Thanh Chương

Đình Tân Lập Phú – Nơi lưu giữ nét văn hóa người dân Bình Long, Bình Phước

11/10/2016 15:53

Theo dõi trên

Đình Tân Lập Phú tọa lạc tại đường Nguyễn Du, phường Phú Thịnh, TX. Bình Long, tỉnh Bình Phước. Đây là nơi ghi dấu nhiều chiến công vào lịch sử vẻ vang của dân tộc với những địa danh: Trường Tiểu học An Lộc B, núi Gió, Tống Lê Chân, Cầu Cần Lê, Mộ tập thể 3000 người, là những di tích lịch sử - văn hóa còn trường tồn mãi với thời gian.

Đình Tân Lập Phú là ngôi đình duy nhất ở thị xã Bình Long theo dấu chân khai khoang mở đất của người Việt tồn tại đến ngày nay. Điều này cho thấy vị trí quan trọng của ngôi đình Đình Tân Lập Phú trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, góp phần quan trọng trong đời sống sinh hoạt của cư dân vùng Bình Long – Bình Phước. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Việt mà còn là nơi gửi gắm tình cảm của cộng đồng người Hoa đang sinh sống trên mảnh đất thị xã Bình Long.

Đình Tân Lập Phú được bao bọc bởi nhiều cây cổ thụ. Ông Nguyễn Hoàng Ẩn (Trưởng Ban quy tế Đình Tân Lập Phú) cho biết: ngôi đình  được xây dựng vào khoảng năm 1923 tiền thân là một am nhỏ được làm bằng tranh, tre, vách nứa thờ ngài Trịnh Hậu (một tướng nhà Lê, được nhà Nguyễn phong chức Trung Đẳng Thần) đây là người đã có công giúp nhân dân làm ăn, sinh sống và hiện nay chính là vị Thần Hoàng Bổn Cảnh của ngôi đình...



 
Đình Tân Lập Phú – Nơi lưu giữ nét văn hóa người dân Bình Long, Bình Phước
 
Căn cứ vào tấm bia đặt trước cửa đình thì Đình Tân Lập Phú trải qua hai lần trùng tu; lần thứ nhất vào năm 1986, do hậu quả của cuộc chiến tranh chống Mỹ để lại; lần tiếp theo năm 2003 để có được diện mạo như ngày hôm nay.

Đình Tân Lập Phú nằm trong khuôn viện rộng 4000 m2 gồm các hạng mục cổng tam quan, tòa tiền điện, nhà sắp lễ, nhà ăn, đền, miếu Đức Thánh Trần. Từ ngoài đường trục chính đi vào là cổng tam quan, được xây dựng khang trang, bờ mái cổng lợp ngói âm dương, trên nóc cổng đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt, giữa hai trụ biểu chính là một tấm biển ghi hàng chữ “Đình Tân Lập Phú”. Nối với cổng là con đường khá dài với hàng cây xanh chạy dọc, tạo không khí yên ả, mát mẻ khi bước vào trong tòa tiền điện, đình quay về hướng Nam, lưng dựa vào hướng Bắc.Đình được xây dựng theo lối kiến trúc một gian hai trái, tường xây gạch, mái lợp ngói âm dương, trước cửa đình đặt bốn con sư tử đứng chầu phục, tạo ra vẻ uy nghi cho ngôi đình.

Đi lên gian tiền điện là hai hệ thống bậc thềm, chính giữa đặt một chầu vạc dùng để cắm hương, hai bên cửa đặt mỗi bên 1 bộ gõ, 1 bộ trống. Đình được đỡ bởi 12 hệ thống các cột cái, cột quân, đều được làm bằng gỗ nguyên cây, không có cột nối, được liên kết với nhau theo lối thượng rường - hạ kẻ, đó là sự kết hợp của hai loại liên kết kèo lẻ, con rường một cách hết sức sáng tạo. Đáng chú ý nhất là hình ảnh rồng uốn lượn trên các cột trụ gian giữa trước tiền điện được gọi là “long trụ”. Chính giữa nơi tiền điền thờ tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đi sâu vào trong là tượng thờ Thần Hoàng Bổn cảnh uy nghiêm cao 80cm, ngự trên ngai, sơn son thếp vàng, mặc áo long bào xung quanh có tam sự. Hai bên hương án có đôi hạc đứng trên lưng rùa, mỗi bên bố trí một con ngựa đứng chầu, chữ Thần và Ác được viết bằng mực tàu đặt bên cạnh hai long hậu giá thần linh.

Hai bên bàn thờ tiền điện đặt hai bàn thờ: Tả ban, hữu ban do người Hoa sắp đặt và trang trí với nhiều họa tiết hoa văn phong phú, song song hai bên tiền điện ,mỗi bên đặt bàn thờ: thờ tứ quý tôn thần, thần vị bệ hạ.

Trước bàn thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh là cặp lỗ bộ được làm bằng gỗ nhẹ đây là loại nghi trượng biểu hiện quyền lực của thần thánh, tạo vẻ nghiêm nghị nơi tế tự. Bộ lỗ bộ trong đình có 10 cặp: một cặp biển khắc chữ “ Tĩnh túc” và  “Hồi tỵ” dùng để dẫn đầu đám rước, một cặp phủ việt (búa vàng) tượng trưng  uy quyền, một cặp tay văn, tay võ trượng trưng tài chí, một cặp chùy, một cặp gươm, tương trưng cho sức mạnh. Một cặp gậy đầu rồng, một cặp cờ tiết mao, tượng trưng ân huệ của triều đình, một cặp hèo, một cặp mác, một cặp kích, một cặp giáo…

Giữa gian tiền điện treo bức hoành phi khắc bốn chữ: “Đình Tân Lập Phú”. Hai  cột trụ trước tiền điện treo hai cặp câu đối: bên phải là “Tân Lập Đình Miếu Bình Long Toàn Dân Giai Phong Phú”; bên trái là “Thịnh Vượng Phồn Vinh An Lộc Bá Tánh Hưởng Thần”, chiều dài 2m, chiều rộng 5cm. Bức hoàng phi và hai cặp bức câu đối được chế tạo thủ công bằng chất liệu gỗ, sơn nâu tạo sự trang nghiêm cho nơi tiền điện. Đi vòng ra phía sau tiền điện là hậu tẩm, xây ba án thờ. Án giữa thờ Thành Hoàng, thổ địa; án bên phải thờ các bậc tiền Khai canh, hậu Khai khẩn; án bên trái thờ có các vị có công xây dựng đình. Bước ra ngoài tiền điện mái đình được lợp ngói mũi xoè ra ôm rộng lấy thế đất. Chính giữa trang trí hình lưỡng long triều nguyệt uy nghiêm sống động.



 
Ngài Trịnh Hậu - Thần Hoàng Bổn Cảnh của ngôi Đình Tân Lập Phú
 
Ngoài ra trước sân đình còn có bức bình phong theo quan niệm “phong thủy” để che chắn những gì không hay, bức bình phong mặt trước đắp nổi hình rồng, mặt sau mặt nổi hình thần hổ. Bên cạnh bức bình phong là miếu thờ Thần Nông là đối tượng chính tế lễ trong ngày Cầu bông và cây hoa sữa đại tồn tại hơn 100 năm nay.

Trong khuôn viên của ngôi đình còn có cây sao hàng trăm năm tuổi rủ bóng trước sân đình, hàng ngày tỏa bóng mát cho ngôi đình và đền Đức Thánh Trần. Trong đền Đức Thánh Trần các tượng phật được bố trí sắp đặt ngăn nắp với hệ thống thờ các vị: Linh Sơn Thánh Mẫu, Bà Thiên Hậu, Thiên Linh, Bà Chúa Xứ, Thần Môn Chư vị, Đức Thánh Trần, Địa Mẫu…

Hàng năm cứ theo thường lệ ngày 16 tháng 02 và ngày 09 tháng 09 âm lịch Đình Tân Lập Phú thường tổ chức lễ Kỳ Yên, lễ cầu Bông với mục đích là cầu quốc thái dân an (đất nước, người dân xứ sở yên bình); phong điều vũ thuận (mưa gió thuận hòa), phong đăng hòa cốc (mùa màng tốt tươi); đồng thời có những nghi thức tống ôn, tống phong để bảo vệ làng xã.

Lễ thường diễn ra trong 3 ngày, gồm có các lễ chính như Túc yết, Đàn cả (Đoàn cả), Tiền hiền – Hậu hiền. Trước ngày lễ, con cháu các họ tập trung tại đình, lo quét dọn, trang hoàng, bài trí, phân công người phụ trách đi chợ và bếp núc. Đúng ngày, tám giờ sáng bắt đầu cử hành lễ cáo yết nghinh thần, đến mười giờ cử hành chánh tế. Một bô lão làm chủ tế, hai bô lão khác làm bồi tế đứng ở hai bên. Sau ba hồi chuông trống, lễ thượng hương và dâng tuần rượu thứ nhất theo lời xướng của hai vị thông tán. Kế đến, thầy Chủ lễ đọc bài văn tế bằng chữ Hán, bày tỏ làng biết ơn của dân làng đối với công đức của thần linh, Thành Hoàng, khai canh và các tiên hiền, tiên tổ. Nghi thức tiếp theo thêm hai tuần rượu, một tuần trà, và sau “phần chúc” (đốt văn tế) thì “lễ tất”.Ngày đại tế là dịp để tất cả con dân Bình Long đang sinh sống trên mọi miền đất nước trở về tụ họp để phước cầu, quốc thái dân an và tỏ lòng nhớ công ơn các vị tiền khai canh, hậu khai khẩn cùng các vị tiền bối đã có công giữ gìn, tôn tạo đình để lại cho con cháu ngày nay. Đó là nền hiếu nghĩa đạo đức cổ truyền của con cháu nhân dân  Bình Long, giữ gìn truyền thống uống nước nhớ nguồn từ bao đời nay. Lễ còn là cầu nối tâm linh giữa con người, quá khứ, hiện tại và tương lai, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa ở làng xã, bảo tồn những vốn quý của di sản văn hóa tinh thần của dân tộc.

Đình Tân Lập Phú là biểu tượng truyền thống của một phường, ngôi nhà chung kết nối mọi thành viên của một cộng đồng, nhờ vậy tình làng nghĩa xóm, sự đoàn kết đô thị được giữ gìn như một nếp sống truyền thống của con người. Đó là những chứng tích hồn thiêng của một vùng quê, là di sản văn hóa, truyền thống của dân tộc để rồi mỗi độ xuân về, đình làng lại là nơi hội tụ những người con quê hương và đón những người con xa xứ trở về.

(Theo www.cucctpn - bvhttdl.gov.vn)

Hoàng Nguyên
Bạn đang đọc bài viết "Đình Tân Lập Phú – Nơi lưu giữ nét văn hóa người dân Bình Long, Bình Phước" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.