Độc đáo Lễ Hekathanh của đồng bào Khmer

31/10/2016 09:51

Theo dõi trên

Những ngày này, nhiều ngôi chùa Khmer ở Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành, Thoại Sơn... sẽ tổ chức lễ Hekathanh - theo cách gọi của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi. Còn theo Phật giáo Nam tông thì đây là lễ Kathina (Dâng y) đến chư tăng và chỉ diễn ra mỗi năm một lần sau mùa nhập hạ (3 tháng bắt đầu từ ngày 16-6 và kết thúc vào ngày 16-9 âm lịch hàng năm).



 Phật tử Khmer đi cúng chùa
 
Cùng với Đại lễ Vu Lan báo hiếu của Phật giáo Bắc tông, đại lễ Dâng y Kathina của Phật giáo Nam tông đã trở thành ngày hội của giới phật tử trong mùa nhập hạ (An cư Kiết hạ). Trong 3 tháng nhập hạ, chư tăng dành trọn thời gian cho việc tu học, trau dồi giới luật. Đồng thời, cũng là cơ hội cho phật tử trong các phum, sóc phát tâm cúng dường, ngoại hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho chư tăng an cư tu học, cầu mong quốc thới dân an. Mùa nhập hạ đối với sư sãi vùng Bảy Núi còn có ý nghĩa tập hợp tăng chúng để tu hành, kiểm điểm hành vi, cử chỉ theo luật Phật mà hành trì. Từ trước đến nay, đối với tín đồ Phật giáo Nam tông nói chung hay đồng bào phật tử Khmer Bảy Núi nói riêng thì lễ Hekathanh đã trở thành một lễ tôn nghiêm, long trọng và thiêng liêng, mang ý nghĩa khích lệ tín đồ phật tử thực thi đại hạnh bố thí, tri ân công đức của Đức Bổn sư Như Lai Phật, Tam bảo, hàng Phật tử hộ trì phật pháp… Trong ngày lễ Hekathanh được tổ chức hàng năm, chắc chắn không thể thiếu ca sa của đồng bào Khmer đến các vị chư tăng. Hòa thượng Chau Phrốs, sãi cả chùa Thom Mít (xã Vĩnh Trung, Tịnh Biên) kể, ca sa là chiếc y màu vàng dành cho chư tăng (sa di, tỳ khưu, đại đức, thượng tọa, hòa thượng) làm tròn việc trau dồi kinh kệ sau 3 tháng mùa nhập hạ. Các vị chư tăng này, mỗi năm cũng chỉ thụ lãnh một lần và diễn ra vào đúng tháng lễ Hekathanh.
 



Chuẩn bị lễ Hekathanh
 
Các phật tử ngoài dâng ca sa, thứ quan trọng nhất trong đại lễ thì trong ngày lễ Hekathanh, gia đình phật tử Khmer khá giả còn tự tay làm ra những cây tiền, cây bông và gắn bằng tiền thật để bày tỏ tấm lòng thành, góp phần nhỏ công sức vào việc nhang khói thường nhật và tu sửa nhà chùa hàng năm luôn được tôn nghiêm. Hòa thượng Chau Cắk, sãi cả chùa Prolai Méas (xã Núi Voi, Tịnh Biên) cho biết, ngày lễ Hekathanh được chuẩn bị khá chu đáo, như: Nhang đèn, các phẩm vật thường dùng trong chùa, đồ sinh hoạt của các vị chư tăng có giá trị sử dụng trong một năm… Đây là ngày được sãi cả, ban quản trị chùa và hội đồng à cha cùng phật tử trong các phum, sóc chọn lựa thống nhất. Trong ngày chính thức diễn ra Hekathanh, bà con trong các phum, sóc từ người già, trẻ đều diện những trang phục đẹp nhất tập trung về những ngôi chùa có chư tăng nhập hạ, trước là lễ Phật, viếng chùa. Sau đó, dâng ca sa lên các vị chư tăng, tổ chức các hoạt động lễ hội ngay trong khuôn viên chùa để chúc mừng thành tựu viên mãn của chư tăng sau 3 tháng nhập hạ.
 
Hekathanh là một trong những lễ lớn của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi và đối với tín đồ theo đạo Phật giáo Nam tông- nét văn hóa đặc sắc được đồng bào Khmer giữ gìn và phát huy truyền thống qua nhiều thế hệ. Đây là dịp để tôn vinh những giá trị truyền thống Phật giáo có từ thời Đức Phật, đồng thời cũng là dịp để các phật tử xuất gia và tại gia tri ân công đức Đức Phật, tạo duyên lành. Thời gian lễ diễn ra từ ngày 15-9 âm lịch đến 14-10 âm lịch.
 
(Theo Tin Tức Miền Tây)

Ánh Nguyên
Bạn đang đọc bài viết "Độc đáo Lễ Hekathanh của đồng bào Khmer" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.