Sắp đặt hài hòa trong không gian nội thất là bộ trường kỷ kiểu Louis XV, bộ bàn ghế nhà Thanh, chiếc sập cẩn xà cừ tinh tế. Phần đồ gỗ trang trí rất đặc sắc với hệ thống bao lam ở 3 gian giữa chạm khắc tinh xảo 3 lớp theo lối chạm lọng. Phần vách ngăn - trang trí thể hiện rõ nét nhất sự kết hợp phương Đông và phương Tây, phía trước trang trí bằng con tiện, ô hộc, tủ trang trí chạm khắc hoa văn Á Đông có kết hợp hoa văn sắt uốn phương Tây, phía cạnh bên là hệ thống tủ gương, kính có kiểu dáng, hoa văn trang trí đặc chất phương Tây. Khu vực khám thờ, bàn thờ, giương thờ, kỷ thờ trang trí đặc trưng phong cách thời nhà Nguyễn với các ô hộc được thếp vàng lộng lẫy. Hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất trong nhà cổ chủ yếu gồm hoa lá, cây cỏ và động vật với các chủ đề quen thuộc: mai, lan, cúc, trúc, chùm nho, rồng, phượng, dơi, tùng lộc… được tạo tác tinh xảo, tỉ mỉ theo lối tả thực trên chất liệu gỗ quý như nu, trắc… Bố cục chủ yếu theo lối đối xứng.
Nhìn chung, đồ gỗ nội thất trong nhà cổ Bình Thủy mang vẻ đẹp kết hợp hai nền văn hóa Đông - Tây, từ bộ bàn ghế kiểu Louis XV được khảm xà cừ hoa lá phương Đông cho đến hệ thống vách ngăn trang trí kết hợp ô chạm khắc hoa văn chùm nho, chim phượng với ô trang trí hoa văn sắt uốn. Nghiên cứu đồ gỗ nhà cổ Bình Thủy cho chúng ta thấy vẻ đẹp của hoa văn trang trí, kiểu dáng đồ vật, và trên hết là tay nghề tài hoa của những người thợ thủ công thời nhà Nguyễn, những nghệ nhân đã tiếp thu sáng tạo phong cách Trung Hoa, truyền thống dân tộc và ảnh hưởng phương Tây rất tài tình, khéo léo đem lại vẻ đẹp tinh tế đầy chất nghệ thuật.
Nhà cổ Bình Thủy (Cần Thơ) là công trình kiến trúc cổ nổi tiếng của vùng đất Tây Đô. Được xây dựng từ năm 1870 và tu bổ vào đầu TK XX, nhà cổ Bình Thủy mang nét đẹp hài hòa của hai nền văn hóa Đông - Tây, ngoại thất mang kiến trúc Tây phương với hàng rào, cổng bằng sắt uốn theo lối dinh thự của người Pháp, các vòm cửa được trang trí bằng phù điêu đắp nổi các họa tiết hoa lá theo phong cách cổ điển châu Âu nhưng bên trong lại đậm nét truyền thống Á Đông với sập gụ, tủ chè, trường kỷ, khám thờ… cẩn xà cừ, trang trí hoa văn đặc sắc.
Trong nhà trưng bày, nhiều đồ gỗ nội thất có giá trị thẩm mỹ cao, đa dạng và phong phú về chủng loại. Ta có thể thấy ngoài hàng cột gỗ quý được kết nối bằng hệ thống diềm trang trí, trong không gian có bộ bàn ghế xuất xứ đời nhà Thanh, có bộ tràng kỷ kiểu phương Tây, có sập chạm khắc rồng phượng tinh tế, có không gian thờ cúng trang trí đặc trưng thời nhà Nguyễn.
Tựu trung đồ gỗ nội thất tại nhà cổ Bình Thủy có thể chia làm 3 dạng như sau:
Đồ gỗ sinh hoạt
Đồ gỗ sinh hoạt bày trong nhà cổ Bình Thủy có sập, bàn ghế, tủ…
Bàn ghế có 2 bộ, kiểu Trung Hoa, một bộ có xuất xứ đời nhà Thanh, một bộ bàn tròn mặt đá và 4 ghế vuông có kiểu dáng chắc chắn, một bộ bàn ăn tròn mặt đá, 4 ghế ghép lại thành hình tròn và đặc biệt là không trang trí hoa văn nhưng kiểu dáng vô cùng thanh thoát.
Trường kỷ có 2 bộ kiểu Louis XV, bộ thứ nhất bày trang trọng chính giữa nhà gồm 2 ghế dài và một bàn lớn, 4 ghế đơn và 2 bàn nhỏ. Hoa văn đục chạm đặc sắc, tựa và tay ghế được chạm khảm xà cừ độc đáo. Bộ thứ hai nhỏ hơn, bày tại gian bên phải của nhà. Bộ này có 2 ghế dài, 2 ghế đơn và một bàn. Bàn ghế chạm hoa văn nhưng mặt, tựa và lưng ghế để trơn không cẩn xà cừ như bộ thứ nhất.
Sập có 2 chiếc trong nhà bày hai bên, chiếc bên trái kiểu dáng đơn giản, không có hoa văn trang trí; ngược lại chiếc bên phải được chạm trổ rồng phượng hết sức tỉ mỉ, gắn xà cừ óng ánh ngũ sắc vô cùng tinh xảo. Chiếc sập này được thực hiện bởi hai tốp thợ, đảm nhiệm phần đục khắc, chạm trổ là nhũng người thợ thủ công miền Nam còn phần cẩn xà cừ là tác phẩm của những nghệ nhân đến từ làng nghề thủ công mỹ nghệ Bắc Bộ.
Đồ gỗ trang trí
Tại gian chính có một tủ máy hát cổ kiểu dáng đơn giản, không có hoa văn trang trí. Gian bên trong bày 2 tủ nhỏ đăng đối hai bên. Tủ trang trí, kiểu dáng thanh lịch có hoa văn phong cách Rococo.
Trong nhà chỉ bày một chiếc bàn làm việc đơn giản, không có hoa văn.
Phần khung trang trí (bao lam) bao phủ cả ba gian khu vực thờ cúng. Tất cả đều chạm khắc tỉ mỉ, chạm cả hai mặt theo lối 3 lớp mà không hề chắp, ghép. Phần bao lam gian bên phải bị khuyết một bên cột. Điểm khác biệt với một số nhà cổ khác (ví dụ: nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - Đồng Tháp) phần bao lam ở đây được chăm chút cả phía mặt sau, chạm trổ họa tiết theo ô chứ không để trống.
Hệ thống cột trong nhà được kết nối bằng diềm gỗ trang trí nghệ thuật cao, chạm trổ hoa văn tinh tế.
Hai bên nhà là hai phòng ngăn cách với không gian thờ cúng bằng hệ thống vách ngăn - trang trí được chia làm hai phần rõ rệt. Phần phía trước là tổng thể của ô hộc trang trí, tủ, con tiện, cửa ra vào... Phần bên cạnh khu thờ cúng là một hệ thống tủ kính, gương lớn, vừa mang chức năng tủ trang trí, vừa là vách ngăn phòng với khu thờ cúng.
Đồ gỗ thờ cúng
Khu vực thờ cúng chia làm hai phần, phần chính yếu được bày giữa gian nhà, trang trọng và uy nghi là khám thờ, bàn thờ, giường thờ, kỷ thờ. Bên phải đơn giản hơn chỉ bao gồm một bàn thờ, một sập thờ.
Bàn thờ, giường thờ, kỷ thờ được bày chính giữa gian nhà, trang trọng và uy nghi, chạm khắc và cẩn xà cừ tinh tế toàn bộ bề mặt.
Khám thờ uy nghi, sơn son thếp vàng lộng lẫy; cách thức trang trí theo ô hộc mang đặc trưng thời nhà Nguyễn.
Hệ thống hoành phi câu đối chạm trổ, cẩn xà cừ cầu kỳ.
Điểm chung của đồ gỗ nội thất nhà cổ Bình Thủy là được tạo tác bằng gỗ quý, thiết kế vô cùng tỉ mỉ với đường nét chạm trổ mềm mại, gắn xà cừ tinh xảo, trong nhà chỉ có số ít đồ gỗ là không có trang trí hoa văn.
Đồ gỗ sinh hoạt có kiểu dáng phong phú, bộ tràng kỷ kiểu Louis XV được tạo dáng thanh thoát, ngược lại hai bộ bàn ghế xuất xứ thời nhà Thanh có kiểu dáng vững chãi, hoa văn cách điệu. Cả hai bộ trường kỷ kiểu Louis XV đều mang vẻ đẹp tinh tế và lãng mạn với những đường cong duyên dáng, họa tiết trang trí tỉ mỉ, hoa văn hình lá. Phần chân uốn cong hình chữ S đặc trưng của đồ gỗ nội thất Pháp phong cách Rococo TK XVIII.
Đồ gỗ trang trí ngoài những vật dụng kích thước nhỏ, kiểu dáng đơn giản, không trang trí hoa văn đặc biệt phải kể đến phần đồ gỗ vừa để trang trí, vừa có công năng dùng ngăn chia không gian, ở đây tạm gọi là hệ thống vách ngăn - trang trí. Đó là hệ thống bao lam và liên ba do hệ thống ô hộc kết hợp với các con tiện được chạm khắc tinh vi tạo thành. Cũng mang chức năng ngăn cách không gian nhưng phần trước mặt được chia ô trang trí nhiều hơn phần hộc. Các ô chạm trổ hoa văn đa dạng, mỗi ô một dạng trang trí khác nhau. Trên cùng sát mái là hệ thống con tiện tạo sự đối lưu không khí giữa bên trong phòng và bên ngoài. Bên dưới là các ô trang trí được chạm trổ công phu bố cục theo kiểu đăng đối, phía dưới là cửa ra vào phòng, hai bên cửa là hệ thống tủ trưng bày, nguyên bản tủ được lắp kính màu xanh có hoa văn nổi nhập từ nước ngoài nhưng sau nhiều biến động của thời gian, đến nay chỉ còn một ô kính nhỏ. Tất cả ô hộc, tủ trưng bày đều được bố trí cân đối, tỉ lệ hài hòa, không phải tất cả các ô đều được chạm trổ mà vẫn có những ô trống tạo khoảng nghỉ.
Phần vách ngăn trang trí phía cạnh bên cũng chia làm hai khu riêng biệt theo hệ thống cột. Khu thứ nhất là hệ thống tủ bố cục đăng đối với gương lớn ở giữa, tủ trang trí hai bên, phần dưới chủ yếu là con tiện phía trên là vòm cuốn chạm khắc hoa văn tinh tế. Hệ thống tủ vách ngăn thứ hai sát khu thờ cúng thì đơn giản hơn, hoa văn trang trí không nhiều, bố cục chia làm ba phần bằng nhau. Khác với vách ngăn phía trước kéo lên sát mái, cả hai khu vực này đều không kéo lên sát mái mà để lộ khoảng trống. Hệ thống tủ vách ngăn được bố trí đối xứng, khi bật ánh sáng đèn chùm sẽ tạo nên hiệu ứng ánh sáng lung linh, rực rỡ, tạo chiều sâu cho không gian ngôi nhà.
Phần vách ngăn trang trí này sự giao thoa Đông - Tây thể hiện rõ nét với hoa văn cây cỏ, hoa lá, chùm nho, chim phượng, hoa cúc chạm khắc gỗ theo ô hộc đặc trưng phong cách thời Nguyễn bên cạnh sắt uốn bố cục đăng đối phương Tây. Nếu như phần vách ngăn phía trước mang đậm phong cách dân tộc với hoa văn Á đông thì phần tủ hai bên lại hoàn toàn mang phong cách phương Tây với con tiện, cửa kính màu hoa văn nổi, gương lớn, hoa văn và vòm cuốn.
Trong gian thờ, đồ gỗ thể hiện rõ nét phong cách thời nhà Nguyễn. Khám thờ lớn, sơn son thếp vàng lộng lẫy, bên ngoài là nhiều lớp trang trí được chạm khắc vô cùng tinh xảo theo lối chạm lọng. Lớp bên ngoài cùng là bao lam với hoa văn cây cỏ, hoa lá và tùng lộc. Lớp bên trong là hoa văn rồng phượng. Từng chi tiết hoa lá, con vật đều được nghệ nhân thể hiện kỹ lưỡng theo phong cách tả thực.
Về hoa văn trang trí, đồ gỗ nội thất nhà cổ Bình Thủy có hoa văn trang trí theo hai chủ đề chính: cây cỏ, hoa lá và loài vật. Cây cỏ, hoa lá, quả: mai, lan, cúc, trúc, tùng, lan, đào, chùm nho… Loài vật gồm rồng, chim phượng, công, dơi, nai, tôm, cua… được thể hiện phong cách tả thực rất tỉ mỉ. Trong phần bao lam trang trí gian giữa có một chi tiết thể hiện sự khéo léo của người thợ chạm khắc, con chim phượng miệng ngậm chiếc vòng tròn mảnh mai được chạm liền không phải làm bằng kim loại hoặc chắp ghép.
Bố cục trang trí chủ đạo là trang trí kiểu đối xứng. Trang trí đối xứng trên đồ gỗ nhà cổ Bình Thủy mang những nét đặc trưng của trang trí thời nhà Nguyễn, đó là trang trí theo ô, mỗi ô có hình dáng và kích cỡ khác nhau, trong đó chạm khắc hoa văn. Riêng bộ tràng kỷ kiểu Louis XV mang phong cách Rococo TK XVIII, trang trí theo đường cong chữ S, nhiều chỗ bất đối xứng.
Chất liệu và màu sắc đồ gỗ nhà cổ Bình Thủy vẫn tiếp nối truyền thống các thời kỳ trước, đồ vật chủ yếu làm bằng gỗ quý, có sự kết hợp chất liệu gỗ - đá (bàn ghế), gỗ - khảm trai (sập, tủ thờ, bàn ghế…), gỗ sơn son thếp vàng. Màu sắc ngoại trừ phần sơn son thếp vàng của đồ thờ còn lại chủ yếu là màu gỗ mộc để lên nước. Nhìn chung đây là những chất liệu quen thuộc, so với các thời kỳ trước không có sự thay đổi nhiều về chất liệu.
Có thể nói, tổng thể nhà cổ Bình Thủy mang vẻ đẹp kết hợp hai nền văn hóa Đông - Tây, đặc biệt là đồ gỗ nội thất cho ta thấy óc thẩm mỹ tinh tế của chủ nhân. Từ bộ bàn ghế kiểu Louis XV được khảm xà cừ hoa lá phương Đông cho đến hệ thống vách ngăn trang trí kết hợp ô chạm khắc hoa văn chùm nho, chim phượng với ô trang trí hoa văn sắt uốn. Đồ gỗ trong nhà mang nhiều phong cách khác nhau: phong cách Trung Hoa, truyền thống dân tộc và ảnh hưởng phương Tây được kết hợp rất tài tình, khéo léo, đem lại vẻ đẹp tinh tế đầy chất nghệ thuật. Tất cả đồ gỗ được bố trí hài hòa trong không gian nội thất, các phong cách khác nhau được kết hợp đem lại vẻ đẹp riêng biệt cho không gian, hoa văn trang trí được chạm khắc tinh vi thể hiện sự tài khéo của những người thợ thủ công thời nhà Nguyễn.
Bùi Trung Dũng
Tạp chí VHNT số 409, tháng 7 - 2018