Du lịch Vĩnh Long 35 năm hình thành và phát triển

03/03/2015 10:32

Theo dõi trên

Sau 35 năm nhìn lại, ngành du lịch Vĩnh Long đã tạo dựng nên những cột mốc đáng nhớ, với những sản phẩm du lịch được xem là tiêu biểu của ĐBSCL. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ ở những giai đoạn nhất định, là những bước “chựng lại” trong sự cạnh tranh quyết liệt của cơ chế thị trường.



 Vĩnh Long là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL khai thác du lịch sông nước và sinh thái miệt vườn.Ảnh: TL

 
Đó là những hành trang đáng quý để du lịch Vĩnh Long tự tin “xốc lại đội hình”, hướng đến tương lai.

Quá khứ “xanh”

Năm 1979, Công ty Du lịch Cửu Long được thành lập, nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh du lịch sông nước của tỉnh nhà và đáp ứng nhu cầu tham quan của khách du lịch.

Trong giai đoạn khởi đầu, công ty chỉ hoạt động kinh doanh mua bán và tổ chức đưa khách trong tỉnh đi tham quan trong nước với khoảng vài trăm lượt khách mỗi năm. Sau đó, được Tổng cục Du lịch phân bổ chỉ tiêu đón khách từ các nước thuộc Liên Xô (cũ) sang Việt Nam nghỉ đông.

Giai đoạn 1980- 1985, cơ sở vật chất du lịch lúc bấy giờ không có gì nhiều, chỉ là 1 khách sạn 25 phòng ngủ, 1 nhà hàng 200 chỗ, 14 xe và 2 tàu.

Lực lượng phục vụ du lịch khoảng 100 lao động. Thu nhập từ du lịch không đáng kể, chủ yếu là kinh doanh dịch vụ ăn, uống và bán buôn hàng hóa nhập khẩu.

Nhưng hoạt động của công ty giai đoạn này đã được định hướng đầu tư phát triển du lịch, từng bước khai thác tiềm năng thế mạnh du lịch sông nước và các vườn cây ăn trái từ các hộ nông dân sinh sống trên đất cù lao, đã thu hút một lượng lớn khách khá lớn đến tham quan và từ đó du lịch Vĩnh Long bắt đầu phát triển.

Sau 5 năm hoạt động, Công ty Du lịch Cửu Long được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba với những đóng góp vào sự nghiệp phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Những năm 1986- 1997, ngành du lịch Vĩnh Long khởi đầu đón khách du lịch quốc tế từ các đoàn khách của tàu Hòa Bình (PEACE) chở thanh niên Nhật Bản đến giao lưu kết hợp du lịch sông nước trên 4 xã cù lao huyện Long Hồ. Sau đó, tiếp tục thu hút phần lớn lượng du khách Tây Âu.

Song song đó, du lịch sinh thái miệt vườn cũng thu hút khách nội địa đến Vĩnh Long ngày càng nhiều. Trong đó, nguồn khách mạnh và đông nhất vẫn là quốc tịch Pháp với sự kiện bộ phim “Người tình” được trình chiếu tại Paris.

Bên cạnh đó, phải kể đến thành tích của ngành du lịch lúc bấy giờ là đã mở được cửa ngõ đường thủy ngắn nhất, nhanh nhất để vào các điểm nhà vườn trên cù lao An Bình là từ bến tàu khách ở thị trấn Cái Bè (không phải qua phà Mỹ Thuận). Nhà vườn các bác Sáu Giáo, Tám Hổ, Mười Hưởng… góp phần tiên phong làm du lịch ở ĐBSCL.

Khách du lịch nước ngoài tăng trưởng nhanh đã đánh dấu mốc quan trọng trong kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh nhà. Cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư và ngày càng mở rộng với 31 cơ sở lưu trú du lịch (471 phòng ngủ); 10 điểm vườn du lịch sinh thái, trên 40 tàu khách du lịch. Doanh thu từ du lịch đạt mức 28,3 tỷ đồng.

Ngành du lịch tập trung xây dựng mô hình du lịch xanh trên địa bàn 4 xã cù lao với các chương trình: “Đi trong màu xanh ĐBSCL”; “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân”; “Tây ngủ nhà ta” (du lịch Homestay) và đầu tư đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nhất là nâng cao trình độ ngoại ngữ cho lực lượng hướng dẫn viên.

Đi vào chiều sâu

Trung tâm Thông tin- Xúc tiến du lịch được thành lập năm 2011, Hiệp hội Du lịch tỉnh Vĩnh Long ra đời vào năm 2012; tạo tiền đề thúc đẩy ngành du lịch tỉnh nhà phát triển đi vào

chiều sâu.

Hiện nay, ngành du lịch Vĩnh Long đã biết sáng tạo và phát huy tốt lợi thế sản phẩm du lịch đặc thù riêng có, như “Vĩnh Long Homestay- trải nghiệm của bạn ở ĐBSCL” với các loại hình du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn- tham quan di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề- phát triển du lịch cộng đồng.

Tổ chức các dịch vụ vui chơi giải trí sông nước, câu cá, tập bơi xuồng tam bản, dạo trên kinh rạch nhỏ bằng xuồng chèo hoặc thuyền máy đuôi tôm, cởi xe đạp dạo quanh đường làng, nghỉ qua đêm tại hộ dân, xem biểu diễn đờn ca tài tử; tham gia sinh hoạt “một ngày làm nông dân miệt vườn”, thu hái trái cây, trồng rau, chài lưới, dỡ chà, tát mương bắt cá, học nấu ăn, dạy làm bánh dân gian…

Với đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020, Vĩnh Long đã định hướng đạt ngưỡng 1 triệu lượt khách du lịch vào cuối năm 2015 và phấn đấu phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên sinh thái sông nước miệt vườn kết hợp tham quan di tích văn hóa- lịch sử, truyền thống danh nhân của địa phương, huy động nguồn lực trong nhân dân thực hiện xã hội hóa các hoạt động du lịch, phát triển du lịch cộng đồng, đưa Vĩnh Long trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện nhất ở khu vực ĐBSCL.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 5 khu du lịch; trên 20 điểm tham quan; 18 doanh nghiệp hoạt động du lịch, trong đó có 3 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế; 64 khách sạn, trong đó 1 khách sạn 3 sao, 6 khách sạn 2 sao, với hơn 1.000 phòng ngủ; trên 12 nhà hàng phục vụ khách du lịch với sức chứa trên 3.000 chỗ; 22 điểm du lịch homestay, 100 tàu khách du lịch, 1.300 lao động chuyên nghiệp du lịch hoặc liên quan lĩnh vực du lịch.

Theo LƯU HOÀNG MINH/Tin Tức Miền Tây

Bạn đang đọc bài viết "Du lịch Vĩnh Long 35 năm hình thành và phát triển" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.