Đổi mới ở xứ vườn Phong Điền

09/02/2015 09:39

Theo dõi trên

Phong Điền, Cần Thơ là miệt vườn tiêu biểu của đất Chín Rồng (nhà văn Sơn Nam). Trình độ làm vườn của nông dân Phong Điền “thượng thừa”, từ xưa lận. Ngày nay, “văn minh miệt vườn” đã lên tầm cao mới.

Nơi đất tràn màu xanh
 
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Giai Xuân Dương Văn Y kể vanh vách tên hội viên, giá cả thị trường nông sản từng thời điểm, những hộ nào đã thu hoạch xong... Anh đưa tôi xuống nhà nông dân Huỳnh Văn Hè (ấp Thới Hưng) xem thu hoạch vú sữa. Hai công đất vườn của Tư Hè xanh um, mát rượi bởi gốc lớn tán rộng. Những trái vú sữa tím, vàng tròn lẳn, láng mướt được xếp vào những hộp xốp ngổn ngang khắp vườn. Trúng không anh Tư? “Cũng được. Thời điểm này giá 12.000 - 17.000 đồng/kg nhưng cũng thu được hơn 40 triệu đồng/2 công. Năm ngoái xấp xỉ 60 triệu đồng nha”.
 
Tư Hè chỉ trồng hai loại vú sữa (tím và vàng sữa) do hợp thổ nhưỡng, dễ trồng. Ấp có 99% số hộ chuyển sang trồng vú sữa. Những hộ để trái cuối vụ, nghịch mùa có thể “vô đậm” tới 100 - 120 triệu đồng trên cùng diện tích (2 công).  Theo anh Y, “Giai Xuân có diện tích đất vườn và lúa ngang nhau nhưng thu nhập từ cây ăn trái cao hơn hẳn. Sản xuất đã mang tính hợp tác cao. Chỉ riêng vú sữa đã có 2 câu lạc bộ.
 
Đầu tháng 2 này, Giai Xuân được công nhận là xã nông thôn mới thứ hai của huyện”. Cây trái trong vườn Giai Xuân góp phần rất lớn đưa thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2014 lên 29 triệu đồng/người/năm.




Trong nhà vườn Phong Điền
 
 “Toàn huyện có khoảng 10.500ha diện tích đất nông nghiệp thì vườn cây ăn trái đã chiếm 6.020ha; đất lúa 3.500ha, còn lại là trồng rau màu, nuôi thủy sản…”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phong Điền Trần Thái Nghiêm cho biết.
 
Màu xanh vườn cây ăn trái tràn khắp huyện, mỗi xã lại có thế mạnh riêng. “Đặc biệt đã đi vào chuyên canh để khai thác, phát huy tối đa lợi thế”, anh Nghiêm thông báo. Cái lợi khi chuyên canh là diện tích nằm trong vùng đê bao khép kín; ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật và đầu tư tốt hơn; quy mô hàng hóa nông sản tập trung, dễ tiêu thụ…
 
Xã Giai Xuân có khoảng 400ha/1.000ha vú sữa toàn huyện, thì 250ha đã đi vào chuyên canh. Xã Nhơn Ái có dâu Hạ Châu đã chuyên canh khoảng 300ha/600ha toàn huyện. Xã Trường Long - Nhơn Nghĩa, mỗi xã tập trung chuyên canh trồng nhãn Indo xấp xỉ 120ha. Xã Tân Thới thì sầu riêng (hơn 120ha). Còn lại thị trấn Phong Điền (chuyên canh dâu Hạ Châu khoảng 30ha), xã Mỹ Khánh trái cây được trồng “tổng hợp”.
 
Chuyển động xứ vườn

 
Xác định cây chủ lực để chuyên canh, khai thác triệt để thế mạnh từng địa bàn là hướng đi năng động, tạo được lượng nông sản đa dạng, mang tính hàng hóa cao. Tính liên kết, hợp tác, tiền đề của nền sản xuất quy mô lớn, chuyên nghiệp đã ngày càng đậm nét ở “xứ vườn” này.
 
Phong Điền là miệt vườn tiêu biểu của đất Chín Rồng như nhà văn Sơn Nam từng nhận định. Trình độ làm vườn của nông dân Phong Điền “thượng thừa”, từ xưa lận. “Văn minh miệt vườn” được lớp con cháu phát huy hơn trong bối cảnh mới. Phòng NN-PTNT huyện Phong Điền có 28 người thì có 3 thạc sĩ, còn lại hầu hết đạt trình độ đại học. “Cái tâm, hết lòng với mảnh vườn thửa ruộng vẫn phải là chủ yếu”, anh Nghiêm nói vậy.
 
Vui nhất là chuyện khôi phục thương hiệu cho cam mật Phong Điền. Đây là loại trái cây từng  nổi danh khắp “lục tỉnh”, nhiều hộ 3 - 4 đời chỉ chuyên trồng loại này, thu nhập rất cao. Nhưng chỉ một trận dịch vàng lá gân xanh nhà vườn đã xơ xác, hàng loại gia đình đốn bỏ. Quyết tâm phục hồi, từ năm 2011 địa phương áp dụng chương trình trợ giá, mời các nhà khoa học về nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật… Đến nay, khoảng 50ha vườn cam mật đã xanh lại, ra hoa kết trái.
 
Với quy hoạch là huyện sinh thái, tiến tới đô thị sinh thái của Cần Thơ, hướng tới năm 2020, Phong Điền sẽ nâng dần diện tích vườn cây ăn trái lên 7.000 - 7.500ha gắn với phát triển du lịch sinh thái. Giảm dần diện tích lúa (từ 3.500ha xuống còn khoảng 1.800 - 2.000ha); tạo thành vùng nguyên liệu chất lượng cao cho Công ty Lương thực Sông Hậu. Phát triển nông nghiệp đô thị bằng cách chuyển dịch vùng chuyên canh rau màu (Nhơn Nghĩa - Giai Xuân), hoa kiểng (Tân Thới). Chăn nuôi không phát triển tổng đàn mà chuyển dần theo vùng quy hoạch theo mô hình “Ấp không nuôi gia cầm manh mún”. Nuôi thủy sản theo hướng quảng canh, cộng đồng…
 
“Nông nghiệp Phong Điền không chạy theo số lượng, năng suất mà tăng chất lượng; chú trọng công nghệ cao, áp dụng VietGap song hành với bảo vệ môi trường”, Trưởng phòng NN-PTNT Trần Thái Nghiêm khẳng định. Anh Tư Hè rủ tết này vô vườn “tát đìa bắt cá nướng trui, lai rai với rượu Phong Điền mới vui”. Phong Điền, đất tràn màu xanh.
 
Theo VŨ THỐNG NHẤT/sggp.org.vn

Bạn đang đọc bài viết "Đổi mới ở xứ vườn Phong Điền" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.