Du lịch An Giang mùa nước nổi

04/09/2018 14:43

Theo dõi trên

Hàng năm, bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10 (âm lịch), nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về hạ lưu.

Mùa nước nổi không chỉ là mùa thả lưới, giăng câu, hái bông điên điển của người nông dân bản địa, mà còn thời điểm tuyệt vời để du khách du ngoạn ở các điểm du lịch nổi tiếng, như: búng Bình Thiên, rừng tràm Trà Sư, lễ hội đua bò của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Thất Sơn huyền bí… Giữa bốn bề sông nước mênh mông, An Giang như khoác lên chiếc áo mùa thu long lanh, hoang sơ, làm nao lòng du khách.

Khi nước sông Mekong đổ về ngày một cao, tràn ngập những cánh đồng, An Giang lại có dịp đón những đoàn du khách về đón lũ. Những cánh đồng lớn mênh mông nước ở khu vực biên giới Tịnh Biên, TP. Châu Đốc, An Phú, TX. Tân Châu là những địa điểm du lịch lý tưởng để du khách rong chơi mùa nước nổi… Về An Giang mùa nước này, du khách sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi hòa mình vào không gian mới mẻ, đầy sức cuốn hút với vẻ đẹp của thiên nhiên đến những nét văn hóa độc đáo trong cộng đồng cư dân vốn hiền hòa, mến khách, để cùng trải nghiệm cuộc sống dân dã, ăn cá đồng và đắm mình trong làn nước mênh mông, trĩu nặng phù sa.


 
Rừng tràm Trà Sư

Đến An Giang mùa nước nổi, du khách có thể ngồi thuyền rong ruỗi trên đồng, câu cá, hái bông điên điển, nhổ bông súng đồng, thăm những đầm sen rải rác ở khắp nơi, nhiều nhất là ở huyện Thoại Sơn… hoặc đi tắm đồng để tận hưởng cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, mát lành. Mùa nước nổi còn mang lại nguồn thủy sản dồi dào để chế biến những món ăn đặc sản nhưng dân dã của mùa nước nổi. Không chỉ thế, đến An Giang, du khách có thể tham gia những lễ hội dân gian sinh động, mang đậm nét văn hóa truyền thống Nam Bộ. Tất cả hợp thành một bức tranh sống động, hoành tráng, để ai đã một lần đến đây sẽ tìm được cho mình chút gì đó để nhớ, để thương…
 
 
Một trong những điểm tham quan chính là rừng tràm Trà Sư  (xã An Hảo, Tịnh Biên) khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng miền Tây, nơi sinh sống của nhiều loài chim nước, động vật hoang dã và thủy sinh vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Đây cũng là khu rừng ngập mặn nội địa thứ 6 của ĐBSCL. Đến với rừng tràm Trà Sư, du khách sẽ được di chuyển bằng xuồng máy. Ngồi trên xuồng máy, lướt trên mặt bèo, có cảm giác như đang bay trên tấm thảm thần của Aladin được dệt từ vô số cánh bèo. Dọc 2 bên đường, hàng cây tràm cổ thụ in bóng dưới mặt nước trong xanh. Hướng mắt nhìn xuống, những cánh bèo tấm li ti, trôi lững lờ trên mặt nước, mịn màng tựa như dải màu xanh non trải dài vô tận. Trên cao, những tổ chim chi chít, cò vạc tíu tít rỉa lông, chốc chốc lại có những chú cồng cộc lao mình xuống nước săn cá. Du ngoạn rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi, du khách sẽ tận hưởng không khí trong lành, không gian yên tĩnh, lắng nghe tiếng chim hót tiếng chim hót, tiếng cò, tiếng vạc í ới gọi bầy. Vào mùa nước lớn, rừng càng bộc lộ hết vẻ đẹp thiên nhiên tiềm ẩn.

Rời rừng tràm Trà Sư, du khách có thể đến búng Bình Thiên (An Phú), còn có tên gọi là hồ Nước Trời. Hồ nằm giữa 3 xã biên giới Khánh Bình, Khánh An và Nhơn Hội, với chu vi khoảng 300ha vào mùa khô, tỏa rộng hàng ngàn ha vào mùa nước nổi. Búng Bình Thiên được coi là một trong những hồ nước ngọt rộng nhất miền Tây Nam Bộ. Đến đây, con người hòa mình vào thiên nhiên êm ả, cảnh đẹp yên tĩnh của trời nước hữu tình, ngắm những hàng cây xanh ngút, tạo cảnh quan thơ mộng. Đây còn là nơi sinh sống của hàng trăm loài cá đồng: cá linh, cá bông lau, cá hú… cho đến bông súng, bông sen… Thế nên, không lạ gì khi bắt gặp hình ảnh người nông dân thả lưới, giăng câu trên chiếc xuồng nhỏ.

Nhắc đến ẩm thực An Giang, không thể bỏ qua những món ăn đặc sản mùa nước nổi. Bất kỳ là ở một nhà hàng sang trọng, hay một quán lẻ bình dân, du khách đều có thể thưởng thức những món ngon đặc sản như nhau, bởi hương vị đậm đà của cá đồng hòa quyện với nhiều loại rau xanh mùa nước nổi. Nhất là món cá linh chiên bột, kho tiêu, kho lạc; hấp dẫn nhất là cá linh nấu lẩu mắm ăn kèm với bông điên điển, bông súng... thì tuyệt vời. Hoặc dân dã hơn như món cá lóc nướng trui, gà ta chườm đất sét nướng, ốc lát hấp lá sả, luộc tiêu.


Minh Thư
Theo Báo An Giang

Bạn đang đọc bài viết "Du lịch An Giang mùa nước nổi" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.