Độc đáo làng nghề hương Thúy Xuân ở xứ Huế

24/12/2016 15:38

Theo dõi trên

Nằm cách TP Huế khoảng 7km về hướng Tây Nam, làng hương Thủy Xuân (nằm trục đường Huyền Trân Công Chúa, TP Huế) ẩn mình dưới chân đồi Vọng Cảnh, bên dòng sông Hương thơ mộng, nơi đây, từ lâu đã nức tiếng với nghề làm hương thơm trên đất thành kinh.



Những bó hương rực rỡ ở làng hương Thuỷ Xuân.

Hương Thủy Xuân đốt lên có mùi thơm dìu dịu, sâu lắng lạ thường và hoàn toàn được làm thủ công, qua mấy mươi năm thấm sâu vào hồn bao người, như một nét đẹp rất riêng của xứ Huế mộng mơ. Tiết trời đầu xuân, cái nắng hây hây phủ vàng trên những bó chông hương đầy màu sắc được xếp gọn ghẽ hai bên đường. Mọi người tất bật phơi chân hương, se hương trong tiết trời xuân mới. Cả con đường rộn lên tiếng cười, tiếng vỗ thịt hương, hương thơm của bột trầm, bột quế thoảng nhẹ trong gió. 

Người già kể lại rằng, làng hương Thủy Xuân đã có từ rất lâu, cách đây hơn một thế kỷ, người nối người, nhà nối nhà, dần dần nghề làm hương trở thành nghề truyền thống tự khi nào. Hương Thủy Xuân nổi tiếng với thân hương tròn, mùi thơm nhẹ dịu, thanh tao lạ thường. Đằng sau những thẻ hương nức tiếng cố đô ấy là cả sự kỳ công của người thợ. 

Đầu tiên là phần lõi hương được làm từ ruột tre chẻ nhỏ, rồi phơi kỹ qua nắng cho lõi hương khô và giòn. Sau đó, người thợ sẽ pha bột màu với nước nóng và nhúng lõi hương tạo màu cho chân hương. Ngày trước, người Huế thường chỉ làm chân hương với màu “đỏ sẫm” là chủ đạo. Nhưng hiện nay lại có nhiều bó chông hương với đủ màu sắc, xòe thành từng chùm như vườn hoa đang nở rộ. 

Để cho ra một mẻ hương tốt, khâu tuyển chọn nguyên liệu rất quan trọng. Nguyên liệu làm hương gồm có bột quế, bột trầm, bột mụn cưa và bột keo. Các thành phần này sẽ được nhào vừa với nước sao cho hỗn hợp bột đạt độ “dẻo quánh”. Tùy vào sự khéo léo và bí quyết riêng mà mỗi người thợ sẽ gia giảm các thành phần hương liệu bằng phương pháp gia truyền. 

Cuối cùng là công đoạn “se hương”, công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo cao của người thợ. Bởi hương có se tròn, đều thì mới bắt mắt và không bị nứt. Sau đó, những thanh hương thành phẩm sẽ được mang phơi nắng để hương thơm được lưu giữ lâu hơn.
 


Đường Huyền Trân Công Chúa trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước đến tham quan làn hương Thuỷ Xuân.

Chị Tôn Nữ Phước Hạnh - Chủ cơ sở Hương trầm Hạnh Hoàng (đường Huyền Trân Công Chúa, phường Thuỷ Xuân, TP Huế) cho biết: “Giờ làm máy thì nhanh hơn, nhưng mà mình làm tay là để khách tham quan với giữ nghề gia truyền nhà mình. Nghề làm hương bằng tay thì có từ xưa lắm rồi, còn làm hương để cho khách du lịch tham quan thì mới mấy năm đây thôi. Giờ nếu mà ngồi liên tục làm cả ngày 7 - 8 tiếng thì cũng có thể được 4 - 5 ngàn cây, còn nếu làm thêm việc nhà nữa thì ít hơn!”, chị Hạnh cho biết. 

Hương Thủy Xuân được làm hoàn toàn thủ công. Thanh hương mềm mại, khi đốt lên sẽ đưa đẩy hương thơm dịu nhẹ, lan đều, được người Huế tin rằng hương thơm sẽ mang phúc lộc đến cho mọi người mọi nhà.

Du khách mỗi lần ghé qua con đường di tích, thấy các o, các mệ âm thầm se hương như những bông hoa tím Huế dịu dàng, chăm chỉ mà đem lòng thương mến, thế rồi họ dừng chân ở làng nhiều hơn, trò chuyện, tìm hiểu và tham gia làm hương. Dần dần, làng hương trở thành điểm đến thú vị trong bản đồ du lịch cố đô của du khách trong và ngoài nước.

Từ ngàn xưa, nén hương trở thành “chiếc cầu nối” thiêng liêng, gắn chặt tâm linh của con người với đất trời. 

Hương trầm xứ Huế đã đi vào từng phố, phường, ngõ xóm, đễ rồi thơm ngát nơi nhà thờ, từ đường, trang nghiêm trong những nghi lễ tín ngưỡng của dân tộc và thắt chặt hơn sợi dây cội nguồn quê nhà. Đó cũng là lý do khiến cho làng nghề truyền thống hương Thủy Xuân trải qua biết bao chặng đường, vẫn tràn đầy sức sống cho đến ngày hôm nay!
 
Huyền Trang

Bạn đang đọc bài viết "Độc đáo làng nghề hương Thúy Xuân ở xứ Huế" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.