Đờn ca tài tử - niềm tự hào của người dân Nam Bộ

05/05/2018 16:44

Theo dõi trên

Ðờn ca tài tử là nét đặc trưng trong đời sống của người dân Nam Bộ, là món ăn tinh thần đầy ý nghĩa giúp xua tan nỗi vất vả sau những ngày làm việc mệt nhọc.

Hiện nay, các câu lạc bộ đờn ca tài tử là nơi tụ họp của những tài tử chuyên và không chuyên cùng chung sở thích gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm, cùng nhau gìn giữ, phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Từ đó, góp phần thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư và phát huy nét đẹp cho loại hình nghệ thuật này.

Để phát huy loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử của Nam Bộ, ngoài duy trì và phát triển những câu lạc bộ đờn ca tài tử, hằng năm, huyện Ngọc Hiển còn tổ chức các hội thi, đêm giao lưu để các tài tử  chuyên và không chuyên được cọ sát, rèn luyện tiếng đàn, lời ca thêm điêu luyện.




Ðờn ca tài tử sẽ sống mãi trong lòng người mộ điệu.

Bà Tô Thị Mỹ Lệ Nhung, Phó Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Ngọc Hiển, chia sẻ: “Thành lập câu lạc bộ đờn ca tài tử tại địa phương nhằm bảo tồn và phát huy đờn ca tài tử của huyện nhà và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, không để những giá trị truyền thống mai một theo thời gian”.

Ông Trần Thanh Dũng, ấp Rạch Tàu, xã Ðất Mũi, là một trong những thành viên trong câu lạc bộ đờn ca tài tử cho biết: “Ðối với những người đam mê ca hát và không biết ca hát thì họ vẫn thích nghe những giai điệu cổ du dương trong từng lời ca, tiếng hát của bộ môn đờn ca tài tử. Những lúc lao động mệt mỏi thì đờn ca tài tử như món ăn tinh thần mang đến niềm vui xua tan mệt nhọc cho người dân”.

Dù bận rộn trong cuộc sống mưu sinh hằng ngày, nhưng những người yêu thích bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử của quê hương vẫn dành riêng giây phút của mình cho đam mê để giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.

Bà Trần Bé Sáu, ấp Kinh Ðào, xã Ðất Mũi, nói: “Ðờn ca tài tử luôn được mỗi người yêu thích, dù trải qua bao đời thì nó vẫn còn sống mãi trong lòng người dân Nam Bộ và được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Với những cung bậc của các bản Bắc, Nam, Hạ, Oán, vọng cổ và hoà tấu đem lại cho người xem nhiều cảm xúc dạt dào. Và hoạt động đờn ca tài tử là một nét đẹp văn hoá của vùng sông nước, càng tự hào hơn khi đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là văn hoá phi vật thể. Ðể gìn giữ và phát huy loại hình đặc sắc này, huyện Ngọc Hiển luôn phát động phong trào đờn ca tài tử sâu rộng trên địa bàn. Từ đó, đờn ca tài tử trên địa bàn huyện Ngọc Hiển luôn phát triển và trở thành phong trào văn hoá, văn nghệ trong khóm, ấp.

Tiêu biểu như xã Tân Ân Tây, hiện 12/12 ấp vẫn duy trì và phát triển phong trào đờn ca tài tử. Ðặc biệt, địa phương này cũng duy trì được những thế hệ trẻ tham gia vào câu lạc bộ. Các câu lạc bộ đờn ca tài tử ở ấp thường sinh hoạt đều đặn vào ngày 20 âm lịch.

Anh Lê Minh Sang, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ðờn ca tài tử xã Tân Ân Tây, chia sẻ: “Ðờn ca tài tử là sân chơi bổ ích, thiết thực và ý nghĩa, giúp thế hệ trẻ hôm nay thêm yêu và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống đờn ca tài tử Nam Bộ của miền quê sông nước”.

Hiện nay, đờn ca tài tử phát triển rộng khắp từ những câu lạc bộ phát triển thành những phong trào văn hoá, văn nghệ, đám tiệc… để cho người chơi và người nghe, dù ban ngày hay ban đêm, cùng nhau thưởng thức tiếng đờn và lời ca mà không cần phải có máy móc tăng âm hiện đại.

Câu lạc bộ đờn ca tài tử sẽ sống mãi trong lòng người dân bằng lời ca, tiếng hát của những người nghệ sĩ không chuyên, hằng ngày họ gắn bó với liếp rau, mảnh vườn, con tôm, con cá… nhưng đã để lại cho người nghe một dư âm khó phai. Với những lời ca, tiếng đàn đã chạm vào trái tim của những người đam mê và yêu thích nghệ thuật đờn ca tài tử. Ðờn ca tài tử sẽ góp phần xây dựng nếp sống mới của đô thị, từng thành viên trong các câu lạc bộ sẽ là những người nhóm lên phong trào đờn ca tài tử của địa phương, họ sẽ là những người trực tiếp và truyền đạt lại cho con cháu sau này./.


Hồng My - Chí Hiểu
Theo Báo Cà Mau

Bạn đang đọc bài viết "Đờn ca tài tử - niềm tự hào của người dân Nam Bộ " tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.