Đồng khô, hồ cạn

27/03/2015 07:32

Theo dõi trên

Tây Nguyên vào cao điểm hạn hán, nhiều sông suối, ao hồ chỉ còn trơ đáy, hàng ngàn hécta cây trồng thiếu nước, người dân đang vét những giọt nước cuối cùng để chống hạn.

Anh Lê Bá Thảo, một người trồng cà phê ở thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cho biết, chưa năm nào khô hạn như năm nay. Mọi năm ở vùng này thỉnh thoảng có thiếu nước nhưng chủ yếu xảy ra ở đợt tưới thứ 3-4, còn năm nay thiếu nước ngay từ đợt tưới đầu. Anh Thảo và hàng chục hộ dân xung quanh phải kéo nước từ suối Ia Châm, cách đó khoảng 2km (mất chừng 30 cuộn ống nước mới đủ) để đưa nước về hồ, sau đó dùng máy khác bơm nước từ hồ tưới lên cho vườn cà phê, vì nếu đợt 2 thiếu nước thì coi như vụ cà phê này mất trắng. Không chỉ cây cà phê, nhiều diện tích lúa cũng đang ở tình trạng thiếu nước trầm trọng. Tại xã Chư Drăng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), nhiều đất ruộng đã bắt đầu nứt nẻ vì khô nước lâu ngày. Kênh mương dẫn nước về đồng chẳng còn giọt nước, lúa và hoa màu đều chuyển màu vàng úa. Ông Siu Loan, ở buôn H’Ngôm (xã Chư Drăng), chủ nhân của 8 sào lúa nước, lắc đầu ngao ngán vì ngày nào cũng phải ra ruộng túc trực theo dõi nước. “Cứu được chừng nào hay chừng ấy, nhưng khó lắm, chỉ mong trời đổ mưa mới cứu được thôi”, ông Loan nói.


Nắng nóng kéo dài khiến mực nước hồ Ia Mơ Nông (Chư Păh, Gia Lai) cạn khô. Ảnh chụp ngày 26-3.

Theo dự báo của Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Tây Nguyên, tổng lượng mưa phổ biến trên địa bàn chỉ xấp xỉ hoặc thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Khả năng thiếu nước sản xuất vụ đông xuân 2014 - 2015 này khá cao, mức độ cạn kiệt nghiêm trọng hơn so với năm ngoái. Một số vùng chịu ảnh hưởng hạn hán nặng như các huyện Kbang, Đăk Pơ, Kông Chro, Ayun Pa, Krông Pa (Gia Lai) và Kon Plong, Kon Rẫy, Đăk Glei, Ngọc Hồi (Kon Tum). Mực nước đo được thời điểm hiện tại ở các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ hầu hết đều thấp hơn mực nước dâng bình thường của hồ và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014, chỉ đạt trung bình 50% - 60% so với dung tích thiết kế. Trong đó, một số hồ nước đã cạn đến mức báo động như hồ Hrung (Ia Grai, Gia Lai) chỉ đạt 6,8%. Mực nước ở sông Pô Kô, Đắk Tờ Kan, Đắk Pxi và Đắk Bla (Kon Tum) cũng xuống thấp hơn 15% - 25% so với năm trước, mặc dù trên địa bàn đã có vài cơn mưa trước đó.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Gia Lai, đến nay diện tích bị hạn và thiếu nước tưới tại 4 huyện Đak Đoa, Chư Păh, Chư Pưh và Kbang đã hơn 1.085ha, trong đó trên 930ha lúa. Còn theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum, tình trạng khô hạn, thiếu nước đã xảy ra ở một số địa phương TP Kon Tum (nơi có đập thủy lợi Cà Tiên thuộc xã Đoàn Kết) và 5 huyện Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô, Kon Rẫy, Ngọc Hồi.

Tại Đắk Nông, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết, hiện 8/160 hồ chứa do công ty quản lý đã xuống dưới mực nước chết hoặc hết nước hoàn toàn (hồ Ea Diêr, Cư Pu ở huyện Cư Jút; hồ Đắk Mbai, Đắk Sai, Đắk Lou, Đắk Ken, Đắk Goun, Đắk Gằn ở huyện Đắk Mil) gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước cho trên 950ha cây trồng. Nếu tình hình nắng nóng tiếp tục kéo dài đến cuối vụ, tình trạng hạn hán, thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến 7.060ha cây trồng các loại, trong đó có 699ha cây trồng có nguy cơ giảm năng suất hoặc mất trắng do không có nguồn nước để xây dựng phương án chống hạn.

Để chống hạn hán, công ty hỗ trợ kinh phí cho các địa phương tổ chức triển khai đắp 48 đập dâng, đập tạm trên suối với tổng kinh phí 130 triệu đồng và lắp đặt máy bơm dã chiến trên 3 hồ thiếu nước là hồ Đăk Mâm, Ea Diêr và Đắk Ken. Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục lắp đặt máy bơm dã chiến để bơm nước từ dung tích chết lòng hồ, từ sông, suối hoặc chuyển nước từ các hồ chứa còn nguồn nước đến khu vực xảy ra hạn hán cho các công trình: Đăk Puer, Núi lửa, Đăk Ken (đợt 2), hồ Bu Đăk ở Đăk Mil; Đăk Mâm (máy 3); buôn R’Cập ở Krông Nô; Ea Diêr, Trúc Sơn ở Cư Jut trong thời gian từ đây đến hết vụ đông xuân.


HOÀI NHƠN - THANH TÂM

Hỗ trợ các địa phương bị hạn hán nặng

Sau khi Báo SGGP đăng loạt bài phản ánh tình hình hạn hán nghiêm trọng tại các tỉnh thuộc Nam Trung bộ và Nam bộ, Tây Nguyên, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) vừa có báo cáo gửi Báo SGGP về tổng hợp số liệu và nhận định về tình hình hạn hán trong các vụ đông xuân và hè thu 2015 sắp tới cũng như công tác chuẩn bị chống hạn. Theo số liệu từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tình trạng khô hạn nặng tại Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ sẽ còn căng thẳng từ nay tới tháng 9-2015. Bộ NN-PTNT đã có công văn chỉ đạo các địa phương trong khu vực khô hạn nặng bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp, tổ chức nạo vét kênh mương, sử dụng tiết kiệm nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến. Riêng các tỉnh hạn hán nặng như Ninh Thuận, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu các công trình tưới tiêu thuộc hệ thống thủy lợi Nha Trinh - Lâm Cấm (cung cấp cho diện tích khoảng 14.000ha) lập kế hoạch yêu cầu bổ sung nguồn nước từ các nhà máy thủy điện thuộc hệ thống sông Cái Phan Rang để phục vụ tưới cho vụ đông xuân và hè thu.

Bộ NN-PTNT cũng đã đề nghị UBND các tỉnh có chính sách hỗ trợ nhân dân khi phải dừng sản xuất do không có nước tưới. Trên thực tế, khi phải dừng sản xuất do thiếu nước, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn nhưng chưa có chính sách hỗ trợ cho đối tượng này. Các bộ, ngành liên quan sớm trình Chính phủ hỗ trợ kinh phí phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn cho các địa phương.


PHÚC HẬU
(Theo sggp.org.vn)

Bạn đang đọc bài viết "Đồng khô, hồ cạn " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.