Trong khoảng thời gian 1785-1792, nhà giáo Võ Trường Toản đã mở trường dạy học trong khuôn viên đình. Từ lớp học này đã xuất hiện nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử như: Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh, v.v...
Những hoạt động đáng ghi nhớ như phong trào yêu nước tự phát xảy ra vào năm 1915 - 1917 tại đình gọi là Thiên - Địa Hội. Một nhóm thanh niên khu Hòa Hưng hưởng ứng chống thực dân Pháp. Họ sử dụng Đình Chí Hòa, biến nơi đây làm điểm tập hợp luyện tập võ thuật, rồi dùng chánh điện làm nơi ăn thề, kêu gọi thần chứng giám. Sự kiện này xảy ra trong thời gian ngắn bởi bọn tề làng hay tin tìm vây bắt một số hội viên.
Mãi đến năm 1945, Đình Chí Hòa lại sôi động do phong trào Thanh niên Tiền phong nổi lên rầm rộ khắp nơi. Ngày 25-8-1945, các thanh niên kéo đến tụ tập tại đình, dùng giáo mác, gậy gộc xông ra đường chặn đánh giặc Pháp và tay sai. Ngoài ra tại đình, dưới bệ sân khấu có hầm bí mật được lực lượng Thanh niên Tiền phong sử dụng trong một thời gian.

Đình Chí Hòa được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận di tích Quốc gia vào năm 1996 - Ảnh: SGGPO
Bên trong chánh điện, là một bộ cột gỗ quý có đường kính 30 cm, cao từ 4 đến 7 m, hiệp cùng với bộ vì kèo (với kỹ thuật chêm, nêm tinh tế) giàn thành bộ khung chịu lực cho mái đình. Bên cạnh đó, còn có các bao lam với nghệ thuật chạm thủng hình "tứ linh" (long, ly, quy, phụng) hay "mai, lan, cúc, trúc" bố trí hỗ trợ, vừa cách điệu vừa chịu lực cho bộ vì kèo và cột.
Thờ Phụng
Chánh điện thờ "Thành hoàng Bổn cảnh", bên trên có bức hoành phi đề bốn chữ Hán: "Thần Minh Chánh Trực". Bàn thờ Tả ban và Hữu ban ở hai bên. Đối diện nhau có hai bàn thờ: Phước Đức chánh thần (Thổ địa) và Đông Trù tư mệnh (Táo quân). Ngoài ra, ở đây còn có bàn thờ Ngũ Hành nương nương, bàn thờ nhà giáo Võ Trường Toản,...
Ở bên ngoài ngôi chính điện, có bàn thờ Thần Nông và Thần Hổ.
Đông lang kích thước hẹp, sử dụng như nhà kho. Tây lang rộng hơn, bố trí 2 bàn thờ Tiền hiền và Hậu hiền, là những người có công lập làng và phát triển làng xã.
Đình Chí Hòa tổ chức lễ Kỳ yên vào ngày 16 và 17 tháng Hai âm lịch hàng năm. Là một đình cổ, mọi nghi thức cúng bái được thực hiện nghiêm túc nên trong ngày đại lễ, khách thập phương kéo đến cúng bái như trẩy hội.