Đờn ca tài tử Nam Bộ - Bảo tồn và phát triển

30/08/2018 14:20

Theo dõi trên

Đó là chủ đề của Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III sẽ diễn ra vào tháng 4/2020 tại Cần Thơ.

 
Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II đã diễn ra tại Bình Dương năm 2017. Nguồn: binhduong.gov.vn

Theo đó, Festival có sự tham gia của 21 tỉnh, thành Nam Bộ. Từ nay cho đến khi diễn ra Festival, Cần Thơ sẽ tổ chức nhiều hoạt động liên quan như: Cuộc thi sáng tác lời mới cho 20 bài bản tổ nhạc Tài tử Nam Bộ, Cuộc thi sáng tác bài ca vọng cổ và chập cải lương, Chương trình khai mạc với chủ đề “Tinh hoa nghệ thuật dân tộc Việt”, Hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tử, Lễ hội chợ nổi “Sông nước Cửu Long”…

Việc tổ chức Festival nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, đồng thời tôn vinh những đóng góp của các soạn giả, nghệ nhân, nghệ sĩ đối với việc bảo tồn, phát triển và truyền bá nghệ thuật này. Từ đó từng bước đưa Festival Đờn ca tài tử Nam Bộ trở thành sự kiện văn hoá được tổ chức theo định kỳ, mang đậm bản sắc văn hoá của vùng đất Nam Bộ. Đồng thời tạo sự kết nối với các di sản thiên nhiên và di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại tại Việt Nam.

Trước đó, Bộ VHTTDL cũng đã có văn bản chấp thuận và tạo điều kiện thuận lợi để Cần Thơ tổ chức thành công sự kiện văn hóa quy mô quốc gia này.

Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam đã được UNESCO chính thức ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Phiên họp Uỷ ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể lần thứ 8 diễn ra tại thành phố Baku, nước Cộng hoà Azerbaijan ngày 5/12/2013.

Thanh Thủy
Theo cinet.vn

Bạn đang đọc bài viết "Đờn ca tài tử Nam Bộ - Bảo tồn và phát triển" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.