Bảo tồn và phát huy ĐCTT ở nhiều khía cạnh khác nhau để đưa bộ môn nghệ thuật này trường tồn trong đời sống hiện đại. Ảnh: TL
Hiện nay, môi trường thực hành ĐCTT trên địa bàn tỉnh khá phong phú. Ngoài việc tham gia đội, nhóm, CLB thì việc tham gia đờn hát phục vụ đám tiệc, các khu du lịch sinh thái,… khá phổ biến. Đây cũng là một trong những “món ăn tinh thần” mà du lịch sinh thái sử dụng để thu hút du khách, tạo thêm một sản phẩm trong chuỗi sản phẩm du lịch.
Vĩnh Long hiện có đề án Bảo vệ và Phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT giai đoạn 2015- 2020. Từ đó, sẽ nâng cao chất lượng hoạt động của phong trào ĐCTT ở địa phương. Trong đó, phát huy ĐCTT gắn với hoạt động du lịch, nhất là du lịch sinh thái, miệt vườn giúp cho ngành du lịch thêm sự hấp dẫn, thu hút.
Trong những năm gần đây, ngành du lịch Vĩnh Long đã phối hợp cùng cơ quan quản lý, cơ sở du lịch tập trung khai thác các tour, tuyến du lịch từ TP Hồ Chí Minh- Tiền Giang- Bến Tre- Cần Thơ- Vĩnh Long và các tuyến du lịch sông Tiền,... Đặc biệt, các điểm du lịch sinh thái đều có phục vụ ĐCTT theo yêu cầu của khách tham quan.
Theo ông Nguyễn Hoàng Oanh- Chủ nhiệm CLB ĐCTT (Trung tâm Văn hóa- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thì hiện nay, phong trào ĐCTT đã có nhiều dấu hiệu trở lại mạnh mẽ, nhất là đối tượng học bộ môn này hiện nay có khá nhiều người trẻ.
Trong khi đó, tại các điểm du lịch sinh thái, những đội, nhóm hoặc các cá nhân có chút “ngón nghề” cũng thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách. “ĐCTT giống như một món ăn làm phong phú thêm hương vị cho sản phẩm du lịch sinh thái”- ông Nguyễn Hoàng Oanh cho biết.
Trình diễn ĐCTT cho khách du lịch tại một điểm du lịch sinh thái ở cù lao An Bình.Ảnh: TL
Theo một quản lý của điểm du lịch sinh thái Mười Hưởng (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ), du khách- nhất là du khách nước ngoài- thường có nhu cầu thưởng thức ĐCTT khi đến tham quan, du lịch.
Thường thì các đội, nhóm phục vụ với chi phí cũng không quá nhiều. “ĐCTT ở điểm du lịch sinh thái vừa làm phong phú thêm sản phẩm du lịch mà còn góp phần quảng bá nét văn hóa dân tộc, đưa loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với bạn bè quốc tế”- vị quản lý này cho biết.
Ở cù lao An Bình (Long Hồ), giờ không khó để bắt gặp ĐCTT phục vụ khách du lịch, có thể kể tên nhiều điểm tiêu biểu như: Vinh Sang, Mười Hưởng, Út Trinh, Phương Thảo, MêKông- Đồng Phú, Mai Quốc Nam,…
Không chỉ các điểm du lịch đã có từ lâu, hiện nay, một số điểm du lịch sinh thái mới cũng tận dụng loại hình nghệ thuật này để thu hút khách du lịch. Ở xã Phú Thành (Trà Ôn), hiện cũng có một số hộ gia đình triển khai mô hình du lịch sinh thái ngay tại đất nhà, cũng phục vụ ĐCTT.
Ông Nguyễn Văn Trong- chủ cơ sở du lịch sinh thái ở ấp Phú Xuân (xã Phú Thành)- cho biết, hiện cơ sở cũng đã liên kết với một số công ty du lịch lữ hành để tạo nguồn khách ổn định. Ngoài sử dụng ao cá, vườn cây sẵn có, nếu khách có nhu cầu, cơ sở sẽ liên hệ với các đội, nhóm ĐCTT.
“Du lịch sinh thái có trái cây, con cá nhưng thưởng thức ĐCTT vẫn được nhiều khách lựa chọn. Không chỉ có khách nước ngoài, mà còn khá nhiều đoàn khách trong nước yêu cầu”…
Trong đề án Bảo vệ và Phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT giai đoạn 2015- 2020, về chính sách, thời gian tới cần tiến hành quy hoạch, đầu tư xây dựng thêm các điểm trình diễn ĐCTT trong tỉnh.
Tuy nhiên, các điểm này phải gắn với các cơ sở dịch vụ du lịch để tạo điều kiện cho khách du lịch thuận lợi tiếp cận ĐCTT. Đặc biệt, các địa điểm này cần đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật, phù hợp với không gian, an toàn, vệ sinh, tiện nghi và kết nối với các điểm du lịch, điểm dân cư…
Cũng trong đề án Bảo vệ và Phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT giai đoạn 2015- 2020, định hướng tới, những địa phương đặc thù phát triển du lịch sinh thái gắn với trình diễn ĐCTT như huyện Long Hồ, cần đầu tư xây dựng nhà hoặc phòng có quy mô thích hợp để trình diễn ĐCTT… Trong phòng, cần trưng bày một số nhạc cụ truyền thống của nhạc tài tử như các loại đờn: kìm, cò, tranh, bầu,…