Nhà thờ dòng họ Nguyễn Tiên Điền (xã Tiên Điền – Nghi Xuân) là nơi lưu giữ cốt cách và truyền thống quý báu của dòng họ từ bao đời nay.
La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp trong bài thơ gửi cho Nguyễn Khản viết:
“…Hồng Sơn dĩ bắc, Nghi Xuân địa
Dòng họ Nguyễn Tiên Điền vốn là hậu duệ của Trạng nguyên Nguyễn Thiến đời nhà Mạc. Nguyễn Thiến đậu trạng nguyên năm 1532 thời vua Mạc Đăng Doanh, ông làm đến Thượng thư bộ Lại, tước Thư quận công. Ông sinh ra Nguyễn Quyện và Nguyễn Miễn. Nguyễn Thiến cùng hai con bỏ nhà Mạc vào Thanh Hóa theo nhà Lê. Sau khi Nguyễn Thiến qua đời hai con của ông lại trở về theo nhà Mạc, được nhà Mạc tin dùng. Nguyễn Quyện là một danh tướng, được nhà Mạc phong tới tước Thái bảo, Thường quốc công. Nguyễn Miễn được phong tước Phù Hưng hầu. Khi nhà Mạc thua chạy lên Cao Bằng thì Nguyễn Quyện và nhiều con cháu bị nhà Lê sát hại. Chỉ có một người con của Nguyễn Miễn là Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm chạy thoát vào vùng Tiên Điền ngày nay.
Nguyễn Nhiệm vào vùng Tiên Điền sinh ra ba người con trai (không rõ tên) và hai con gái. Ông để lại bộ sách thuốc “Nam Dương tập yếu kinh nguyên”.
Người con trai thứ hai của Nguyễn Nhiệm về sau được truy tặng chức Tham đốc, tước Khánh Trạch hầu. Ông này lấy vợ người họ Hà cùng làng sinh ra Nguyễn Ổn và Nguyễn Chúng (mất sớm).
Nguyễn Ổn về sau được truy tặng chức Đề đốc, tước Phương Trạch hầu. Ông này lấy bà họ Lê cùng làng sinh ra Nguyễn Thể và Nguyễn Yêu.
Nguyễn Thể (1644 – 1698) tên thụy là Bảo Lộc, đi lính sớm, giỏi võ nghệ, có công dẹp giặc tại vùng Hưng Hóa, Nghệ An nên được phong chức Phó võ úy, tước Phù Hưng bá, đời vua Lê Cảnh Hưng được truy tặng Đông các đại học sĩ, tước Phù Hưng hầu, sau gia tặng Thượng thư bộ Hộ, Thiếu phó Phù quận công. Ông lấy vợ họ Lê sinh ra Nguyễn Quỳnh. Còn Nguyễn Yêu (1656 – 1721) theo Nguyễn Thể đi lính, lập được công trạng nên được phong Chánh suất đội, tước Hùng Tài hầu.
Nguyễn Quỳnh (1675 – 1735) là đời thứ năm sống ở Tiên Điền, ông đỗ sinh đồ năm 19 tuổi, do có tang cha nên không đi thi nữa, về học thiên văn, địa lí, y học. Về sau ông được Trấn tướng Nghệ An Lê Thì Liêu dùng làm mặc khách, chuyên giao thiệp với Đàng Trong, ông có công nên được giữ chức Chánh đội trưởng coi đội quân Thắng Hữu. Ông được truy phong Hàn lâm viện thừa chỉ, tước Nhuệ Trạch hầu, gia tặng Thượng thư bộ Lễ, Thái bảo Nhuận quận công. Nguyễn Quỳnh lấy vợ người họ Phạm, sinh hạ Nguyễn Huệ, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Trọng, Nguyễn Tín, Nguyễn Sĩ, Nguyễn Huyền. Tác phẩm của ông có “Địa lí gia truyền bí quyết”, “Đại hiếu chân kinh”, “Từ ấu chân chuyên”, “Dịch kinh quyết nghị ” gồm 15 cuốn.
Từ đời thứ sáu trở đi, họ Nguyễn Tiên Điền mở ra một trang mới về khoa – hoạn và trước tác. Trong vòng gần hai thế kỉ, từ nửa đầu thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XX, họ Nguyễn có 5 người đỗ đại khoa, 7 hương cống – cử nhân, 7 người đậu tam trường – tú tài. Đặc biệt là dòng họ này đạt nhiều thành tựu về trước tác, góp phần tạo nên “văn phái Hồng Sơn”.
Nguyễn Huệ (1705 – 1733) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Qúy Sửu niên hiệu Long Đức thứ 2 (1733), ông chưa kịp vinh quy bái tổ thì bị bệnh rồi mất. Về sau ông được phong phúc thần. Trong khu lưu niệm Nguyễn Du hiện nay có mộ vợ chồng ông.
Nguyễn Nghiễm (1708 – 1775) tự là Hi Tư, hiệu Nghị Hiên, biệt hiệu Hồng Ngư cư sĩ. Thuở nhỏ hiếu học, thông minh. Năm 16 tuổi (1724) đỗ Hương cống, năm 1731 đỗ Hoàng Giáp, ông giỏi cả văn chương lẫn võ bị. Nguyễn Nghiễm từng làm Tế tửu Quốc tử giám, Thừa chỉ Viện hàn lâm, Thiên đô Ngự sử, Thượng thư bộ Công, Thượng thư bộ Hộ giữ chức Tham tụng. Năm 1774 ông cùng Hoàng Ngũ Phúc cầm quân đánh chiếm Phú Xuân của chúa Nguyễn, sau đó ông được phong tước Xuân quận công. Khi mất được ban tên thụy Trung Cần, phong phúc thần. Ông có khả năng về mặt kinh tế, giao thông, tổ chức đồn điền ở Trường Yên (Ninh Bình) và xây dựng một hệ thống dịch trạm từ Lạng Sơn qua Kinh Bắc vào Nghệ An. Tác phẩm của Nguyễn Nghiễm có tập “Việt sử bị lãm”, với nhiều nhận xét xác đáng nhiều sự kiện lịch sử nước ta. Ông còn có tập “Lạng Sơn đoàn thành đồ chí” ghi chép đầy đủ về trấn Lạng Sơn. Về thơ chữ Hán ông có các tập là “Quân trung liên vịnh”, “Xuân Đình tập vịnh”, “Cổ lễ nhạc thi văn”. Về chữ Nôm có bài phú “Khổng tử mộng Chu công”. Ông cũng soạn cuốn “Nguyễn tộc gia phả” cung cấp cho những nhà nghiên cứu nhiều tư liệu quý giá về dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Nguyễn Nghiễm sinh hạ nhiều con, trong đó có nhiều người nổi tiếng như Nguyễn Khản, Nguyễn Điều, Nguyễn Đề, Nguyễn Nhưng, Nguyễn Ức…nhưng nổi bật nhất vẫn là Nguyễn Du.
Nguyễn Trọng, được phong tước Lam Khê hầu, ông là một lương y nổi tiếng cùng thời với Hải Thượng lãn ông Lê Hữu Trác, ông có công nghiên cứu nhiều bài thuốc, nhất là thuốc Nam. Dòng họ Nguyễn Tiên Điền ngày nay đông nhất chính là con cháu của Nguyễn Trọng.
Nguyễn Khản (1734 – 1786) là con trưởng Nguyễn Nghiễm. Khi chưa đỗ đạt đã nổi tiếng thông minh. Năm 1760 đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, được ban tên là Nguyễn Lệ. Ông được chọn vào dạy cho thế tử Trịnh Sâm. Khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa đối đãi với ông như bạn, dùng làm cận thận. Làm quan trải qua các chức: Hàn lâm viên học sỹ, thăng Đại học sỹ, thăng Hữu thị lang bộ Lại, Nhập thị Bồi tụng, tước Kiều Nhạc hầu, sau đổi sang quan võ lĩnh chức Đô đốc, tước Hồng Lĩnh hầu, gia thêm chức Tham tụng, kiêm Trấn thủ Sơn Tây và Hưng Hóa. Trong vụ án Canh Tý (1780) ông đứng về phe Trịnh Khải nên bị thất sủng, song Trịnh Sâm không bắt tội. Khi Trịnh Khải lên nắm quyền ông lại được trọng dụng, phong tước Toản quận công. Trong loạn kiêu binh ông phải chạy lên Sơn Tây, rồi về quê. Khi quân Tây Sơn kéo ra lật đổ họ Trịnh, Nguyễn Khản toan ra Bắc để mưu đồ khôi phục, nhưng chưa làm được gì thì ông qua đời. Có một thời gian Nguyễn Khản làm quan tại Nghệ An, ông đã tâu xin dời một số dân ở Nghệ An ra Thanh Hóa khẩn hoang, mở cửa biển cho thuyền buôn nước ngoài vào buôn bán gạo, mở đường từ Qùy Hợp lên Trấn Ninh, mở xưởng đúc tiền ở Vĩnh Dinh. Nguyễn Khản là người văn võ toàn tài, cầm kì thi họa đều sành, thạo các thú chơi một thời nức tiếng Thăng Long. Về trước tác, ông có dịch “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn ra thơ quốc âm, ông viết tác phẩm “Khúc tự tình”. Năm 1783 kiêu binh nổi loạn đã phá nát nhà ông có lẽ đã làm thiêu hủy nhiều trước tác của ông.
Nguyễn Điều (1744 – 1786), hiệu Tụ Hiền. Ông đỗ Hương giải (đỗ đầu thi Hương), làm Lang trung bộ Lại, thăng Trấn thủ Hưng Hóa – Sơn Tây, về sau về coi việc phủ chúa Trịnh, làm Đô đốc phủ Đô đốc đồng tri, tước Điền Nhạc hầu. Khi quân Tây Sơn ra Bắc, ông định tổ chức lực lượng chống lại, nhưng đến Thanh Hóa thì bị bệnh rồi mất. Tác phẩm của ông có một “Thi tập” nhưng nay phần lớn đã thất truyền. Nguyễn Điều sinh hạ Nguyễn Thiện và Nguyễn Hành.
Nguyễn Đề (1760 – 1805), còn có tên khác là Nễ, tự Nhất Quế sau đổi thành Tiến Phủ, hiệu Quế Hiên sau đổi thành Tỉnh Kiên, biệt hiệu Văn Thôn cư sĩ. Ông đỗ Hương giải năm Qúy Mão (1783). Lúc đầu ông làm Hàn lâm viện cung phụng, sau đổi sang quan võ, sung Thiêm thư khu mật viện sư, tước Đức Phát hầu. Dưới triều Tây Sơn, ông được vua Quang Trung vời ra làm Hàn lâm viện thị thư, sau đó 2 lần làm Phó sứ sang Trung Quốc. Năm 1794 ông được thăng Tả phụng nghị bộ Binh, Hiệp tán nhung vụ thành Quy Nhơn. Về trước tác có “Quế Hiên giáp tập”, “Quế Hiên ất tập”, “Hoa trình tiêu khiển tập”, “Hoa trình tiền hậu tập”. Trên 300 bài thơ của ông đều là những bài thơ vịnh cảnh, hoài cảm, thù tạc bằng hữu, anh em. Thơ ông bình dị, ít triết lí, ngôn ngữ tinh tế, không cầu kì.
Nguyễn Nhưng (1762 -?), thi đỗ hương cống, ông được tập ấm làm Vệ úy, sau được bổ làm Hàn lâm viện hiệu thảo, tước Nhạc Quang bá. Nguyễn Nhưng cũng là một thầy thuốc giỏi. Ông để lại tác phẩm “Sơ khảo viễn xứ Thanh Hoa”.
Nguyễn Du (1765 – 1820) , tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn liệp hộ, Nam Hải điếu đồ. Năm 19 tuổi đỗ Sinh đồ, không hiểu vì sao sau đó không thi tiếp, ông tập ấm tước quan võ làm Chánh thủ hiệu ở Thái Nguyên. Khi quân Tây Sơn tiến quân ra Bắc, Nguyễn Du nuôi chí chống lại, sự việc bại lộ, ông bị bắt giam. Nhờ anh trai là Nguyễn Đề quen thân với tướng Tây Sơn là Nguyễn Thận nên Nguyễn Du được thả ra. Năm 1802 Nguyễn Du ra làm quan với nhà Nguyễn, được bổ làm tri huyện Phù Dung (Hưng Yên), sau đổi làm Tri phủ Thường Tín (Hà Nội). Năm 1805 ông về kinh đô Huế làm Đông các đại học sỹ, tước Du Đức hầu. Năm 1807 là giám khảo trường thi Hải Dương. Năm 1809 làm Cai bạ Quảng Bình. Năm 1813 Nguyễn Du làm Chánh sứ sang Trung Quốc, khi về làm Tham tri bộ Lễ. Tháng 8 năm 1820 ông lại được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc, tuy nhiên ông chưa kịp đi sứ thì bị cảm rồi mất. Nói chung Nguyên Du được nhà Nguyễn trọng dụng, thăng chức khá nhanh, giữ nhiều chức vụ quan trọng.
Tháng 12/1964, tại thành phố Berlin (Đức), Hội đồng Hòa bình thế giới đã ra quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Du. Ngày 25/10/2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) họp tại Paris (Pháp) đã chính thức ban hành Nghị quyết số 37C/15, phê chuẩn Quyết định số 191/EX32 và 192/EX32, nhất trí vinh danh Nguyễn Du. Theo đó, hoạt động tôn vinh được triển khai tại Việt Nam và các nước trong cộng đồng UNESCO.
Cống hiến vĩ đại nhất của Nguyễn Du là những văn phẩm thể hiện tâm huyết, tài năng của ông. Các tác phẩm chữ Hán của ông có “Thanh Hiên thi tập”, “Nam Trung tạp ngâm”, “Bắc hành tạp lục”. Tác phẩm chữ Nôm có “Văn tế sống nhị nữ Tràng Lưu”, “Thác lời con trai phường Nón”, “Văn tế thập loại chúng sinh” và nổi bật nhất là “Truyện Kiều”, tức “Đoạn trường tân thanh”. Chính “Truyện Kiều” đã đưa Nguyễn Du lên vị trí “Đại thi hào dân tộc”.
Bàn thêm về việc Nguyễn Du ra làm quan với nhà Nguyễn. Họ Nguyễn Tiên Điền nhiều đời hưởng ân điển của triều Lê – Trịnh. Tuy nhiên, đứng trước những biến động của lịch sử cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX thì những người trong họ Nguyễn Tiên Điền đã có những thái độ chính trị khác nhau. Người thì chống Tây Sơn về sau hợp tác với nhà Nguyễn, kẻ hợp tác với Tây Sơn, người lại chống Tây Sơn đồng thời phủ nhận luôn cả nhà Nguyễn, lại có người hợp tác với Tây Sơn về sau lại hợp tác với nhà Nguyễn. Mỗi người một nhận thức, một chí hướng khác nhau. Đó là một điều hết sức bình thường.
Nguyễn Ức là em Nguyễn Du, ông tinh thông nghề kiến trúc, được cử làm Thiêm sự bộ Công, giám sát việc xây dựng cung điện ở Huế.
Nguyễn Thiện (1763 – 1818) là con Nguyễn Điều, tự Khả Dục, hiệu Thích Hiên. Đỗ Hương cống năm Giáp Thìn (1784). Ông tập ấm, được phong Hoằng Tín đại phu, Phó trung úy, tước Thái Nhạc bá. Dưới triều Tây Sơn ông làm Hàn lâm viện hiệu thảo, chuyên dịch sách ở Sùng Chính viện, được phong tước Hoan Thành bá. Ông để lại một số tác phẩm như: Nhuận sắc “Hoa Tiên truyện” của Nguyễn Huy Tự, “Đông phủ thi tập”, “Huyền cơ đạo thuật bí thư”.
Nguyễn Hành (1771 – 1824) là con Nguyễn Điều, tên chính là Nguyễn Đạm, tự Tử Kính, hiệu Nam Thúc, biệt hiệu Ngọ Nam, Nhật Nam. Khi lớn lên thì nhà Lê – Trịnh suy vong, ông không hợp tác với nhà Tây Sơn, cũng không làm quan với nhà Nguyễn, ông vẫn ôm ấp hoài bão triều đại cũ Lê – Trịnh. Là người thông minh, học giỏi, có tài thơ văn, được người đời khen ngợi, đã xếp ông cùng với Nguyễn Du (chú ruột của ông) vào “An Nam ngũ tuyệt” (Năm nhà thơ nổi tiếng của nước An Nam). Sáng tác của ông có các tập: “Quan hải tập”, “Minh Quyên thi tập”, “Thiên địa nhân vật thư”. Thơ của ông nói nhiều về nỗi ngang trái bất công, nổi khổ của nhân dân thời bấy giờ.
Nguyễn Tán (1804 – ?) là hậu duệ của dòng họ Nguyễn Tiên Điền nhưng không rõ thuộc về chi nào. Ông đỗ cử nhân khoa Mậu Tý (1828), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm Nhâm Thìn niên hiệu Minh Mạng 13 (1832). Nguyễn Tán làm chức Viên ngoại lang, sau đó ông bị cách chức.
Nguyễn Mai (1876 – 1954) là cháu đời thứ tám của Nguyễn Trọng, đỗ cử nhân khoa Canh Tý (1900) cùng khoa với Phan Bội Châu, đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1904) cùng khoa với Trần Qúy Cáp, Huỳnh Thúc Kháng…Lúc đầu ông không làm quan, về sau ra ứng cử nghị viên Viện dân biểu Trung kì, được phong Hồng Lô tự khanh rồi Quang Lộc tự khanh. Trong Cải cách ruộng đất Nguyễn Mai bị quy là địa chủ phong kiến và mất tại trại giam. Nguyễn Mai để lại một số tác phẩm bằng chữ Hán, chữ Nôm như: “Nguyễn gia phong vị tập bổ di”, “Kim túy trình từ tự”, “Mừng tuổi cụ Quýnh”, “Cảm tác”…
***
Làng Tiên Điền không phải là đất phong cho họ Nguyễn, làng Tiên Điền ngày xưa chỉ là một làng quê nghèo, ruộng đất cằn phèn chua nước mặn, ruộng lúa không đủ ăn, nhân dân phải sống thêm với nghề thủ công chằm nón. Họ Nguyễn Tiên Điền từ bao đời đến lập nghiệp sống bằng nghề thầy thuốc, và con cái cố gắng học hành để đỗ đạt. Người họ Nguyễn Tiên Điền đời này nối tiếp đời khác ra làm quan, không do việc cha truyền con nối, mà do sự học hành tự bản thân mỗi người. Các phần ruộng gia tài họ Nguyễn Tiên Điền do các cụ mua để dành làm hoa lợi dùng trong việc cúng tế hằng năm. Do đó họ Nguyễn Tiên Điền không hề bóc lột một ai.
Qua nghiên cứu về dòng họ Nguyễn Tiên Điền chúng ta thấy các thế hệ kế tiếp nhau của dòng họ này đã kế tục và phát huy truyền thống hiếu học của vùng Tiên Điền nói riêng, tỉnh Hà Tĩnh nói chung. Đóng góp lớn nhất của dòng họ này với lịch sử nước ta đó chính là những thành tựu về văn hóa thông qua những trước tác kiệt xuất. Người Việt Nam ngày nay hãnh diện với đóng góp đó. Điều đặc biệt hơn cả, đó chính là dòng họ Nguyễn Tiên Điền đã sinh ra Nguyễn Du – người được cả nước tôn xưng là “Đại thi hào dân tộc”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Trọng Chánh, Nguyễn Khản – Quan thượng thư tài hoa, Tạp chí văn hóa Nghệ An, truy cập ngày 28/7/2016, < http://vanhoanghean.com.vn/dat-va-nguoi-xu-nghe6/nguoi-xu-nghe43/nguyen-khan-quan-thuong-thu-tai-hoa>.