. Còn vì sao mà không được về quê ăn tết? Đây là một câu chuyện dài nhưng có thể nói ngắn gọn một câu, là vì bận công tác ở Hà Nội!
Sinh thời Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh làm Chủ tịch Hội, nhưng mọi việc tổ chức kỳ họp, điều khiển chương trình, ông đều giao cho tôi. Đến thời kỳ Bộ trưởng Đặng Hữu thay làm Chủ tịch Hội cũng lại giao hết công việc tổ chức ngày họp đồng hương truyền thống cho tôi. Rồi đến Bộ trưởng Mai Ái Trực cũng vậy. Tất cả đều là Chủ tịch danh nghĩa. Đó là lý do tôi không thể về quê ăn tết trong một thời gian dài. Gia đình tôi cứ trách tôi: Giỏi giang, nhiệt tình cho lắm mà mà chịu thiệt thòi! Cũng vì thế mà 60 năm qua tôi chưa nghỉ phép, nghỉ lễ ngày nào, tất cả thời gian đều dành cho công việc đối ngoại và nghiên cứu viết lách.
Trong mấy năm gần đây mỗi năm tôi phải viết và in trên các báo khoảng 50 bài, nói trên đài phát thanh và truyền hình khoảng 50 lượt và thỉnh thoảng lại đi thuyết giảng về nghệ thuật truyền thống Việt Nam ở Mỹ, ở Châu Âu cũng mất khá nhiều thời gian. Nhưng quy luật ở hiền gặp lành, trời cho được sức khỏe dẻo bền nên mới có thể lao động trường kỳ được.
PV: Trong dịp tết Đinh Dậu này GS nghĩ gì và làm gì để góp phần giảm thiểu nổi vất vả của đồng bào Bình Định, quê hương của giáo sư khi vừa trải qua 5 cơn lũ khủng khiếp?
Tôi vận động các nhạc sĩ Trần Hoàn, Thuận Yến viết ca khúc với nội dung kêu gọi cán bộ và nhân dân trên miền Bắc ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại vì bão lũ. Tôi đang kêu gọi cơ quan tôi và dự định tết sắp tới nhân họp đồng hương Bình Định sẽ kêu gọi bà con đóng góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại trong những trận lũ vừa qua. Với đạo lý máu chảy ruột mềm, lá lành đùm lá rách, chắc chắn những người Bình Định trên miền Bắc cũng như những người bạn của Bình Định sẽ tích cực đóng góp kẻ ít người nhiều, nhịn ăn tiêu một chút, nước mạnh thành sông, góp phần giảm thiểu cho người dân bị thiệt hại vì lũ sẽ đỡ phần vất vả trong dịp tết Đinh Dậu này.
PV: Xin chân thành cảm ơn GS!
GS Hoàng Chương thuộc lớp chuyên gia nghệ thuật dân tộc hàng đầu của ngành văn hóa, đồng thời là một cán bộ khoa học được đào tạo chính quy trong và ngoài nước. Ông dành phần lớn thời gian và tâm huyết cho sân khấu dân tộc và sự nghiệp nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc nói chung. Ông đã đến với sân khấu và âm nhạc từ tuổi 15 cho đến nay vẫn hoạt động sôi nổi.
Có thể nói, suốt năm tháng dài GS Hoàng Chương không ngừng học tập, lao động và sáng tạo. Ông đã dựng hàng chục vở tuồng và kịch, có những vở được Huy chương vàng, bạc trong các Hội diễn sân khấu toàn quốc. Ông đã dành toàn bộ sức lực và tài năng cho nghiên cứu, sưu tầm và đã công bố hơn 20 công trình: Những vấn đề sân khấu truyền thống, Nghệ thuật tuồng Bắc, nghệ thuật cải lương, nghệ thuật tuồng, nghệ thuật Bài chòi, “Võ Sĩ Thừa tình yêu và nghệ thuật”, “Trần Hưng Quang tuồng và võ”, “Bài chòi và dân ca Liên khu 5”, “Chân dung nghệ sĩ”, Văn hóa nghệ thuật dân tộc…
Ông mãi đi “tìm vẻ đẹp của sân khấu dân tộc” và dày công đi tìm vẻ đẹp, nét độc đáo, nét đặc sắc của các bộ môn nghệ thuật như tuồng, chèo, cải lương, bài chòi, múa rối, dân ca, những món ăn tinh thần ngàn đời của dân tộc Việt Nam một cách xuất sắc. Ông còn có những công trình nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật các dân tộc thiểu số, về kịch Noh Nhật Bản và gần đây là Văn hóa giao thông…
Gs Hoàng Chương là người còn có công lớn nghiên cứu các soạn giả nổi tiếng, những người chuyên viết kịch bản về nghệ thuật tuồng cổ như Đào Tấn, Nguyễn Diêu, Tống Phước Phổ, Mịch Quang, Hoàng Châu Ký, ông còn làm rõ mối quan hệ giữa tuồng và võ dân tộc một cách thật xuất sắc, đặc biệt trong công trình “Tuồng và võ thuật dân tộc”.
Tại Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, GS Hoàng Chương đã tập trung hàng trăm giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, những trí thức của đất nước đã đóng góp vào việc nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc được giới văn nghệ đánh giá cao.
Nhân dịp tết Đinh Dậu chúc giáo sư luôn mạnh khỏe để tiếp tục gánh vác những công việc nặng nề vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.
Ngọc Anh (Thực hiện)