Đôi điều cảm nhận về cái mới trong thơ Trần Thị Hằng qua tập “Những đứa trẻ nhặt mưa”

20/09/2023 09:41

Theo dõi trên

Trần Thị Hằng sinh ngày 25/12/1990 tại xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, tốt nghiệp khoá 11 Khoa Sáng tác và Lý luận phê bình văn học Trường Đại học Văn hoá Hà Nội; hiện là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội và là hội viên trẻ nhất của Câu lạc bộ Sáng tác Văn học Hồ Gươm trực thuộc Trung tâm Văn hoá thành phố Hà Nội.

va-3634747856856-1695177570.jpg
Ảnh minh họa Internet

Từ sau khi tốt nghiệp ra trường, tham gia Câu lạc bộ Sáng tác Văn học Hồ Gươm đến nay, Trần Thị Hằng đã cho ra mắt bạn đọc 3 tập thơ đều do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp giấy phép xuất bản. Đó là các tập: “Logic tình yêu” năm 2013, “Vẽ” năm 2016 và năm nay 2023 là “Những đứa trẻ nhặt mưa”.

Về khoảng cách thời gian ra đời, từ tập 1 đến tập 2 là 3 năm, từ tập 2 đến tập 3 là 7 năm. Cả 3 tập đều mỏng, kiệm chữ, kiệm trang dòng, với tổng số 104 bài sáng tác rải ra trong 12 năm từ năm 2012 đến năm 2023, trong đó tập 1 có 36 bài, tập 2 có 39 bài và tập 3 có 29 bài.

Là người tổ chức bản thảo, với tư cách “bà đỡ” cho sự ra đời của 3 tập thơ nói trên, trong buổi ra mắt tập thơ thứ 3 của Trần Thị Hằng (6 - 9 - 2023) tại Câu lạc bộ Sáng tác Văn học Hồ Gươm, tôi  xin trình bày đôi điều cảm nhận về cái mới trong thơ Trần Thị Hằng qua tập “Những đứa trẻ nhặt mưa”.

Trước hết, phải nói rằng, trong Câu lạc bộ Sáng tác Văn học Hồ Gươm, giọng điệu thơ của Trần Thị Hằng là một giọng điệu thơ riêng biệt, không giống ai, thể hiện rõ một kiểu cách mới lạ, một cá tính trầm ẩn, bước đầu khẳng định tư cách một tác giả trẻ. Thơ Trần Thị Hằng là loại thơ không hiển lộ ngay ý tứ chủ quan của chủ thể trữ tình, khiến người đọc không dễ cảm nhận tức thời, nhưng nếu như trong trường  thẩm mỹ của sự liên tưởng có sự giao cảm tương tác giữa những tín hiệu tâm hồn thì ý thơ và tình thơ lại khơi gợi nên cho người đọc những cảm xúc sâu lắng và ý vị. Tôi xin nêu 3 ví dụ để minh chứng cho cảm nhận trên của mình, trong đó tiêu đề 2 bài thơ được Trần Thị Hằng chọn làm tiêu đề của 2 tập thơ 1 và 2, còn tiêu đề tập thứ 3 được chọn từ một câu thơ trong một bài thơ.

b1aqh3s-1695125035-1695177613.jpg
Ba tập thơ của Trần Thị Hằng

Bài thứ nhất, bài “Logic tình yêu” trong tập thơ cùng tên “Logic tình yêu”:

“Lập bảng giá trị logic: “Anh”

Thấy mình bằng không trong vô vàn không khác

Tìm một lý lẽ để không

tin một lời giải

thích rằng không phải

sự thật hôm qua tưởng như giả dối

Lập bảng giá trị logic

Đặt giả thiết cho ngày trọn vẹn

Nếu anh không là thật

Cứ để em đi tìm”.

Tình duyên trong thất tình (bảy thứ tình cảm) của tình yêu con người, là thứ tình cảm khó lường, muôn hình vạn trạng, chuyển hoá phức tạp. Nếu lập bảng logic “Anh”, thì giá trị của “Em” chỉ là “không” trong vô vàn “không” khác. Còn “Nếu anh không là thật” thì hãy “Cứ để em đi tìm”. Hai câu kết bộc lộ ý tứ sâu kín của bài thơ: Logic của tình yêu là anh phải thực sự là anh,và em phải tự đi tìm người thực sự của em. Đó mới chính là tình yêu chân chính, mới là cái hướng đích mà con người tìm đến trong tình yêu. Logic tình yêu phải là cái logic như vậy.

Bài thứ hai, bài “Vẽ” trong tập thơ cùng tên “Vẽ”. Sau 2 câu tựa đề “Ánh đèn không đủ lấp đêm/ Chúng ta còn trong nhau từng khoảng tối”, bài thơ khai triển ý tứ trong 5 khổ:

“Muốn nhìn thật rõ

               Ghì chặt trên vai

               Muốn giữ thật lâu đôi tay

               Luồn thật lâu mái tóc              

               Ánh mắt sao

               Bối rối ngại ngần

               Muốn chạm tay đôi môi

               Kẻ lại đường viền đôi mắt

               Sợ chỉ là ảo ảnh

               Trái tim

               Chiếc bình đã vỡ

               Thời gian

              Dán lại được gì?

               Trái tim em

               Ánh sao ngàn vạn mảnh

               Lung linh bằng nước mắt”.

Sau 4 khổ thơ như 4 lát cắt rời nhau thể hiện các trạng huống của đời sống, của tình yêu, cho dù có khó khăn trắc trở đến đâu vẫn có thể sử dụng hội hoạ để thể hiện bằng gam màu, bằng hình khối. Nhưng đến khổ thơ thứ 5: “Trái tim em/ Ánh sao ngàn vạn mảnh/ Lung linh bằng nước mắt”, thì chỉ có thơ, chỉ có “vẽ” bằng thơ thì mới lột tả được hồn cốt cái “ánh sao… lung linh bằng nước mắt” của “ngàn vạn mảnh” trái tim đó. Góc khuất sâu thẳm của đời sống tinh thần, của tâm hồn, của những khoảng tối tình yêu trong nhau thì không ánh đèn nào có thể lấp nổi, có thể thay thế được thi ca. Đó chính là giá trị của thi ca, cái đích mà thi ca cần đạt tới.

Bài thứ ba, bài “Gió tự do” trong tập thơ thứ ba “Những đứa trẻ nhặt mưa”:

               “Đá nghe chuyện của mưa

               Mang lời cho gió

               Phía sau câu chuyện là tiếng sóng

               Nụ cười reo

               Gió cuốn mây

Những đứa trẻ nhặt mưa ban ngày”.

Bài thơ chỉ vẻn vẹn có 6 câu, được chia làm 4 khổ. Khổ cuối có 7 chữ thì 5 chữ đầu được chọn làm tựa đề cho cả tập. Những thi ảnh như mở ra một trường liên tưởng về một bức tranh hoà quyện sống động giữa thiên nhiên và con người, không chỉ có “gió tự do” mà con người cũng tự do, tự do như “những đứa trẻ” vui vẻ đùa giỡn, nhí nhảnh “nhặt mưa” giữa “ban ngày”. Có thể coi đây là một bước tiến của thơ Trần Thị Hằng trong hành trình đến với thơ 12 năm qua. Ở đây, sự thức cảm có độ đằm nén hơn, chữ nghĩa chắt lọc hơn.

Thứ hai, theo tôi, thơ Trần Thị Hằng trong tập “Những đứa trẻ nhặt mưa” vẫn là sự kế thừa và phát triển thơ truyền thống, thơ dân tộc mang tâm thức của thế hệ trẻ hôm nay, có tính cách và cá tính riêng biệt, không câu nệ vần luật, nhưng lại coi trọng điệu thức tâm hồn, coi trọng ngữ điệu, nhịp mạch và âm vận trong cấu trúc câu thơ và các khúc đoạn thơ. Có thể nói cái mới trong “Những đứa trẻ nhặt mưa” là  cái mới của sự đổi mới, làm cho mới cái vốn có của thi pháp truyền thống, không sa vào lối thơ hũ nút, tắc tị, bí hiểm, xa rời bản sắc dân tộc. Tôi cho rằng đây là điều đáng mừng, cần khuyến khích. Bởi thơ bao giờ trước hết cũng là thơ của một dân tộc xác định. Và nhà thơ bao giờ trước hết cũng là nhà thơ của dân tộc. Tiếng nói của nhà thơ là tiếng nói tâm hồn thầm kín, vi diệu nhất, sâu lắng nhất của dân tộc mình. Tâm hồn dân tộc và tinh thần thời đại hoà quyện, gắn kết khắng khít sẽ làm nên giá trị và sức sống của thi ca trước những phát triển mới của dân tộc và nhân loại. Với suy nghĩ như thế, tôi cho rằng thơ Trần Thị Hằng trong “Những đứa trẻ nhặt mưa” đang hướng tới đổi mới cái đã có, cái vốn có trong di sản thơ quý giá của dân tộc, chứ không phải là thơ hậu hiện đại, thơ suy tư chiêm nghiệm, thơ khó đọc như ai đó đã nhận xét.

Dưới đây, tôi xin nêu hai bài thơ để làm rõ thêm cảm nhận của mình về tập “Những đứa trẻ nhặt mưa”.

Bài thơ “Tình yêu của mẹ” là tiếng vọng tâm hồn của người mẹ trẻ đối với hai con chất chứa tình mẫu tử sâu nặng. “Em ngủ ngoan rồi/ Mẹ ôm con nhé/ Bé ngoan của mẹ”. Nói với thằng anh như vậy, nhưng mặc dù đứa em đã ngủ, mẹ vẫn không quên nói với đứa em: “Em ngủ thêm nhé/ Mẹ ôm anh chút thôi”. Bài thơ kết ở lời người mẹ nói với con mà cũng như nói với chính mình: “Nếu con thấy tình yêu của mình san sẻ/ Hãy thương nhau nhiều hơn/ Dài thêm tình yêu của mẹ”. Bài thơ dừng ở đó mà hàm súc, gợi mở, sâu lắng khôn cùng.

Bài thơ “Người về ”viết về sự ra đi đột ngột  của nhà thơ Nguyễn Hồng Công, một hội viên yêu quý của Câu lạc bộ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trong ngày đại dịch Covid 19 thấm đẫm niềm thương cảm sâu sắc: “Người về nơi ấy/ Có còn mùa cúc trắng/… Đợi nắng/Nắng cà phê nâu loang… Người về nơi ấy/ Có còn sen nở muộn/ Hẹn hò/ Rạc cả chiều đông/ Tiễn nhau lần cuối/ Đời tri âm mấy người”. Những câu thơ xa xót như tiếng nắc nghẹn tự đáy lòng!

Cũng như hai bài thơ trên, các bài “Gió đã thôi đêm”, “Ai lật lại nỗi buồn”, “Dậy đi”, ‘Hạnh”, “Lửa về cho em”… đều gợi lên cho người đọc những trường cảm xúc liên tưởng thú vị, sâu lắng, càng đọc chậm càng nhận ra ý tứ thầm kín mà tác giả muốn nhắn gửi, càng khơi gợi sự sẻ chia đồng cảm sâu sắc.

Tuy nhiên, ở tập thơ thứ ba này, thơ Trần Thị Hằng còn những hạn hẹp nhất định về đề tài, về chủ đề, về sự chắt lọc ngôn từ, nhất là chưa có những bài thơ đụng chạm đến những vấn đề bức xức của đời sống đương đại, chưa có những câu thơ, những “nhãn tự” gây ấn tượng sâu đậm trong tâm thức người đọc. Hy vọng những tập sau, Trần Thị Hằng có sự đổi mới thơ mình mạnh mẽ, ý tứ hàm súc và sâu lắng hơn.

Quang Hoài
Bạn đang đọc bài viết "Đôi điều cảm nhận về cái mới trong thơ Trần Thị Hằng qua tập “Những đứa trẻ nhặt mưa”" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.