
Chợ đêm trên bến Ninh Kiều
1. Tên gọi của một bến sông
Bến Ninh Kiều, tên bến cũng chính là tên quận, nằm ngay bên hữu ngạn sông Hậu, giữa ngã ba Hậu Giang và sông Cần Thơ thuộc phường Tân An, thành phố Cần Thơ. Bến xưa bây giờ đã trở thành một công viên du lịch sầm uất có qui mô khá lớn, được bài trí cảnh quan đẹp đẽ (tượng đài Bác, cây cảnh, sân chơi, nhà hàng Thuỷ tạ, chợ đêm...) làm nơi vui chơi giải trí của đất Tây Đô thu hút được rất nhiều khách trong và ngoài nước. Ngược dòng thời gian, tương truyền, khi xưa bến Ninh Kiều là một bến sông ở đầu chợ Cần Thơ. Đến khi Nguyễn Ánh chạy vô Nam (lúc chưa lên ngôi), vào một đêm trăng sáng, đoàn thuyền của Nguyễn Ánh đi trên sông Hậu vào địa phận thủ phủ Trấn Giang (tức Cần Thơ xưa). Đến giữa đêm, đoàn thuyền đi đến vàm sông (tức bến Ninh Kiều bây giờ), Nguyễn Ánh đã nghe thấy rất nhiều tiếng đàn sáo, hát hò, thơ ngâm vọng lại. Nhìn qua ô cửa trên thuyền, ngắm sao trăng vằng vặc giữa màn đêm yên tĩnh trên dòng sông, Nguyễn Ánh đã thốt lên và khen ngợi đây là một cảnh quan sông nước rất hữu tình và đặt tên cho con sông là Cầm Thi Giang. Rồi đến năm 1876, người Pháp đến chiếm đất Trấn Giang và thành lập Tòa Bố chính tại Cần Thơ thì bến này đã được chỉnh trang bằng đá xây, gạch lát nhằm ngăn sóng dọc theo bờ sông để làm bến ghe, bến tàu phục vụ giao thương cho lục tỉnh miền Tây Nam Bộ. Khi ấy, người Pháp đã đặt tên cho bến là Quai de Commerce, bến thương mại. Nhưng tên này chỉ được dùng trong các văn bản hành chính. Trên thực tế nhân dân vẫn thường quen gọi là bến Hàng Dương (để chắn gió người ta đã cho trồng trên bờ sông Hậu này một hàng dương, đặc điểm này đã trở thành tên gọi của bến và tên gọi này cũng được dùng phổ biến nhất) hay bến Lê Lợi (vì bến nằm trên đường Lê Lợi, dọc theo mé sông). Và đến khi giao thương phát triển phồn thịnh, bến Hàng Dương cũng được chú ý mở rộng hơn và dần dần đã trở thành thắng cảnh du lịch của đất Tây Đô. Đến năm 1957, dưới thời Đệ Nhất Cộng hòa, bến Hàng Dương đã đổi thành bến Ninh Kiều. Nghe nói, ông Đỗ Văn Chước (Tỉnh trưởng Phong Dinh, tên gọi khác của Cần Thơ) đã cho trồng trên bến này rất nhiều cây cảnh để trang trí cho nhân dân đến xem và dạo mát. Và khi ấy, ông Ngô Văn Tâm (Trưởng ty Nông nghiệp, đồng thời phụ trách đoàn Thanh Niên) đã đề xuất đổi tên bến thành bến Ninh Kiều, một bến sông - địa danh lich sử thời kháng chiến chống Minh ở đất Chương Mỹ (Hà Nội). Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, đại quân của Vương Thông bị phục trận tại Tốt Động nên thua to, phải rút chạy về bến Ninh Kiều. Tại đây quân ta đã cho phá cầu Ninh Kiều, ngay lập tức dòng sông đã biến thành chiến tuyến cản đường rút chạy của quân Minh về Đông Quan (Thăng Long). Hàng vạn quân địch bị giết và bị bắt. Bọn sống sót liều lĩnh vượt qua Ninh Giang thì bị chết đuối nhiều đến nỗi “nước Ninh Kiều vì thế mà tắc nghẽn”. Bọn tàn quân của địch phải khó khăn lắm mới thoát chết để cùng Vương Thông, Mã Kỳ, Phương Chính chạy về thành Đông Quan. Chiến trận Tốt Động – Chúc Động, quân ta đã tiêu diệt trên sáu vạn quân địch, trong đó năm vạn tên bị giết tại trận. Binh bộ thượng thư Trần Hiệp và nội quan Lý Lượng cùng tướng Lý Đằng bị chém tại trận. Quân ta “thu được ngựa, quân tư khí giới, xe cộ nhiều không kể xiết”. Và chiến trận này đã được Nguyễn Trãi phản ánh trong “Bình Ngô đại cáo”, rằng: “Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh hôi ngàn dặm/ Tụy Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm”. Phải chăng, ngắm nhìn dòng Hậu Giang mênh manh con nước đỏ nặng phù sa trong nỗi mùa nước nổi mà ông Trưởng ty đã lấy cảm hứng từ lịch sử để đặt tên cho bến sông ở miền Tây như vậy? Nghe lời ông Ngô Văn Tâm, ông Đỗ Văn Chước trình lên Tổng thống Ngô Đình Diệm đặt tên công viên và bến Hàng Dương là bến Ninh Kiều. Ngày 4 tháng 8 năm 1958, Bộ trưởng Nội vụ thời Đệ Nhất Cộng Hoà là ông Lâm Lễ Trinh đã từ Sài Gòn xuống Cần Thơ dự lễ cắt băng khánh thành và tuyên đọc Nghị định đặt tên công viên và bến Hàng Dương thành công viên và bến Ninh Kiều. Và thế, cái tên gọi bến Ninh Kiều đã trở thành tên gọi chính thức và được dùng từ đó đến nay và đi vào biết bao trang sách cùng những điệu hò câu hát gieo bâng khuâng nhung nhớ cho biết bao người.

Cầu Cần Thơ về đêm

Tác giả bên bờ sông Hậu
2. Nôn nao nỗi niềm trên bến Ninh Kiều
Cùng với sự phát triển của vùng đất Tây Đô, bến Ninh Kiều bây giờ rất đẹp và sầm uất, xứng danh là một địa điểm văn hóa – du lịch truyền thống của thành phố Cần Thơ. Bên cạnh bến Ninh Kiều là cảng sông khá hiện đại ngày đêm tấp nập tàu thuyền vào ra. Gần bến Ninh Kiều có chợ Cần Thơ cũng là một trong những trung tâm buôn bán lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ. Sông Hậu dạt dào sóng nước, rộn ràng thuyền ghe tung tăng xuôi ngược chuyên chở những sản vật của vùng đất chín rồng (đồng bằng sông Cửu Long) đi khắp muôn phương. Đứng trên bến Ninh Kiều ta cũng có thể nhìn thấy cây cầu dây văng bắc qua sông Hậu, nối thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Vào năm 2010 (thời điểm hoàn thành) cây cầu dây văng Cần Thơ này được tính kỉ lục trong khu vực với chiều dài nhịp chính là 550m, nhất vùng Đông Nam Á. Cây cầu khổng lồ với 216 sợi dây văng từ những trụ cao tỏa xuống hai phía, Ngắm từ xa trông lại ta thấy nó tựa như mái tóc của cô gái đang tuổi xuân thì xõa xuống dòng sông, như đan như dệt trên nền trời xanh thẳm và mặt nước mênh mông. Bên này sông, phố sá cũng rộn ràng, nhộn nhịp và lung linh ánh đèn khi màn đêm buông xuống. Bên kia sông là những xóm Chài và Cồn Ấu ở đầu vàm như một dải cù lao xanh mướt với biết bao cây lá quen thuộc của miệt vườn sông nước miền Tây. Trên dòng sông, cùng với tầu thuyền xuôi ngược là những du thuyền dập dìu theo con nước. Và cách đó không xa, khoảng chừng 5 cây số đường sông là chợ nổi Cái Răng nổi tiếng với những thuyền hàng buôn bán theo kiểu rất đặc trưng của miền sông nước phương Nam. Tất cả những hình ảnh của cuộc sống sôi động đa sắc ấy đã tạo nên một bức tranh phồn thịnh hữu tình của một bến thuyền mộng mơ làm hút hồn, mê mẩn biết bao người. Khiến cho không ít kẻ cứ về rồi lại đến.
Lần nào cũng vậy, đến bến Ninh Kiều, tôi lại lang thang trên những con phố chạy dọc ven sông để ngắm nhìn cảnh vật của phố phường phương Nam hay xà vào những quán ăn vặt trong những khu phố ẩm thực đang náo nhiệt để thưởng thức những đặc sản của đất trời miền Tây và cũng có khi lại tìm về chùa Ông cổ kính của người Hoa trên mảnh đất Tây Đô dạt dào sóng nước, bên đường Hai Bà Trưng để thắp một nén nhang cầu an và ngắm nhìn chiêm ngưỡng những đường nét hoa văn bằng sành sứ được trang trí rất tinh tế trên bờ nóc và hai bên cổng tam quan theo các điển tích trong truyền thuyết hoặc truyện cổ của Trung Hoa như lưỡng long chầu nguyệt, cá hóa rồng, phượng hoàng, bát tiên quá hải, tượng Quan Công. So với phố phường nhộn nhịp, sầm uất thì chùa Ông có vẻ khiêm nhường hơn nhưng nó là một phần tất yếu của địa danh văn hóa - lịch sử này. Tôi đã nhìn thấy, có không ít khách du lịch trong và ngoài nước đến Ninh Kiều đều vô chùa chiêm bái. Có thể nói ngôi chùa đã hòa vào với bến thuyền và phố phường hiện đại như thể góp “một nét trầm xao xuyến” để làm nên một khu phố vừa hiện đại vừa cổ kính nơi góc trời dạt dào sóng nước miền Tây.
Có lẽ, đến bến Ninh Kiều mà bỏ qua một bữa nhậu trên du thuyền vào buổi chiều hôm hay buổi đêm thì thật quá uổng. Nhà hàng du thuyền ở bến Ninh Kiều có từ rất lâu. Đây là một du thuyền có ba tầng sang trọng với sức chứa khá lớn (khoảng 600 người). Từ trên khoang thuyền lộng gió ta vừa thưởng thức các món ăn đặc trưng của miền Tây Nam Bộ như thể canh cua đồng nấu bông điên điển, cơm trắng và mắm cá lóc ... vừa được thỏa sức ngắm nhìn cảnh vật bên đôi bờ sông Hậu. Đặc biệt trên tầng ba có một sân khấu nhạc sống phục vụ du khách rất dân dã nhưng cũng rất ấn tượng. Ở đây ngoài các ca sĩ của nhà hàng du khách cũng có thể giao lưu, hát cho nhau nghe. Ca nhạc ở đây có thể đủ các thể loại từ nhạc trữ tình, nhạc cách mạng, nhạc vàng … cho đến cải lương và cả đờn ca tài tử. Giữa màn đêm bao la của đất trời Cần Thơ, xung quanh là dạt dào sông nước, bên tai là những âm điệu trầm bổng da diết của những bài ca vọng cổ hòa giữa muôn điệu lung linh của ánh điện và những vầng sáng bàng bạc tỏa xuống từ trên trời cao, ta mới thấy thoải mái, nhẹ nhõm làm sao khi thả hồn theo những điệu nhạc du dương trầm bổng thiết tha và cảm thấy thư giãn đến vô cùng. Có thế ta mới hiểu và thấy mến cái sức hút sông nước miền Tây sao hữu tình đến vậy!
Đêm phương Nam ngóng về phương Bắc, nỗi niềm của bao kẻ tha hương được gửi vào trong những điệu hò, câu hát hay sao mà nghe da diết thế. Dưới màn đêm, du thuyền chầm chậm trôi trên dòng sông Hậu, tôi đã từng được nghe tiếng đờn ca tài tử với bản tình ca nổi tiếng có tên là “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe bài ca vọng cổ này nhưng nghe trong tâm trạng xa nhà và ở chính nơi miền Tây sông nước, từ những người miền Tây ca thì là lần đầu tiên. Tiếng ca nghe da diết và oai oán sao vậy? Không biết có phải nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã mượn lời tâm sự của người phụ nữ nhớ chồng để nói lên cái tâm trạng của lưu dân đất Bắc đi khẩn hoang trên vùng đất Phương Nam phải đối diện với muôn vàn bất công của vùng đất mới cùng với những khổ đau do chiến tranh gieo rắc hay không mà nghe buồn đến thế. Phải nói, âm điệu lời ca khá buồn. Buồn nhưng không bi bởi lẽ lời ca cuối của bài tình ca có hình ảnh én nhạn hiệp đôi lóe lên như thể chứa chan niềm tin yêu lạc quan với tiếng lòng, mơ ước và khát khao hy vọng. Lạ thay khi bản nhạc được tấu lên, ca sĩ cất lời thì chẳng ai bảo ai, bao nhiêu người trên du thuyền cũng đập tay mà gõ nhịp hát theo: “Từ là từ phu tướng/ Bảo kiếm sắc phong lên đàng/ Vào ra luống trông tin chàng/ Năm canh mơ màng/ Em luống trông tin chàng/ Ôi gan vàng quặn đau í a/ Đường dù xa ong bướm/ Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang/ Ðêm luống trông tin bạn/ Ngày mỏi mòn như đá vọng phu/ Vọng phu vọng luống trong tin chàng/ Sao nỡ phũ phàng/ Chàng hỡi chàng có hay/ Đêm thiếp nằm luống những sầu tây/ Bao thuở đó đây sum vầy/ Duyên sắc cầm đừng lạt phai/ Là nguyện cho chàng/ Nguyện cho chàng đặng chữ bằng an/ Mau trở lại gia đàng/ Cho én nhạn hiệp đôi í a”. Tôi nhớ lần trước, khi ăn và nghe nhạc trên du thuyền ở bến Ninh Kiều, đã có một người con đất Bắc lưu lạc nơi cuối trời Nam, tâm trạng nhớ nhà ra sao tôi chẳng rõ nhưng sau khi cất tiếng hát bài ca “Nhớ mùa thu Hà Nội” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì lòng đầy thổn thức mà hát xong còn đưa tay thấm đôi dòng lệ rơi: “Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi/ Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời … ”. Thế đấy, bến Ninh Kiều đâu chỉ là chốn cho người ta tìm đến để ăn để chơi mà còn là nơi giúp người ta thể hiện, giãi bày, chia sẻ những nỗi niềm tâm trạng...


Cảng du thuyền Ninh Kiều
3. Miền đất của những giai nhân
Đêm Tây Đô, trên bến Ninh Kiều, ngắm Hậu Giang long lanh sóng nước giữa muôn màu ánh điện sáng lung linh cùng cùng bầu trời đêm lấp lánh trăng sao để mở căng lồng ngực mà tận hưởng những làn gió mát trên đôi bờ, bạn sẽ được trải mình để tận hưởng những vẻ đẹp đa sắc của một vùng quê “gạo trắng nước trong” nức tiếng giai nhân mà ca dao xưa đã từng nhắc đến “Cần Thơ có bến Ninh Kiều/ Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân”. Đi dạo trên những con phố dọc bên hữu ngạn sông Hậu hay xuôi đò về chợ nổi Cái Răng hẳn nhiều người sẽ thấy các cô gái của miền đất Tây Đô duyên dáng, xinh đẹp biết bao với những thân hình thon thả, làn da trắng mịn và mái tóc dài đen nhánh, e ấp thẹn thùng trong bộ áo bà ba giản dị (cũng có khi nón lá đầu đội) nhìn mãi mà không chán mắt. Người ta bảo con gái nơi đây xinh đẹp là bởi thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp cùng bốn mùa hoa trái bổ dưỡng quanh năm. Chẳng biết có phải vậy không mà không ít các ông bố chít khăn trên đầu ở đây tự hào mà khoe với thiên hạ rằng: "đàn bà xứ này đẻ mười đứa con gái thì hết chín đứa là người đẹp, đứa còn lại cũng trên mức trung bình". Không chỉ đẹp, con gái miền Tây còn sở hữu một “vũ khí” trời cho rất hiệu quả với cánh đàn ông ở các miền quê khác là giọng nói vô cùng ngọt ngào và rất dễ thương. Chẳng biết có đúng vậy không mà trong các cuộc thi người đẹp các cô gái Tây Đô đã có rất nhiều người lọt vào tốp người đẹp nhất, trong đó có không ít người là hoa hậu, á hậu. Có lẽ cũng bởi vì là đất gia nhân như thế mà đã có không ít nhạc sĩ lấy nguồn cảm hứng từ đây để sáng tác nên những ca khúc làm mê mẩn người nghe. Ví như, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh từ vạt áo bà ba mà cất lên tiếng hát: “Về bến Ninh Kiều thấy chàng đợi người yêu/ Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba/ Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm/ Qua bến bắc Cần Thơ” (Chiếc áo bà ba) hay nhạc sĩ Lam Phương cũng từng nhắc đến bến Ninh Kiều với bóng giai nhân trong tà áo thướt tha, mỹ miều: “Một đêm em mơ mình ríu rít đưa nhau về/ Thăm quê xưa với vườn cau thề/ Bàn tay anh đan dìu em bước trên cỏ khô/ Đi trong hoang vắng chiều Tây Đô/ Bờ sông yêu xưa tà áo thướt tha mỹ miều/ Sao anh không thấy về Ninh Kiều ...” (Chiều Tây Đô) và nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên cũng đã từng phải thốt lên rằng: “Đêm nay qua bến Ninh Kiều/ Nhớ về bóng dáng em yêu ...” (Qua bến Ninh Kiều). Hình như thiên nhiên, sản vật và con người được trời phú như vậy nên đất Tây Đô - Ninh Kiều chẳng phải mời gọi nhiều nhưng vẫn quyến rũ, “hớp hồn” rất nhiều người đến. Và ai đã đến đây rồi mới thấy thấm cái câu ca dao của người xưa để lại:“Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về”.
Giữa mênh mông sóng nước Hậu Giang, về đây bến Ninh Kiều thả hồn theo gió trời mênh mông, khoáng đạt và lặng ngắm phù sa đỏ nặng đôi bờ cùng những miệt vườn xanh mướt ngày đêm tấp nập tàu ghe mới hay rằng đó là lương duyên của đất và người Tây Đô. Thôi cũng chẳng cần phải nói hơn gì nữa về cái nơi đất lành chim đậu này mà chỉ biết rằng, cái bến ấy sẽ mãi còn trong tâm trí biết bao người đến người đi trong một tình yêu tha thiết như lời ca của ai đó đang vẳng ra giữa mênh mang đất trời: “Ơ... Cần Thơ, Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Đi đâu cũng nhớ cũng mong quay về/ Dòng Hậu Giang sóng nước mênh mang/ Con nước ròng con nước lớn,vẫn đong đầy tình yêu”.