
Bên ngoài ngôi chùa - Ảnh: Pháp Luật Xã Hội
Độc đáo kiến trúc “5 không”
Tổng thể ngôi chùa gồm 18 ngọn núi được mô phỏng theo 5 non 7 núi (Ngũ hành Sơn và Thất Sơn), 11 hang động. Núi nâng đỡ chùa, chùa ở trên núi, tức Phật pháp luôn hướng về cõi hư không, thanh tịnh. Ở 4 góc chùa có 4 thác nước từ núi đổ xuống như đem đến sức sống cho muôn loài vào những ngày đầu xuân này, đó cũng thể hiện niềm tri ân đối với tổ tiên, ông bà trong lòng mỗi du khách thập phương”.
Có lẽ điều đặc biệt nhất làm nên “thương hiệu” cho ngôi chùa này chính là đặc điểm “5 không”: Không cột, không tường, không nóc, không đà, không cửa.
Nói về điều này, sư thầy Thích Thiện Chiếu giải thích trên báo Pháp Luật Xã Hội: “Đây là kiến trúc dựa trên quan niệm của Phật giáo: 9 phương trời, 10 phương Phật. Chùa không xây cột bởi cột tượng trưng cho cột trói tinh thần làm nên sự oán hận thù hằn, không cột sẽ tạo nên sự giải thoát cho con người khỏi những khổ đau đời thường.
Cửa tượng trưng cho sự ngăn cách, co cụm. Ở đây, cửa thiền luôn rộng mở cho thập loại chúng sinh, thì xây cửa làm gì cho tốn công thừa thãi?
Đà, nói một cách bình dân như “kỳ đà cản mũi” là tắc nghẽn xui xẻo, nên chùa không xây đà là vì thế.Tường là bảo vệ, nhưng cũng là sự giới hạn chật hẹp. Phật pháp vốn vô biên sao lại có tường?
Nóc, mái chỉ gây ngáng trở sự vươn lên của 9 phương trời, 10 phương Phật trong chốn tâm linh này”. Vì vậy, ngôi chùa không hề có một sự ngăn cách nào đối với bên ngoài, luôn rộng mở đón những du khách từ khắp nơi đổ về hành hương. Đặc biệt, khi đã “leo” lên được 9 phương trời, 10 phương Phật ở trung tâm ngôi chùa rồi, ta sẽ có cảm giác kỳ lạ như đang ở chốn bồng lai tiên cảnh vậy.
Ngôi nhà thắp sáng tình thương
Ngôi chùa Kỳ Quang 2 không chỉ là ngôi chùa có kiến trúc kỳ lạ mà nơi đây còn là mái ấm tình thương của hơn 200 em nhỏ lang thang, cơ nhỡ.
Khi được hỏi về cơ duyên với những đứa trẻ này, Trụ trì Thích Thiện Chiếu nhớ lại “Năm 1975, tôi được về làm trụ trì chùa. Chùa lúc này nhỏ bé và nằm trong khu vực hoang vắng nhiều cây cối. Chiều nào tôi cũng thấy mấy đứa trẻ đói rách đến chùa xin ăn. Hỏi ra mới biết chúng là những đứa trẻ bụi đời, không cha không mẹ. Tôi thương quá nên cho vào chùa ở. Dần dần, chùa nhận nuôi dưỡng thêm nhiều em nữa, dù khó khăn nhưng tôi vẫn nhận nuôi tất cả.”
Nơi đây, các em được nuôi dưỡng phải chịu thiệt thòi hơn chúng bạn bởi không những phải chịu kiếp mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi, mà còn mang trong người các chứng bệnh nan y (bại não, thần kinh, dị dạng, mù, câm, điếc, nhiễm chất độc da cam…và gần đây còn có cả thêm các em mắc HIV dương tính hoặc đã phát triển thành AIDS cũng gia nhập vào cái tập thể trẻ bất hạnh ấy).
Những em nhỏ ở chùa phần lớn là được sư thầy chăm sóc từ lúc mới lọt lòng. Đích thân thầy làm giấy khai sinh cho tất cả và khi đủ tuổi thì cho đi học. Nhiều đứa trẻ ngày trước nương nhờ cửa Phật giờ đã trưởng thành và quay lại cùng phụ giúp thầy chỉ bảo lứa em sau.