Cần gì để vươn ra biển lớn?
Những đứa trẻ trong sương là phim tài liệu xoay quanh hành trình trưởng thành của Di, cô bé người Mông ở Sa Pa, từ khi Di còn là cô bé 12 tuổi cho đến khi trở thành thiếu nữ. Trong phim, nữ đạo diễn kể câu chuyện về sự xung đột giữa phong tục cổ xưa và giá trị hiện đại, ở một nơi mà trẻ em từ một nền văn hóa truyền thống cũng được tiếp cận với thế giới bên ngoài. Và cả những thử thách mà một cô gái trẻ H'Mông phải đối mặt.
Trước Oscar lần thứ 95, Những đứa trẻ trong sương từng thắng nhiều giải như Đạo diễn xuất sắc tại LHP tài liệu quốc tế Amsterdam, Phim tài liệu Đông Nam Á xuất sắc tại LHP Balimakarya, Giải thưởng lớn (Grand Prix) tại LHP Giáo dục của Pháp...
Trên Screen Daily, cây bút Nikki Baughan đánh giá rất cao việc đạo diễn Hà Lệ Diễm coi các nhân vật như chính người thân thực sự của mình. Trong khi đó, nhà làm phim Marya E. Gates viết: "Bộ phim gieo mầm cho kiểu tương lai mà Di khao khát nhưng không hứa hẹn với cô ấy hay với khán giả rằng liệu Di có thể đạt được những gì mình muốn hay không. Bộ phim không phải sự phán xét đối với truyền thống của một dân tộc, đồng thời thể hiện được nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề. Cuối cùng, phim giống như lời nhắc nhở đối với mỗi chúng ta rằng thế giới này tràn ngập những cô gái như Di và hy vọng rằng họ có thể có một tương lai tươi sáng hơn".
Thực tế nhiều năm qua chứng minh thì việc đề cập đến thân phận con người, bản sắc văn hóa riêng của mỗi tộc người, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia là một mẫu số chung của những bộ phim muốn thành công trong các giải thưởng lớn quốc tế. Tuy nhiên, cho đến gần đây, điện ảnh Việt Nam mới tiếp cận vấn đề này.
Tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI vừa diễn ra đầu tháng 11 vừa qua, "Khu rừng của Páo" vượt qua 19 phim ngắn từ các nước khác để thắng giải Phim ngắn xuất sắc. Bộ phim nhận được sự khen ngợi của rất nhiều đạo diễn, nhà làm phim nước ngoài tại Liên hoan phim. Khu rừng của Páo xoay quanh cuộc đời của chàng trai người dân tộc thiểu số H’Mông tên là Páo. Theo phong tục tập quán tại nơi Páo sinh sống, cậu lấy vợ từ năm 14 tuổi. Tuy nhiên, khi trưởng thành, Páo yêu một cô gái khác. Lúc này, Páo đấu tranh giữa việc sống vì tình yêu hay gia đình, phong tục tập quán.
Cách đây nhiều năm, các nhà làm phim, nhà phê bình điện ảnh đã đặt câu hỏi làm thế nào để điện ảnh Việt ra thế giới? Câu trả lời dường như khá rõ ràng, song thực tiễn lại không có đáp án. Cho đến khi "Những đứa trẻ trong sương" được quốc tế nhìn nhận.
Điện ảnh phải mang bản sắc văn hóa
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển điện ảnh Hàn Quốc, ông Park Ki Yong- Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc cho biết: "Điện ảnh Hàn Quốc mới đây có bộ phim Ký sinh trùng được rất nhiều giải thưởng, là bộ phim tiêu biểu của K-movies. Hay bộ phim "Squid Game"- Trò chơi con mực nổi tiếng trên thế giới. Và chúng tôi hay nhận được câu hỏi: bí quyết thành công của phim Hàn là gì?
Xin khẳng định, sự thành công của các bộ phim Hàn đều mang phong cách Hàn, phim kiểu Hàn nói về xã hội Hàn. Ví dụ Trò chơi con mực được người xem khắp thế giới khen ngợi vì mang đậm tính nhân văn, những cảnh quay cảm động, ấm áp so với những bộ phim sinh tồn khác"- ông Park Ki Yong nhận định.
Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc cũng khẳng định: "Phim Hàn thành công không phải do nội dung của phim Hàn đặc biệt, mà thay vào đó là chất lượng vượt trội. Cũng như người Hàn sống trong một xã hội dữ dội và đầy nhiệt huyết và phim Hàn phản ánh chân thật xã hội đó".
Đồng quan điểm này, đạo diễn Lương Đình Dũng nhận định: "Điện ảnh Việt Nam hiện tại đang bị lúng túng và thiếu bản sắc rõ rệt. Diễn viên thì diễn bị "lai căng" pha Hàn một chút, sân khấu một chút, của phim Mỹ một chút và khi phim đó có doanh thu tốt, thì nghiễm nhiên diễn viên sẽ được tung hô, thậm chí nhận giải thưởng cao. Những bộ phim diễn viên diễn đúng ngôn ngữ diễn xuất của điện ảnh thì thành diễn đơ. Đó là một trong những nguyên nhân có thể phá nát bản sắc của điện ảnh và điện ảnh Việt Nam không thể đi xa được khỏi biên giới. Ngoài ra chi phí sản xuất phim Việt Nam quá cao so với thị trường chung, ví dụ như Philippine, Đài Loan (Trung Quốc) phim sản xuất trung bình 500 đến 600 ngàn USD tương đương 12, 13 tỷ đồng nhưng phim của họ chất lượng tốt, vẫn đi các LHP lớn và thị trường lớn. Trong khi phim chúng ta giá ngày càng cao nhưng chất lượng phim thì không tiến triển là mấy".
Cũng theo đạo diễn Lương Đình Dũng, đại diện điện ảnh Việt phải được nhìn nhận phong phú. "Điện ảnh Việt Nam không phải là những phim hài, không phải là những bộ phim suốt ngày lôi mấy cái chuyện hành hạ phụ nữ hay giới tính ra để mang đi quốc tế. Nó chỉ là một góc nhỏ của điện ảnh của một quốc gia mà thôi. Nó cần sự phong phú như đời sống thì tôi nghĩ sự đa dạng này mới đủ sức khám phá văn hóa đời sống của Việt Nam. Còn rất nhiều những lý do khiến điện ảnh Việt Nam chưa thể tiến nhanh được. Tuy nhiên tôi mong năm 2023 có những bước đột phá từ những nhà làm phim tài năng"- Đạo diễn Cha cõng con mong mỏi.
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, điện ảnh Việt Nam cần phải xây dựng cho mình một "thương hiệu" riêng và thương hiệu ấy trước hết phải gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc. Điện ảnh, giống như các loại hình nghệ thuật khác, là tấm gương phản ánh cuộc sống. Một tác phẩm điện ảnh chỉ có sức sống lâu bền khi chứa đựng trong nó giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn sâu sắc. Một nền điện ảnh dân tộc chỉ có chỗ đứng trong nền điện ảnh thế giới khi nó không chỉ chứa đựng tính quốc tế vốn có của điện ảnh, mà còn phải chứa đựng những giá trị cốt lõi thuộc về bản sắc văn hóa để làm nên thương hiệu điện ảnh của quốc gia dân tộc./.