Tiết mục Nhớ mãi ơn thầy do NNƯT Thùy Dương biểu diễn
Tại hội thảo, đông đảo văn nghệ sĩ, nghệ nhân, tài tử, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh đã có dịp nhìn lại công tác bảo tồn và phát huy ĐCTT ở Bình Dương thông qua các bài tham luận: ĐCTT dưới góc nhìn Nhân học của Tiến sĩ Trần Hạnh Minh Phương (Đại học Thủ Dầu Một), Thực trạng phong trào ĐCTT ở Bình Dương của nghệ nhân ưu tú Phạm Ngọc Phú (TX. Dĩ An, Bình Dương), Những tài năng đất Thủ của Thạc sĩ Phạm Thái Bình (Trung tâm Văn hóa TP. Hồ Chí Minh), Vọng cổ - một "gợi ý" để bảo tồn và phát triển ĐCTT trong giai đoạn hiện nay của PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Đại học Sài Gòn). Tại hội thảo còn có ý kiến thảo luận của các nghệ nhân, nghệ sĩ, các Trung tâm Văn hóa, các CLB trong tỉnh.
Các nghệ nhân trao đổi ý kiến với Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên trong giờ giải lao
Hội thảo là dịp lãnh đạo địa phương, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, nghệ sĩ ôn lại những thành tựu của ĐCTT Bình Dương trong thời gian qua. Qua đó, định ra những phương hướng và giải pháp bảo tồn, phát huy bền vững nghệ thuật ĐCTT ở Bình Dương trong thời gian tới.
Diễn ra trong thời điểm lãnh đạo và người dân Bình Dương hướng đến chào mừng Festival ĐCTT quốc gia lần II, với nhiều ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn, Hội thảo đã vượt qua khuôn khổ của một đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Đồng thời, hứa hẹn sẽ góp phần giúp cho nghệ thuật âm nhạc Đờn ca tài tử ở Bình Dương được bảo tồn hiệu quả và ngày càng phát triển rực rỡ và bền vững.