Lễ hội đua bò Bảy Núi (An Giang). Ảnh: Tuấn Anh.
Cùng với Lễ hội vía Bà, các lễ hội khác trong vùng như đua bò Bảy Núi hoặc các lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ như lễ hội Chol Chnam Thmây tổ chức trong tháng tư âm lịch cũng là những yếu tố góp phần thúc đẩy lượng khách du lịch, người hành hương về vùng Bảy Núi. Đây cũng là những sản phẩm du lịch trọng tâm mà ngành du lịch An Giang đã và đang hướng tới và tập trung đầu tư, quảng bá.
Ngoài loại hình du lịch văn hóa tâm linh, vùng Bảy Núi còn nổi tiếng với các điểm đến theo mùa mang tính trải nghiệm cao như: du lịch mùa nước nổi vào tháng chín, tháng mười hằng năm. Du khách sẽ được thưởng thức các món ăn làm từ cá linh (loại cá từ Biển Hồ theo dòng nước về An Giang mỗi năm một lần), đi hái bông điên điển, thăm rừng tràm Trà Sư rộng 850 ha quanh năm xanh mướt một mầu, hiện là điểm tham quan du lịch nổi tiếng nhất của miền Tây Nam Bộ. Đến đây, du khách sẽ được ngồi xuồng máy dạo chơi xuyên qua rừng tràm mùa nước nổi và đó là một trải nghiệm không bao giờ quên.
Nhìn vào những lợi thế của du lịch vùng Bảy Núi, nếu khai thác tốt, đây sẽ là thế mạnh để ngành du lịch tỉnh bứt phá. Hiện tại, trong 5 năm vừa qua, lượng khách du lịch đến An Giang đã tăng bình quân 8,4%/năm, doanh thu tăng 17%/năm. Tuy nhiên, việc tận dụng, khai thác những yếu tố văn hóa tâm linh và sinh thái vào phát triển du lịch còn rất mờ nhạt, chưa thật sự được quan tâm để quảng bá hay xúc tiến một cách đầy đủ, bài bản. Cũng vì vậy, Tháng du lịch An Giang lần đầu được tổ chức là dịp để ngành du lịch tỉnh giới thiệu một cách đầy đủ những sản phẩm du lịch đặc trưng, mời gọi đầu tư với mong muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và cùng với những chính sách cởi mở, du lịch An Giang sẽ "cất cánh" trong tương lai không xa.