Câu chuyện bắt đầu từ việc cách đây 6 năm, trò Xuân Phả đã được chính quyền địa phương đưa vào truyền dạy cho các em ở trường THCS của xã. Cái thuận nhất là vẫn còn nhiều nghệ nhân tâm huyết với nghề, đặc biệt phải kể đến công lớn của nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Hùng. Chính những nghệ nhân không chỉ thổi hồn trong từng tích trò mà còn nuôi dưỡng tâm hồn các em, dạy cho các em biết yêu, trân trọng di sản văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Thầy giáo Đỗ Viết Quế - Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Trường cho biết: “Giờ các em cứ nghe tiếng trống là biết trò gì và trò ấy múa như thế nào. Hội làng không thể thiếu được các em, rồi Lễ hội Lam Kinh cũng có khoảng 30 học sinh cùng tham gia với các nghệ nhân”.
Và đặc biệt, trong cuộc thi “Giai điệu tuổi hồng” năm 2008, học sinh của trường đã đạt giải nhất khi mang trò Xuân Phả tham dự.
Chính quyền địa phương và các ban ngành cần quan tâm để đưa di sản vào trường học - Ảnh: Đình Giang
Không có nhiều thuận lợi như ở Trường THCS Xuân Trường, các trò diễn dân ca, dân vũ Đông Anh (Đông Sơn) có khó khăn hơn khi đưa vào trường TH&THCS. Sau 2 năm (2008 và 2009), các trò diễn này được đưa vào trường học trong tiết thể dục giữa giờ và ngoại khóa nhưng về sau hoạt động không nền nếp do… không được duyệt kinh phí. Theo cô giáo Nguyễn Thu Hương - Phó hiệu trưởng nhà trường: “Nếu để phổ cập toàn trường là khó vì không phải học sinh nào cũng có năng khiếu trong khi đó giáo viên không phải người ở đây nên để nắm bắt các trò diễn từ các nghệ nhân là không dễ. Chính vì vậy, rất khó cho nhà trường trong tập hợp đội hình, tổ chức thực hiện”.
Hiện Trường TH&THCS Đông Anh vẫn có một đội văn nghệ gồm 12 em. Tuy nhiên để tạo sức lan tỏa cũng có những cái khó nhất định trong khi đó nhà trường phải tự liên hệ để mời các nghệ nhân và tự lo kinh phí…
Câu chuyện đưa nghệ thuật chèo vào học đường ở Hoằng Phượng (Hoằng Hóa) cũng gặp nhiều cái khó. Nói đến Hoằng Hóa là nói đến đất chèo, mà nói đến chèo thì nghĩ ngay chèo làng Phượng Mao ở xã Hoằng Phượng. Năm học 2015, dù CLB chèo làng Phượng Mao chưa được thành lập nhưng một số làn điệu chèo đã được đưa vào các trường TH, THCS. Tuy nhiên do còn sơ khai nên hiệu quả cũng chưa thể hiện rõ rệt. Sau khi CLB được thành lập, bộ môn chèo đã lan tỏa trong nhân dân nhiều hơn và phụ huynh cũng biết đến chèo nhiều hơn nên cùng với các cô giáo âm nhạc, họ hướng dẫn hát chèo cho con em mình đúng nhịp phách hơn. Dù vậy, theo Hiệu trưởng Trường TH Hoằng Phượng Trịnh Hồng Khanh, cái khó vẫn là ở chỗ: hát chỉ hát thế thôi chứ chưa được cọ sát với các cuộc thi, chưa đánh giá được mình đang làm ở tầm nào và nhà trường chưa mời được các nghệ nhân về trường tham gia truyền dạy mà chỉ mới có giáo viên tự tìm đến các nghệ nhân để học hỏi.
Đưa văn hóa phi vật thể vào trong trường học, khó hay dễ? Sẽ dễ dàng hơn nếu được chính quyền địa phương, các ban ngành thực sự quan tâm, thực sự vào cuộc. Phải nhận rõ được vấn đề: đưa di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng đến với các em cũng chính là cách để bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản.