
Một góc ngôi đình rắn ngày nay - Ảnh: nld.com.vn
Khám phá huyền thoại
Tuy đã có nơi thờ cúng nhưng ở đây vẫn còn là nơi hoang hóa mênh mông, ngôi đình nằm trên gò đất cao nên nhiều loài rắn độc đã hội tụ về đây làm ổ rất nhiều. Nhiều hang rắn ăn sâu vào đến giữa đình, gây nguy hiểm cho dân làng. Do đó để đảm bảo an toàn, khi thờ cúng người dân phải lấy ván gỗ bao quanh tất cả hang rắn lại để tránh điều đáng tiếc xảy ra. Từ đó ngôi đình được mang tên là “Đình Rắn”. Ngôi đình nằm uy nghi, trầm mặc giữa chốn hoang vu. Lối đi vào đình là hai hàng bạch đàn cổ thụ càng làm cho ngôi đình thêm cổ kính, linh thiêng.
Ngày xưa, theo cư dân sống lâu năm tại đây cho biết mỗi lần cúng đình thì có một cặp rắn rất to, bằng cái khạp dài trên 20 mét, quấn hai cây cột chánh điện, khi cúng đình xong thì cặp rắn ấy biến mất lúc nào không ai hay biết. Đặc biệt là cặp rắn này không đe dọa đến mạng sống của người dân và cũng không giết hại gia súc gia cầm, mà cặp rắn này chỉ ăn thịt những con thú dữ, những con vật phá hoại mùa màng. Sau khi đất nước được thống nhất thì cặp rắn này không còn về quấn 2 cột đình vào những dịp cúng đình nữa. Người dân cho rằng cặp rắn đã về rừng rậm, núi cao.
Tổ tiên ta từ Đàng Ngoài vào phương Nam lập nghiệp, họ phải dùng ghe, xuồng làm phương tiện đi lại. Khi thuyền ra giữa sông thì sóng to bão lớn bỗng nổi lên, làm cho thuyền bị lật úp, lúc đó có một con rắn rất to đến và đưa những cư dân này vào bờ một cách an toàn. Con rắn này đã cứu mạng nhân dân rất nhiều lần. Cũng bởi vì con rắn này cứu mạng họ nhiều lần như vậy nên họ muốn cám ơn con rắn này, nên họ lập một ngôi đình để rước rắn về để thờ, và đặt tên cho ngôi đình là Đình Rắn.
Do tính chất huyền bí của ngôi đình mà nhiều người tưởng rằng trong đình có rất nhiều rắn độc. Nhiều cán bộ cách mạng của ta đã lợi dụng tính chất huyền bí đó mà tiếp tục đồn thổi thêm, làm cho bọn lính ngụy không dám bén mảng đến khu vực này. Ngôi đình là nơi họp bàn kế hoạch cách mạng của nhiều cán bộ cách mạng lúc bấy giờ, trong đó có đồng chí Nguyễn Thị Định (cô Ba Định).
Còn mãi với thời gian
Trải qua nhiều lần bom dội, pháo dập ngôi đình vẫn hiên ngang tồn tại cho đến ngày giải phóng 30-4-1975. Còn chuyện cặp "rắn thần ở đình Định Thủy" được dựng thành kịch bản hoàn hảo và lan truyền trong dân chúng thời bấy giờ thì tác giả không ai khác là bà Nguyễn Thị Định và ông Hai Thủy.
Đó là cách tuyên truyền đánh vào tâm lý của quân lính VNCH khiến chúng sợ sệt, hoang mang không dám léo hánh vào khu vực đình Rắn. Bởi ngôi đình Rắn chính là nơi nữ tướng Nguyễn Thị Định lập kế hoạch và chỉ đạo chiến dịch Đồng Khởi vào ngày 17/1/1960.
Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), một lần nữa người ta lại đồn cặp rắn thần đã trở về rừng sâu, núi thẳm vì cuộc sống dân làng đã thanh bình, không cần “thần rắn” bảo vệ nữa.
Trong khi đó, các bô lão địa phương cũng bắt tay tôn tạo lại ngôi đình bằng cây lá đơn sơ để thờ cúng và cũng để tưởng nhớ đến những ngày hoạt động bí mật gian khổ của các cán bộ cách mạng trong phong trào đồng khởi của tỉnh Bến Tre.
Đến năm 1993, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Trần Hoàn đã ký quyết định công nhận ngôi đình Rắn ở xã Định Thủy là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Năm 2003, Tỉnh ủy Bến Tre trực tiếp chỉ đạo đầu tư, phục dựng lại ngôi đình thật khang trang trên nền đất cũ ở ấp Định Nhơn, xã Định Thủy như hình ảnh đã thấy bây giờ.
Và cũng từ đây, vào các ngày 14, 15, 16 tháng 5 âm lịch mỗi năm, hàng ngàn người từ các nơi đổ về ngôi đình Rắn nổi tiếng để viếng cảnh, tham quan hội đình. Đây cũng là một nét văn hóa đặc sắc của địa phương.