Đình làng Lệ Mật những dấu ấn cổ xưa

15/05/2017 09:32

Theo dõi trên

Đình Lệ Mật nằm trong một cụm di tích quốc gia bao gồm đình và chùa làng Lệ Mật thuộc phố Việt Hưng, phường Việt Hưng, quận Long Biên, TP Hà Nội. Đây là một ngôi đình chứa đựng những giá trị văn hóa độc đáo.

Lược sử hình thành đình làng Lệ Mật

Làng Lệ Mật, xưa có tên là Trù Mật, xuất hiện vào thời vua Lý Thái Tổ dời đô về Hoàng Thành Thăng Long. Tương truyền điển tích làng Lệ Mật gắn liền với một chàng trai xuất thân từ Lệ Mật đã cứu được công chúa từ tay thủy quái ở Sông Thiên Đức nay còn gọi là Sông Đuống. Chàng đã xin vua cho dân nghèo Lệ Mật đi khai khẩn ở phía Tây Kinh Hoàng Thành Thăng Long. Vùng đất ấy sử xưa gồm 13 ấp là: Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Đại Yên,Xuân Biểu, Công Yên, Vạn Phúc, Vĩnh PHúc, Liễu Giai, Cống Vị, Thủ Lệ, Giảng Võ, Kim Mã, Ngọc Khánh, Hào Nam hay còn gọi là “ Thập Tam Trại”.

Để tưởng nhớ đến chàng trai họ Hoàng, khi chàng mất người dân người dân làng Lệ Mật đã lập đình thờ chàng ở rìa phía nam làng Lệ Mật, bên bờ nam sông Đuống, suy tôn chàng là Đức Thánh Hoàng. Vào khoảng tháng 3 âm lịch hàng năm, dân của khu Thập Tam Trại cũ và du khách bốn phương kéo về mang theo hương hoa, lễ vật, vừa để tham dự lễ hội làng vừa để cùng người dân địa phương tưởng niệm chàng trai họ Hoàng dũng cảm năm nào.

Hàng năm cứ vào ngày 23/3 (ÂL), khắp trong đình, ngoài làng đều được trang hoàng lộng lẫy, cờ quạt dàn bày đủ loại, đèn nến sáng rực, khói hương nghi ngút. Người dân đánh cá ở ao đình làm gỏi và múc nước từ giếng đình để làm lễ vật cúng dâng thần. Trong làng có rất nhiều người, nhiều dòng họ thạo nghề bắt rắn - đặc biệt là họ Nguyễn và họ Trần.

Kiến trúc đình Lệ Mật

Theo người già ở làng Lệ Mật kể lại thì mảnh đất bây giờ là đình ngày xưa là chùa. Đầu thế kỷ trước các cụ đã quyết đinh rời chùa sang bên phải để xây đình. Về không gian bố cục, đình quay về hướng nam, hướng của quyền uy và hướng naỳ cũng gắn với ước vọng của tín ngưỡng thời trước. Hệ thống nước cũng gắn liền với kiến trúc của đình.

Phần tiếp theo của đình làng Lệ Mật là Nghi môn. Công trình này được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XX theo phong cách cổ truyền. Phần dưới của Nghi Môn theo lỗi cổng thành gồm 3 cửa, ở giữa là một cửa lớn có thể rước kiệu qua, hai bên là hai cổng nhỏ để người có thể ra vào.

Hai bên Nghi Môn là bức tưởng thấp và có 4 trụ lớn. Mỗi đỉnh trụ đều được gắn một Lân ngồi trong thế chầu vào. Trang trí mặt trong tường là tướng giữ cửa. Phần trên Nghi Môn được làm theo kiểu lầu với ba kiến trúc tách rời. Đi qua Nghi môn là một khoảng sân rộng, hai bên có nhà Giải Vũ, nơi dừng chân để soạn lễ của người dân.

Chính giữa sân là một bức bình phong. Mặt trong đắp Rồng cuốn thủy xung quanh có mây xanh. Tiếp theo bình phong là một sân rộng nơi diễn ra nhiều hoạt động của lễ hội. Cuối sân có một Nghi Môn nội với kiến trúc đơn giản ngăn cách giữa sinh hoạt động đồng với chốn linh thiêng.




Độc đáo phương đình của đình làng Lệ Mật.

Sau Nghi môn nội là một sân nhỏ vừa đủ để dựng tả hữu vu ở hai bên và đặt ở chính giữa là phương đình- sản phẩm khoảng đầu thế kỷ XX. Tòa này chỉ có 4 cột vuông, chính hiện tượng ít cột này đã tạo cho không gian thoáng đãng hơn và tạo điều kiện cho việc chạm khắc các kết cấu khác. Cụ thể ở đây đề tài được chạm khắc là tứ linh và các hoa quả thiêng mang tính biểu tượng như : na, lựu, phật thủ....

Ngay sau tòa phương đình là đại đình với lối kiến trúc kiểu “ Tứ thủy quy đường”, tường hồi bít đốc. Về cơ bản kiến trúc ở đây được làm lại hoàn toàn với kết cấu đơn giản, chạm khắc vừa phải tuy nhiên chúng có giá trị nghệ thuật cao cũng như niên đại từ khá lâu khoảng thể kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII – phong cách thời nhà Mạc.




Chính điện và gian ngoài hậu cung.

Đình Lệ Mật có nhiều vật cổ mang giá trị cao điển hình là nhang án rất quý có niên đại vào khoảng TK XVII – XVIII. Nhang án này có giá trị bời các đường nét điêu khắc tinh xảo các hình ảnh hiện hữu trên nhang án đó là : rồng, lân, hổ phù, phượng hoàng, hoa lá cách điệu, hình tượng bát bửu – bút lông, hòm sách...

Ngoài ra trong đình còn có một bát hương gốm trắng xám, to vừa phải có bốn chân với trang trí rông, diềm lá sồi cách điệu. Đây là một sản phẩm nghệ thuật thuộc thế kỷ XVIII.

Tại hậu cung của đình có một cặp ngai và bài vị, tuy có tu sửa đôi chút vào thế kỷ XIX nhưng về cơ bản chúng là một cặp hiện vật rất đẹp và quý vào cuối TK XVII đầu TK XVIII.


Thành Nguyễn

Nguồn: langvietonline.vn
Bạn đang đọc bài viết "Đình làng Lệ Mật những dấu ấn cổ xưa" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.