Buổi sinh hoạt của CLB Đờn ca tài tử Thốt Nốt. Ảnh: Hoàng Khánh
Đã thành lệ, cứ tối thứ bảy hằng tuần, Khu tưởng niệm soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền (phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt) lại rộn vang tiếng đờn lời ca. Hàng chục nghệ nhân, người mộ điệu quây quần bên bình trà nóng, thả lòng cùng cung bậc tài tử. CLB Đờn ca tài tử Thốt Nốt từ đó tạo thành điểm hẹn tri âm. Điểm lạ ở mỗi kỳ sinh hoạt của CLB này là phần trả bài. Nếu như tuần trước, Ban Chủ nhiệm đưa ra một bài bản như Ngũ đối hạ, Long Ngâm, Long đăng… và hướng dẫn cách ca sao cho hay, cho mùi thì tuần này lần lượt từng người lên thể hiện lại bài bản cho những nghệ nhân lão luyện góp ý, tu chỉnh. Đây cũng là cách làm hay và hiếm có trong các CLB đờn ca tài tử, góp phần gìn giữ căn bản của di sản.
Ông Hà Duy Nhựt, chủ nhiệm CLB, cho biết: CLB được thành lập hơn 5 năm qua nhưng hoạt động đều tay và thu hút đông người tham gia là từ khi Khu tưởng niệm soạn giả Mộc Quán được đưa vào hoạt động. Ở đây, âm thanh, ánh sáng, địa điểm sinh hoạt chất lượng, ổn định. Hiện, CLB có đến hơn 50 thành viên, trong đó có khoảng 20 người ca hay, 10 người đờn giỏi, số còn lại đang học hỏi thêm. Số lượng thành viên của một CLB như thế thật lý tưởng, nhất là nghệ nhân đờn - vấn đề nan giải trong việc bảo tồn đờn ca tài tử hiện nay. CLB đờn ca tài tử Thốt Nốt hiện có những ngón đờn hay như Dương Văn Kình (ghi-ta), Long Hồ (đờn tranh), Phước Huy (sến)…
"CLB trực thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận nên chúng tôi muốn hướng đến nâng cao chất lượng, giúp người chơi hiểu tận tường về bài bản, nhịp nhàng, đúng chất đờn ca tài tử"- ông Hà Duy Nhựt nói. Thành công của CLB thời gian qua là đã vun bồi tình yêu tài tử cho thế hệ trẻ. Dù là thành viên chính thức hay vì yêu đờn ca mà đến thì nhóm bạn trẻ đã giúp tạo nên sức sống cho di sản. Đó là bé Bảo Ngọc, mới học lớp 4, nhưng ca tài tử chững chạc, nắn nót; hay là em Nhật Vy, học lớp 11, vốn hát nhạc bolero hay nhưng sau những buổi sinh hoạt đã bị cung bậc xàng xê chinh phục… Nhật Vy nói: "Tham gia sinh hoạt đờn ca tài tử, em hiểu hơn nét đẹp của âm nhạc cổ truyền, yêu quý truyền thống quê hương đất nước". Một câu chuyện khác là ông Dương Văn Kình, tay đờn có nghề trong CLB, đã đào tạo ra nhiều học trò, trong đó có cháu ruột của ông là anh Dương Hữu Phước. Với ông Kình, mỗi một người trẻ chịu học đờn ca tài tử là niềm vui, nên ông gắng công truyền nghề.
Ở CLB này, mỗi buổi sinh hoạt người ta lại thấy có nhiều cặp vợ chồng cùng dắt dìu nhau tham gia rồi góp chung lời ca tiếng hát. Nhiều người yêu thích đờn ca tài tử ở Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ), Châu Đốc, An Phú (An Giang)… cũng thường đến khu tưởng niệm giao lưu vì họ tìm thấy ở đây những tài tử tri kỷ. Thành viên của CLB có người đoạt giải tại Liên hoan giọng ca Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền vừa qua, nhiều người là lực lượng tài tử nòng cốt cho các cuộc "đem chuông đi đánh xứ người" của quận Thốt Nốt.
Theo ông Hà Duy Nhựt (Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Thốt Nốt), toàn quận Thốt Nốt hiện có khoảng 36 CLB đờn ca tài tử. Điểm mạnh ở địa phương là có nhiều điểm sinh hoạt đờn ca tài tử tại các quán cà phê rất mạnh, như quán Mỹ Nương, quán Minh Dành (phường Trung Kiên), quán Long Nhật Phi (phường Thạnh Hòa)… Quận cũng thường xuyên mở các lớp truyền nghề đờn ca tài tử cho người đam mê, góp phần gầy dựng phong trào.
Theo Báo Cần Thơ