Điện Biên Phủ, nơi ấy từng có máu xương, nước mắt đồng đội tôi đã ngã xuống

23/12/2016 14:02

Theo dõi trên

Chúng tôi may mắn được gặp lại một cựu chiến sỹ giải phóng quân Đại đoàn pháo binh 351 huyền thoại đã chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ. Từ lời tự sự về cuộc đời ông, những trang lịch sử hào hùng ngày ấy được tái hiện lên chân thực.



Ông Nguyễn Hồng Minh kể về những năm tháng hào hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954) - Ảnh: Huyền Trang

Không còn lựa chọn con đường nào khác ngoài cách mạng

Cầm lấy trên tay cuốn sách viết về các tướng lĩnh huyền thoại của lịch sử thế giới đương đại, ông Nguyễn Hồng Minh vẫn chưa lấy làm hài lòng bởi ông chưa tìm được bản phụ lục “Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam” trong cuốn SGK “ Lịch sử Đà Nẵng” mà Sở GD&ĐT Đà Nẵng đưa vào phổ cập trng chương trình phổ thông. Từ Hà Nội vào thăm con gái, ông vô tình đọc được thông tin về bộ sách quý ấy nên đã cất công đạp xe hơn 3km từ đường Hà Huy Giáp (phường Hoà Cường Nam, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) sang công viên 29/3 để mua cho bằng được cuốn sách ấy.

“Tôi sinh năm 1930 tại làng Kim Bài, nay là thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Năm 1949 thì giặc Pháp về đóng tại làng tôi, sau năm đó thì tôi trốn đi bộ đội. Thanh niên ngày đó như chúng tôi chỉ có 2 con đường, một là theo địch, hai là theo Việt Minh. Không trốn đi theo cách mạng thì ở nhà địch nó kiểm danh số nó cũng bắt đi lính giết đồng bào mình”, ông Nguyễn Hồng Minh “tua” lại cuộc đời.

Rời làng đi bộ đội, suốt thời gian hơn 1 năm, ông hoạt động gần nơi địch đóng quân, ngày núp trong hầm, đêm đêm lại lén bò lên hoạt động du kích. Hơn 1 năm như vậy, đến năm 1951 đơn vị ông Minh từ nơi đóng quân huyện Thanh Oai di chuyển lên mặt trận Tuyên Quang. Rồi từ Tuyên Quang, đơn vị ông lại di chuyển sang mặt trận Lào để thực hiện chiến dịch Sầm Nưa.

“Pháo thời đó không có xe cộ rình rang kéo đi như giờ đâu mà phải khiêng vai. Khi đó pháo không có nhiều như thời đánh Mỹ, pháo thì chỉ có pháo 105 với pháo 37 dùng để bắn máy bay. Pháo bé thì 2 tấn, lớn thì 2 tấn rưỡi. Khi khiêng thì thì tháo từng bộ phận ra, bộ phận nhẹ nhất là bẹ pháo cũng đã nặng đến 2 tạ rưỡi”. 

Tháng 3/1953, đơn vị ông Minh từ Sầm Nưa - thượng Lào vượt sông Mã trở về Việt Bắc. Thời gian này, ông tiếp tục tham gia học tập cải cách ruộng đất và học tác chiến pháo binh cùng đơn vị.

“Đầu tháng 11 năm 1953, chúng tôi từ Tuyên Quang bắt đầu xuất phát đi qua Yên Bái, đến Nghĩa Lộ rồi đến Mộc Châu (Sơn La) bằng đường 41, nay là đường 6.. 3 - 4 ngày đầu, đơn vị tôi chỉ có đi quanh quẩn nơi xuất phát 2 - 3km, vì lúc đó, đơn vị tôi - Đại đoàn 351 và Đại đoàn 308 là lực lượng chủ lực nên gián điệp Pháp nó theo dõi từng hoạt động. Chúng biết chúng tôi di chuyển khỏi nơi đóng quân, nhưng chúng không biết chúng tôi đi đâu cả. Sau một tháng thì chúng tôi lên đến Điện Biên Phủ và bắt tay vào công tác chuẩn bị”.

Cũng như các đơn vị khác tại chiến trường Điện Biên Phủ, đơn vị pháo binh Trung đoàn 675 - Đại đoàn 351 của ông cũng phải đào hầm, giao thông hào. “Đào giao thông hào thì định mức mỗi người 1m/ ngày. Trên rộng 120 phân, dưới 80 phân, đào xong phải đắp lên thành bờ mương. Làm bờ xong còn phải nguỵ trang, nguỵ trang như giàn mướp ấy để máy bay trinh sát địch không phát hiện. Riêng với hầm thì bộ đội phải chặt gổ dài 10m về để gác chống. Hầm được đào với các loại như hầm bếp, hầm pháo, hầm họp, hầm cá nhân…”, ông Minh kể lại. 

Để đào được hệ thống hầm hào “kỳ vĩ” ấy, đã có thời gian người phương Tây cho rằng Việt Minh đã được phía Trung Quốc dùng máy xúc đào giúp cho, nhưng ông Minh bác bỏ cho rằng đó là nhận định hoàn toàn sai sự thật: “Bộ đội ta đào hết chứ không có ai giúp cả! Chúng tôi đào với chỉ mỗi cái xẻng, loại xẻng ngắn 30 phân, có thể lật ra lật vào, gấp 90 độ vừa đào vừa cuốc đất đá”.

Kết quả, sau những ngày ấy, bộ đội ta đã đào được tổng cộng 200km trục giao thông hào chính, tiến sát đồn địch với khoảng cách 5km.

Vừa đàm hầm hào giao thông, các chiến sĩ lúc bấy giờ còn phải đối mặt với việc máy bay địch quần quần trên bầu trời để trinh sát và thả bom. “Nó cảm giác cứ như ru ngủ ấy, chúng cứ lựa vào lúc 10h trưa đến 2h chiều để quăng thả bom, đó là giờ bộ đội ta nghỉ trưa, ngủ nghỉ. Nhiều khi đang chợp mắt ngủ mà chúng quăng bom làm rùng mình”, ông Minh nhớ lại.

Ký ức về anh Tô Vĩnh Diện

Nói về chiến dịch Điện Biên Phủ, không thể không nhắc đến việc đưa pháo vào và kéo pháo ra lại của bộ đội ta. Điều này xuất phát từ việc thay đổi chiến lược từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh lâu dài của Bộ tổng tham mưu chiến dịch khi đó như chúng ta đều đã biết. Tuy vậy, việc đưa vào đưa ra những khẩu pháo nặng nề này như thế nào thì không phải ai cũng biết.

“Lúc đầu định đánh gấp trong 3 ngày, pháo đã kéo vào đúng vị trí. Sau đó địch phát hiện ra được việc bộ đội ta đã tập trung quân bao vây nên chúng cho bố trí hoả lực pháo mạnh ở phân khu phía bắc, nơi chúng ta tiến vào. Lúc này, trinh sát ta khi do thám đã vào tận nơi địch đặt các khẩu pháo, sờ tận tay nên có ý kiến đề nghị phá pháo. Chỉ cần đổ axit và muối vào họng pháo thì khi bắn, đạn sẽ bị bể ra, nhưng cấp trên không đồng ý vì sợ bị lộ kế hoạch. Kế hoạch là ngày 21/1 nổ súng, nhưng đợi đến ngày 25/1 vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Đến 8h ngày thứ 2 thì có quyết định kéo pháo ra”, ông Minh nhớ lại.

Lúc bấy giờ, thời tiết đêm Điện Biên Phủ sương mù dày đặc như mưa rơi, cả trung đoàn ông Minh miệt mài kéo pháo ra, toàn thân người nào cũng ướt đẩm. “Lúc này, một đồng chí liền hỏi bây giờ là mấy giờ rồi các đồng chí nhỉ? Rồi một đồng chí khác lại hỏi hôm nay là ngày mấy rồi nhỉ? Cả trung đoàn bấy giờ chỉ có một vài đồng chí có đồng hồ. Lát sau một đồng chí khác nói, hôm nay đã là 30 tết, giờ sắp giao thừa rồi! Tất cả chúng tôi đều im lặng...”.

Để có thể kéo được pháo ra vào trận địa, ngày ấy các chiến sĩ phải dùng dây rừng bện lại rồi buộc vào kéo. Dây rừng được các chiến sĩ bộ đội có kinh nghiệm vào rừng sâu tìm về, nhưng vì hiếm nên mỗi ngày nhiều lắm chỉ kiếm được tầm 30m dây. Tuy vậy, đây là loại dây rất chắc chắn, dai. Có độ bền từ 5 - 7 ngày.

Đường đi vào trận địa Điện Biên Phủ núi cao dóc thẳm đã đi vào lời thơ ca, nhạc hoạ. Việc di chuyển các khẩu pháo ở thời điểm bấy giờ vô cùng khó khăn, nguy hiểm, chỉ cần sơ sẩy, pháo sẽ rơi xuống vực sâu.

Một tổ pháo kéo gồm 20 đồng chí, pháo khi lên dóc hay xuống dóc đều phải có một dây tời định vị và sẽ được một người đi sau dùng thanh chèn chèn giữ bánh lại.

“Có một lần, địch bắn trúng cái dây tời, pháo liền lao xuống dóc. Có một anh chạy rất nhanh lao theo khẩu pháo cố đẩy khẩu pháo hướng vào bên núi không cho rơi xuống phía vực. Đẩy được khẩu pháo hướng đầu vào núi thì thân pháo chèn vào người anh ấy làm anh ấy bị thương nặng. Lúc đó anh ấy bị pháo nặng chèn lên, không có cách chi lôi anh ra được nên phải lấy tời cột pháo kéo lại từ đầu. Sau đó hai tiếng thì anh ấy qua đời”.

Người chiến sĩ mà ông Minh kể không phải ai khác, đó chính là anh hùng Tô Vĩnh Diện, người đã được lịch sử ghi nhớ với hành động hy sinh thân mình chèn vào bánh pháo. Anh Tô Vĩnh Diện sau đó được đồng đội mai táng tại chỗ, bởi hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, lại xảy ra vào ban đêm nên các đồng đội chỉ dùng một thanh gổ đánh dấu vị trí mai táng.

“Ngày ấy, không đêm nào không có người hy sinh cả. Không phải bộ đội thì là thành niên xung phong. Điện Biên Phủ, nơi ấy từng có máu xương và nước mắt đồng đội tôi đã ngã xuống…", ông Minh hồi tưởng lại.

Gửi ước vọng về thế hệ tương lai

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Minh cùng đơn vị trở về Hà Nội. Đến năm 1961, theo nhiệm vụ cấp trên phân công, ông Minh chuyển sang công tác tại Tổng cục Giao thông, trực chiến tại các điểm giao thông quan trọng mà Mỹ chuyên đánh phá. Đến năm 1975, ông rời khỏi ngành và về sinh sống tại địa phương.

“Tôi ra quân với quân hàm thiếu uý. Trở về nhà thì làm ruộng vậy thôi! Tôi rời khỏi làng đi bộ đội khi còn trẻ nên không có ruộng, không có nhà cửa gì cả. Nhà thì ở nhà cơ quan huyện, ruộng thì sau này mượn ruộng anh em làm. Bà vợ tôi thì làm giữ trẻ cho cơ quan huyện, bà ấy làm ở đó từ năm 1962 cho đến sau này thì về hưu”.

Ông Tâm sự: “Bố tôi trước đây nhiều vợ, tôi từ bé sống với mẹ kế, cũng chẳng biết mẹ đẻ là ai. Mẹ kế tôi ngày ấy ác nên ai cũng sợ. Người trong làng không ai dám làm dâu nhà tôi cả nên tôi phải đi lấy vợ ở nơi xa”.

Chiến tranh qua đi hơn 40 năm, tóc ông Minh giờ đây đã bạc, các con ông đã lập gia đình và an cư lạc nghiệp. Hiện cô con gái út ông Minh đang làm việc tại Đà Nẵng, tranh thủ thời gian này, ông vào Đà Nẵng thăm con gái và đi viếng ông Nguyễn Bá Thanh – Nguyên trưởng Ban nội chính Trung ương. Ông cho biết: “Vui thú của tôi giờ đây là vườn cây, ao cá, gặp gỡ trò chuyện với bạn bè hàng ngày”. 

Gửi gắm về thế hệ tương lai với tư cách là một người đi trước, từng gắn cả cuộc đời với công cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước của dân tộc, ông nói: “Chẳng dám khuyên, mà chỉ là mong mỏi của người già, tôi chỉ mong cho lớp trẻ giờ đây hiểu được lịch sử nhiều hơn để không phải thờ ơ với những hy sinh của lớp người đi trước, để có thể kế cận thay thế được. Việc tiếp nhận văn hoá hiện đại từ bên ngoài của lớp trẻ vào không phải là sai, chúng ta không nên khắt khe bảo thủ, nhưng phải hướng làm sao cho hài hoà, chọn lọc hài hoà, để có thể tiếp nhận được những cái tốt, cái hay của thế giới vào mình”.
 
Huyền Trang

Bạn đang đọc bài viết "Điện Biên Phủ, nơi ấy từng có máu xương, nước mắt đồng đội tôi đã ngã xuống" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.