Độc đáo lễ cúng Yang Coi của người Mạ

19/01/2017 15:50

Theo dõi trên

Đây là lễ cúng lớn nhất của người Mạ trong một năm, thường vào tháng 2 đến tháng 3 âm lịch, khi người Mạ đã thu hoạch xong mùa màng.



Gìa làng lấy máu của con vật hiến tế quệt lên trán dân làng để cầu điều tốt đẹp - Ảnh: VOV.VN

Theo quan niệm của người Mạ, thần lúa là vị thần liên quan trực tiếp đến lương thực của cộng đồng nên nghi lễ cúng Yang Koi để tạ ơn một vụ gieo trồng trọn vẹn, cầu mong xuống giống một vụ lúa mới tươi tốt, no đủ, rất được tôn trọng trong đời sống tâm linh dân tộc Mạ.
 
Ðể chuẩn bị cho lễ cúng, đàn ông Mạ vào rừng chọn những cây tre cao, thẳng đem về khoảng sân để hành lễ. Chính giữa cây tre cắm chùm gai mây tượng trưng cho bông lúa. Cây tre được phân chia thành nhiều nấc với các hình vuông, tròn bao trùm và tỏa xuống phía dưới gốc có nhiều dây trang trí các hình tượng con dê bằng lạt tre rất sinh động.


 
Khèn bầu, dàn chiêng 6 vừa thổi, vừa đánh và tiến vào khu vực hành lễ - Ảnh: langvietonline.vn

Lễ vật tùy theo điều kiện kinh tế của buôn làng mà già làng đứng ra làm chủ tế. Ở từng hộ riêng, tùy khả năng mà gia chủ giết gà, vịt, heo, dê hoặc trâu để làm lễ cúng dâng lên vị thần và gia chủ tự cúng.

Sau nghi lễ cúng tế của già làng, bà con dân tộc Mạ cùng nhau thưởng thức lễ hội ẩm thực, tiếng cồng chiêng hoà nhịp theo các bài hát, điệu nhảy múa của các cô gái, chàng trai tạo nên không khí rộn ràng với mong ước cho một vụ lúa mới bội thu.

Ngày xưa, lễ hội Yang Koi kéo dài 3 ngày đêm, có khi cả tuần lễ. Nhưng nay, việc tổ chức lễ hội thường chỉ diễn ra trong một ngày một đêm. Dẫu quy mô, nghi thức đã giản tiện hơn nhưng lễ cúng Yang Koi vẫn là một nét đẹp văn hóa truyền thống được đồng bào Mạ nơi đây gìn giữ.


Hải Yến (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Độc đáo lễ cúng Yang Coi của người Mạ" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.