Đôi bờ Hiền Lương, hò hẹn mãi thế rồi cũng đến

20/09/2018 14:36

Theo dõi trên

Cầu Hiền Lương, cây cầu Ma (chữ dùng của Nguyễn Tuân), dòng bến Hải hay con sông giới tuyến là cái tên tôi đã từng biết, từng nghe qua bài hát nổi tiếng của nhạc sỹ Hoàng Hiệp và tường tận trên trang sách của Nguyễn Tuân sau chuyến đi thực tế về tuyến lửa Vĩnh Linh từ những năm đầu của thập kỷ sáu mươi, thế kỷ trước.

Nhưng phải đến hơn bốn mươi năm, sau khi thống nhất nước nhà tôi mới có dịp được đến dòng sông này để được đặt chân lên cây cầu lịch sử ngắm đôi bờ sông nước với không chỉ những nét mảnh mai của thi ca vịnh cảnh một thời mà còn cả những đau thương chia cắt cùng khát vọng thống nhất của cả một dân tộc trong suốt những tháng năm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Cây cầu lịch sử với hai màu xanh vàng được phục dựng cùng đôi bờ gió lộng vẫn đứng đó những trang đau thương đã được khép lại; cái câu hỏi khắc khoải quặn lòng một thời trong thơ Tố Hữu: "Sông Bến Hải bên bồi bên lở/ Cầu Hiền Lương bên nhớ bên thương/ Cách nhau mười mấy năm trường/ Khi mô mới được nối đường vô ra..." nay đã có lời giải đáp và trở thành hiện thực… Bên dòng Bến Hải, tận tay được cầm nắm cây cầu và những hiện vật của một thời hoa lửa trên trên con sông xưa; tận mắt được ngắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên cột cờ giới tuyến bên đầu cầu mạn Bắc mà lòng không khỏi rưng rưng dâng trào bao nỗi niềm xúc cảm.
 


Hai tác giả trên cầu Hiền Lương

Đi theo chỉ dẫn của cụ Nguyễn, sông Bến Hải (do gọi mãi thành quen còn thực ra tên gọi chính xác là bến Hói - tiếng địa phương có nghĩa là dòng sông nhỏ, đọc chệch là Bến Hải, tên gọi ở thượng nguồn là Rào Thành) có tên khai sinh là Minh Lương (đến thời Minh Mạng chữ Minh trùng với tên của vua nên để không phạm húy người ta gọi là Hiền Lương). Sông chảy từ Tây sang Đông; bắt nguồn từ mỏm Bò Ho núi Động Chân trên dải Đông Trường Sơn hùng vĩ, chảy dọc theo vĩ tuyến mười bảy, qua huyện Vĩnh Linh đổ ra Thái Bình Dương. Tổng cộng chiều dài của sông ấy chừng trên sáu chục cây số nếu tính theo đường chim bay hoặc nếu tính theo dòng chảy uốn khúc quanh co bên những sườn núi thì sông dài quãng chừng một trăm cây số. Bình thường, nó sẽ êm đềm xuôi chảy như bao con sông khác trên đất Việt nhưng số phận lịch sử của vùng đất địa đầu miền Trung này đã khiến cho sông Bến Hải và cây cầu Hiền Lương đã trở thành những nhân chứng cho suốt cả một thời kỳ lịch sử với biết bao trang sử hào hùng, oanh liệt nhưng cũng chứa chan những đau thương, mất mát. 

Giở lại trang sử của ngót năm trăm năm trước (1570), vào cái thời vua Lê chúa Trịnh, Ðoan quận công Nguyễn Hoàng nghe theo lời dạy của cụ trạng Trình “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân” (một dải núi ngang có thể dung thân muôn đời được) mà đã cậy nhờ chị gái Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin với chúa Trịnh Kiểm cho được đi về vùng đất phương Nam để khai phá. Nghe nói, chị gái của Chúa Tiên muốn tránh cho chồng tội sát nhân và để cứu được em trai trước sự nghi kị của nhà Trịnh nên đã xin chúa cho em được vào Thuận Hoá trấn giữ vùng đất Quảng Thuận. Trịnh Kiểm một phần nghe vợ, mặt khác có phần e sợ Nguyễn Hoàng đang ngày một lớn dậy, sẽ trả thù việc mình giết Nguyễn Uông (anh trai Nguyễn Hoàng) nên đã đồng ý. Được phép của nhà Trịnh, Nguyễn Hoàng đã rời Ðàng Ngoài vào Đàng Trong mở cõi lập nghiệp. Theo sử sách còn lưu, năm 1558, hòng mưu đồ việc lớn “rạch đôi sơn hà”, Nguyễn Hoàng đã đem con em vùng đất Thanh - Nghệ tiến vào đất Thuận Hoá. Nơi hạ trại đầu tiên của Nguyễn Hoàng chính là làng Ái Tử, phía Nam sông Bến Hải (lập Dinh Ái Tử, còn gọi là Dinh Cát). Kể từ đó dòng sông Bến Hải yêu thương và mảnh đất Vĩnh Linh đã trở thành tiền đồn của nhà Nguyễn trên bước đường dựng nghiệp về phương Nam. Thế rồi đến sau thế chiến thứ hai, lịch sử trớ trêu lại chọn vĩ tuyến mười bảy với con sông Bến Hải ở khúc eo nhỏ miền Trung này làm giới tuyến chia cắt tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc. Số phận trớ trêu ấy phải đến hai mươi mốt năm sau, trải qua bao đau thương, cho đến ngày giang sơn thu về một mối thì dòng chảy của đôi bờ Bến Hải mới được tự do; cây cầu Hiền Lương bảy nhịp, đủ một trăm bảy mươi tám mét với tám trăm chín mươi tư tấm ván lát mới được nối liền một dải, xóa bỏ cái cách ngăn của tám mươi chín mét và bốn trăm năm mươi tấm ván lát cầu cùng màu sơn xanh của bờ Bắc với tám mươi chín mét và bốn trăm bốn mươi bốn tấm ván lát cầu cùng màu sơn vàng của bờ Nam. 
 


Dưới chân cột cờ giới tuyến

Bây giờ, cách đó không xa, ngay trước mặt cây cầu Hiền Lương lịch sử là cây cầu bằng bê tông cốt thép nối đôi bờ sông nước Bến Hải trên con đường thiên lý Bắc Nam nhằm đảm nhiệm cho mạch máu giao thông được vận hành thông suốt. Nguyên bản, cây cầu Hiền Lương được làm từ năm 1928 do phủ Vĩnh Linh tiến hành với gỗ và cọc sắt dùng cho người đi bộ. Sau đó cây cầu gỗ đã được Liên Bang Đông Dương nâng cấp để cho xe cơ giới loại nhỏ có thể đi lại được. Đến năm 1950 do nhu cầu quân sự, người Pháp đã làm cây cầu bê tông cốt thép có trọng tải mười tấn nhưng cây cầu này đã bị Việt Minh phá hủy. Rồi đến năm 1952, cây cầu lịch sử trên dòng sông giới tuyến được làm lại với những tấm sắt của Anh mang hiệu “made in England” và những ván gỗ của Mỹ có hiệu “Us-Vir-ginia” với hai màu sơn xanh sơn vàng của hai miền Bắc - Nam. Cây cầu này cũng chỉ tồn tại được mười hai năm. Đến năm 1967, cây cầu đã bị bom Mỹ tàn phá. Cây cầu bây giờ là cây cầu phục dựng. Nó được làm lại vào năm 2001 theo nguyên mẫu cây cầu làm năm 1952 để cùng với cột cờ giới tuyến và dòng sông Bến Hải ... làm thành những chứng nhân lịch sử gợi về trong lòng người đến những hoài niệm đau thương mà anh dũng của một thời đất nước trong cảnh chia cắt hai miền. Cho thế hệ mai sau thấy được sức mạnh của chính nghĩa và tình yêu hoà bình tha thiết cùng ý chí và khát vọng độc lập tự do mãnh liệt của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ hai mươi.
 


Lá cờ tung bay trên cột cờ giới tuyến trong bảo tàng bên cầu Hiền Lương

Bên cầu Hiền Lương, buổi sáng, Bầu trời Vĩnh Linh xanh trong chan hoà ánh nắng, bồng bềnh mây trắng. Dòng sông bến Hải lấp lánh muôn ngàn ánh bạc bởi những tia nắng phản chiếu muôn trùng con sóng lăn tăn đi về phía biển. Sông nước Hiền Lương hiền hoà bốn bề yên ắng đến lạ. Chỉ có xôn xao sóng gợn và lóng lánh mây trời như thể đang đồng hành cùng con nước dềnh dàng theo hướng cửa Tùng mà về với đại dương bao la. Ai hay, cái con sông hiền lành như thế lại có một thời là nơi “tỳ vai của chiếc đòn gánh nặng hai đầu đất nước”; từng là chứng nhân của “nỗi đau chia cắt bên ni bên nớ dằng dặc hai chục năm ròng”. Trong ánh bình minh buổi sớm, đôi bờ Hiền Lương chẳng khác gì bức bích họa. Dòng nước lững lờ buông trôi một cách thơ mộng dưới gầm cầu hai sắc vàng xanh khiến cho cảnh vật đôi bờ tuyến lửa hiện lên thật thanh bình. Từ điểm phân ranh giới ở giữa cây cầu trông sang mạn Bắc ta vẫn thấy đó lá cờ đỏ sao vàng năm cánh cùng với khát vọng “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi” đang phần phật tung bay ngạo nghễ kiên cường trên cột cờ giới tuyến. Ngó về phía bờ Nam, ta không chỉ nhìn thấy cụm tượng đài "Khát vọng thống nhất" mà thấy cả nguyên vẹn, sừng sững những tháp canh, lô cốt tựa như những vết sẹo găm vào dòng chảy của thời gian làm hằn lên bao vết đau thương chưa thể chữa lành, khiến cho đất mẹ vẫn đang còn âm ỉ nhói đau.  

Ao ước mãi thế rồi cũng có ngày ta đến được nơi này. Con sông giới tuyến. Dòng chảy của những khát vọng cùng với bao nỗi thương nhớ, chia ly, xa cách. Đứng giữa đôi bờ nhớ thương, trong nắng gió chênh chao, bâng khuâng lặng ngắm con sông lịch sử với một dòng xanh trong êm ả đang lững lờ trôi như thể bao con sông khác của khúc ruột miền Trung đang hướng về phía biển giữa bạt ngàn cỏ dại hoang sơ mướt xanh được điểm xuyết bởi những chòm xuyến chi nhị vàng cánh trắng nở êm đềm, rung rinh phía dưới chân cầu, bỗng thấy đâu đó trong mình như thể đang ngân lên điệu hò da diết: “Cầu Hiền Lương ai tường mấy nhịp/ Thiếp thương chàng nỏ biết mấy mươi/ Cách nhau chỉ tấc gang thôi/ Tại răng không ngỏ đôi lời cùng nhau”. Thế đấy!  Đâu còn còn cuộc chiến sắc màu hay cái cảnh chọi cờ, đấu loa của hai bờ Bắc – Nam. Dòng sông, cây cầu và đôi bờ thanh bình quá! Cứ ngỡ như chiến tranh với những bom rơi đạn nổ chưa từng đi qua chốn này.
 
Phan Anh - Thu Hiền

Bạn đang đọc bài viết "Đôi bờ Hiền Lương, hò hẹn mãi thế rồi cũng đến" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.