Vũ Xuân Bân
Đọc sách “Hát mãi Trường Sa ơi!”
24/12/2016 15:29
Tháng cuối cùng của năm Bính Thân (2016) se se lạnh, tôi lại được tặng sách quý "Hát mãi Trường Sa ơi!" (ảnh dưới). Đây là sách chuyên luận về âm nhạc của Tiến sĩ (TS) Phạm Việt Long, do Nhà Xuất bản Dân trí xuất bản năm 2016. Sách dày 383 trang (khổ 14,5 X 20,5 Cm), gồm 3 chương và một phụ lục, được tổ chức theo phương pháp quy nạp.
Đây là lần thứ 2 trong năm nay, tôi được TS Phạm Việt Long tặng sách. Còn nhớ, cách đây hơn 3 tháng, TS Phạm Việt Long đã ký tặng tôi bộ truyện cổ tích thời hiện đại “BI BI VÀ MẶT ĐEN” dành cho thiếu nhi gồm 5 tập với hơn 1000 trang sách của 200 câu chuyện khác nhau xoay quanh hai nhân vật chính là Bi Bi và Mặt Đen trên bốn vùng không gian nghệ thuật: Nông thôn, thành phố, miền núi và vườn cổ tích. Những câu chuyện hấp dẫn, sinh động, pha màu huyền ảo giúp các em thiếu nhi nhận thức tốt hơn về cuộc sống và các kỹ năng sống thông qua giọng văn dí dỏm, gần gũi với tuổi thơ của nhà văn Phạm Việt Long.
Như vậy, trong năm 2016, nhà văn Phạm Việt Long xuất bản 2 tác phẩm liên tục, là thành quả lao động đáng nể trọng khi bước vào tuổi 70.
Tôi tranh thủ đọc từng trang sách mới còn thơm mùi mực in, qua đó trân quý sự “lao tâm khổ tứ”, miệt mài lao động thầm lặng không biết mệt mỏi của TS Phạm Việt Long. Những văn nghệ sĩ là nhân vật trong cuốn sách "Hát mãi Trường Sa ơi!" được TS Phạm Việt Long đề cập đến gồm : Nguyễn Việt Chiến, Lê Việt Khánh, cố nghệ sĩ Lê Dung, cố nhạc sĩ Phạm Đình Sáu, Quốc Hưng, Đỗ Hồng Quân, Nguyễn Thị Hồng Ngát, cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, Trần Lệ Chiến, cố nhạc sĩ Trần Hoàn, Trung Kiên, Trần Thu Hà, cố nhạc sĩ Hồ Quang Bình, cố nhạc sĩ Thuận Yến, Quang Thọ, Phạm Ngọc Khôi, Đức Long, Việt Hoàn, Hiền Anh, Trần Bình, Hoàng Anh Tú, Trần Hồng Nhung Sao mai, Thanh Phan, cố nhạc sĩ Phan Văn Bích, Tùng Dương, Doãn Nho, Bá Phổ, Nhóm Xẩm Hà Thành, nhóm Mặt trời đỏ, Trịnh Thanh Sơn, Tôn Nữ Hỷ Khương, Lê Thị Quý, Đỗ Quý Doãn, Nguyễn Phan Hách.
Trong Chương I “Ca khúc về Trường Sa và chủ quyền Tổ quốc”, tác giả giới thiệu, phân tích các ca khúc về Trường Sa và chủ quyền của Tổ quốc, như “Trường Sa ơi”, “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Bay qua biển Đông”, vở nhạc kịch “Lá đỏ”, một số nhạc sĩ, nghệ sĩ tiêu biểu của dòng nhạc cách mạng, để kết thúc bằng bài viết mang tính khái quát hóa: “Dòng nhạc cách mạng luôn luôn cuộn chảy”. Trong đó, tác giả nhấn mạnh bài “Tổ quốc nhìn từ biển”- Hình tượng nghệ thuật lừng lững về lòng yêu nước”. “Tổ quốc nhìn từ biển” là bài thơ của Nguyễn Việt Chiến viết vào năm 2009 do nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc khá thành công được phổ biến rộng rãi, tạo ra một hình tượng nghệ thuật đầy sức biểu cảm, khiến lòng người day dứt không nguôi:
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không?!
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi.
Nhìn tổng quát, “Tổ quốc nhìn từ biển”, với tư cách là ca khúc phổ thơ, là một tác phẩm có sức cổ vũ lớn lao, góp phần thể hiện tình yêu tổ quốc của nhân dân, như một lời hiệu triệu, kêu gọi mọi người hành động để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.
Qua Chương I, tác giả giới thiệu một cách sinh động sự đóng góp của âm nhạc với việc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc và khẳng định: ‘’Dòng nhạc cách mạng đang tiếp tục cuộn chảy trong cuộc sống, vừa phản ánh, vừa cổ vũ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dòng nhạc cách mạng không bao giờ cạn kiệt, cho dù vật đổi sao dời, bởi dòng nhạc ấy khởi nguồn từ nhân dân, vì nhân dân và sống bằng sinh lực của nhân dân!’’
Nhà văn Phạm Việt Long tăng hoa các cháu thiếu nhi hát những bài do ông sáng tác nhân Lễ phát hành bộ truyện cổ tích thời hiện đại BI BI & MẶT ĐEN sáng 9/9/2016 tại Phòng họp A1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số 51 Ngô Quyền, Hà Nội. Ảnh: Tiến Dũng
Trong Chương II nói về “Đời sống âm nhạc”, tác giả tiếp tục giới thiệu chân dung một số nhạc sĩ, ca sĩ đang được chú ý trong đời sống âm nhạc đương đại, như Trần Hoàn, Trung Kiên – Thu Hà, Thuận Yến, Đỗ Hồng Quân, Quang Thọ, Phạm Ngọc Khôi, Đức Long, Việt Hoàn, Hiền Anh, Hồng Nhung Sao Mai… Cùng với đó là những bài viết về hoạt động âm nhạc, đặc biệt là ngợi ca những nghệ sĩ đã có những đóng góp tích cực trong việc bảo tồn, phát huy âm nhạc dân tộc Việt Nam. Tác giả cũng thể hiện sự trăn trở, đề xuất những kiến giải của mình đối với một số vấn đề quan trọng trong đời sống âm nhạc, như vấn đề bảo vệ và phát huy âm nhạc dân tộc, vấn đề bản quyền âm nhạc, vấn đề làm mới các ca khúc đã đi cùng năm tháng, sự hài hòa trong ca khúc Việt Nam… Qua đó, tác giả phác họa chân thực, tương đối sinh động đời sống âm nhạc Việt Nam đương đại.
Trong Chương III, tác giả nói về “Xe duyên thơ – nhạc”. Sau khi giới thiệu, phân tích một số ca khúc phổ thơ, tác giả viết sâu về vấn đề lý thú của âm nhạc là phổ nhạc cho thơ, với lời kết được dẫn từ ý kiến sâu sắc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: “Sự kết hợp của nhạc sĩ và thi sĩ luôn khiến tác phẩm trở nên đẹp và đáng nhớ hơn. Vì nhạc sĩ hiếm khi nào trau chuốt được từng câu, từng chữ như thi sĩ đã làm với bài thơ của mình. Và chiều ngược lại, cho dù bài thơ có tính nhạc thế nào, cũng khó bằng được một bài nhạc với những âm giai trầm bổng thật sự. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đem phổ nhạc một bài thơ là chuyện dễ dàng. Chính vì lẽ đó, tôi luôn tranh cãi tới cùng khi có ai không công nhận tài năng của một nhạc sĩ nào đó, bằng quan điểm cho rằng vì thiếu vốn ngôn từ nên các nhạc sĩ mới phải mượn những vần thơ. Nhạc sĩ khi phổ nhạc cho thơ, phải cảm được bài thơ sâu sắc hơn nhiều so với độc giả khi đọc bài thơ ấy. Và nếu họ truyền được cho độc giả cái thứ cảm nhận đó, ấy là họ đã thành công’’.
Trong phần Phụ lục nói về “Những bài liên quan”, tác giả giới thiệu một số bài viết liên quan tới chính tác giả với tư cách một nhạc sĩ sáng tác. Đáng chú ý là lời nhận xét của cố Nhạc sĩ Hồ Quang Bình trong chương trình giới thiệu Album “Giàn thiên lý” của Phạm Việt Long: “Bởi thế, chỉ có thể có một cảm nhận duy nhất. Đó là những bài ca, như đã nói đến đầu tiên, của tiếng lòng được cất lên một cách trung thực và chân thành, từ những chấn động mạnh mẽ và thiết tha, bởi những cảm xúc dâng trào nhiệt huyết”.
Đặc biệt trong bài “Đêm nhạc ‘Nhớ một thời’ thu hút sự chú ý của báo giới”, tác giả dẫn nguồn bài viết của Nhà báo Thiên Kim (Văn nghệ Công an) phản ánh chân thực: Đêm nhạc gồm 17 ca khúc ấn tượng tuyển chọn trong hơn 100 bài hát của Phạm Việt Long được các nghệ sĩ tên tuổi thực hiện nhân kỷ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/2010) và mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội đã chiếm được cảm tình của khán giả tại Nhà hát Kim Mã – Hà Nội. Đêm nhạc đã có nhiều bài nhắc đến đồng đội, chiến sĩ trong quầng đạn lửa mà tác giả đã từng 7 năm làm phóng viên chiến trường nóng bỏng ở khu V – Trung Trung Bộ thời chống Mỹ cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mơ về một ngày đất nước trọn niềm vui xúc động.
Nhà báo, Nhạc sĩ, Nhà văn, TS Phạm Việt Long từng nổi danh trên văn đàn với tác phẩm "B.Trọc" được chuyển thành bộ phim truyền hình nhiều tập “Nhật ký chiến trường”. TS Phạm Việt Long cũng đã từng xuất bản tập chuyện ngắn "Âm bản", "Ngờ vực". Tiểu thuyết "Giã từ" của Phạm Việt Long được vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết năm 2005- 2009 do Hội nhà văn tổ chức...
Đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm”, với thành công của tác phẩm "Hát mãi Trường Sa ơi!" lại có thêm minh chứng TS Phạm Việt Long là người đa tài, hoạt động trên nhiều lĩnh vực làm báo, xuất bản, viết tiểu thuyết, sáng tác ca khúc... Bút lực vẫn sung sức. Thành quả lao động đó, TS Phạm Việt Long để lại dấu ấn sâu đậm bởi sức sáng tạo tiềm năng, tâm hồn phong phú, nhậy cảm khi có tác phẩm chuyên luận về một loạt ca khúc về Hoàng Sa, Trường Sa, về đất nước, hòa vào dòng nhạc cách mạng với khí thế hào hùng và sắc thái nghệ thuật mới. Đó là sự kết tinh của tài năng và tình yêu cũng như trách nhiệm đối với đất nước.
Hy vọng sang năm Đinh Dậu và những năm tới, TS Phạm Việt Long sẽ có thêm những tác phẩm mới ra mắt bạn đọc và công chúng.
Tháng 12/2016
Vũ Xuân Bân
Vũ Xuân Bân
Bạn đang đọc bài viết "Đọc sách “Hát mãi Trường Sa ơi!”" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ.
Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.