
Trên đường đến di tích nhà tù Phú Quốc, tôi hỏi lái xe taxi, anh tên là Nguyễn Văn Vinh, khoảng 40 tuổi: Anh có biết ở Phú Quốc, nhưng điểm tham quan du lịch nào được nhiều khách đến không? Vinh nói vanh vách như một hướng dẫn viên: Nhà tù Phú Quốc là một điểm đến tham quan được rất nhiều khách đến. Đó là một trong 5 điểm đến thu hút nhiều khách du lịch ở Phú Quốc. Cháu đã dẫn nhiều đoàn khách du lịch nên cháu biết. Tôi nghe đã hào hứng. Thế nhưng khi tôi vào thăm bảo tàng, nhiều điều làm tôi băn khoăn.
Lúc ấy khoảng 2 giờ chiều, trời nắng nóng. Một số khách tham quan ra, ngồi nghỉ dưới bóng râm cây xanh. Tôi đăng ký tham quan. Cô phụ trách ở lễ tân nói đủ 10 người mới giới thiệu và không thu tiền. Vì sắp đến giờ hẹn làm việc với Công ty Ngọc trai Ngọc Hiền, tôi tha thiết đề nghị cho được vào tham quan và trả tiền thêm. Dứt khoát không. Chẳng nhẽ một việc nhỏ này lại điện cho Phòng Văn hóa huyện đảo Phú Quốc. Tôi đưa thẻ nhà văn và danh thiếp nhà báo ra, xin được vào. Một nhân viên nói, gom đủ 10 người thì vào nhà văn nhà báo cũng thế. Tôi phải ra cổng tìm cho đủ 10 người.
Thực ra thì khách vẫn vào tham quan nhiều người không cần thuyết minh. Nhưng là nhà văn có thuyết minh viết bài mới sinh động và phong phú được. Tại phòng đón khách, ba bốn nhân viên vẫn ngồi tán gẫu mà giới thiệu cho khách thì dứt khoát không. Một cô đã luống tuổi phàn nàn với tôi: Các cháu không thể làm khác được quy định là trên 10 người mới giới thiệu với khách. Mà gia đình tôi thì không đủ 10 người. Tôi bảo: “Thôi thì chị giới thiệu hộ sẽ trả tiền thù lao riêng”. “Không ạ, bọn cháu không được phép thu tiền mà tiền lương của bọn cháu rất thấp”. Có nghĩa là lương thấp thì không làm quá nhiều!?
Thực ra thì có nhiều cách để thu hút khách đến tham quan. Và không cần đủ 10 người nếu có khách muốn thuyết minh. Vấn đề tham quan các bảo tàng giáo dục truyền thống là vấn đề cần đặc biệt lưu ý để thu hút khách.

Tôi đã đến một bảo tàng ở TP.HCM. Hôm đó vắng khách. Tôi thổ lộ ý muốn thuyết minh, một cháu nam còn rất trẻ, tuổi độ 30 đã vui vẻ thuyết minh cho tôi nghe. Và cháu nói khách tham quan chủ yếu các cựu chiến binh, các cháu học sinh vào dịp nghỉ lễ và chương trình giáo dục truyền thống.
Tôi đã đến địa danh 18 thôn vườn trầu cũng ở TP.HCM. Khốn khổ cho tôi là nhiều người không biết địa danh này ở đâu, kể các các cháu thiếu niên trên xe bus. Di tích Ngã Ba Giồng, 18 thôn Vườn Trầu! Nổi tiếng thế, cách trung tâm TP.HCM chưa đầy 30km mà sao nhiều người không biết? Các bạn trẻ bây giờ chỉ thích đi Khu du lịch Đầm Sen, Khu du lịch Suối tiên, Khu du lịch Đại Nam…, ít người đến Ngã Ba Giồng?
Mà không chỉ có Ngã Ba Giồng, ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, ở nhà tù Côn Đảo, vẫn chỉ thấy đa số là những mái đầu bạc và… khách nước ngoài. Tháp tùng bố đi Côn Đảo về, con gái tôi bảo: “Từ lần sau con không muốn xem tiếp những cảnh tra tấn rợn người, máu chảy đầu rơi thế này đâu, sợ lắm”. Lần ấy, tôi có chút giận con gái về câu nói ấy, nhưng rồi tôi lại nghĩ: Phải làm sao để các chuyến du lịch về nguồn không trở nên khô cứng và đơn điệu? Làm sao thu hút khách du lịch trẻ đi tìm hiểu thực sự chứ không vì nghĩa vụ hay phong trào? Những câu hỏi cứ vấn vương trong đầu tôi suốt cả chuyến bay ra Hà Nội và vẫn còn ám ảnh đến tận bây giờ, khi tôi đang ở nhà tù Phú Quốc.
Tôi có một số đề nghị về di tích nhà tù Phú Quốc: Nên thu tiền, có thể thu rất ít để trang trải những chi phí cần thiết. Những đối tượng khách cựu chiến binh hay học sinh thì không thu tiền. Khách quốc tế hay những nhà hảo tâm có ý định đóng góp thì nên thu tiền chứ. Cần chọn những người nhiệt tình, có trách nhiệm để phục vụ khách tham quan, để tạo cảm hứng cho khách. Càng không để tạo ra một sự cụt hứng cho khách tham quan vì sẽ tạo ra một mối bất thiện cảm cho khách ở nơi thiêng liêng về truyền thống cách mạng như nhà tù Phú Quốc. Những bảo tàng hay di tích chiến tranh, khách quốc tế rất nhiều không thu tiền là không hợp lý.
Thiết nghĩ, chúng ta cần phối hợp với các tổ chức: nhà trường, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh để họ có trách nhiệm đến nghe và có đóng góp cho bảo tàng. Nhà tù, xưa nay là một địa ngục trần gian. Nhiều người không muốn đến nhà tù, nhất là các nhà tù có những cách tra tấn dã man. Nhưng không thể không nói đến những hình ảnh đó, để giáo dục tinh thần yêu nước và ý chí tự tôn dân tộc cho thanh thiếu niên. Tuy vậy cần có cách thiết kế tổ chức cho sinh động để không quá đơn điệu cho dù phải tôn trọng những chứng tích quá khứ và thể hiện trung thực với hình ảnh cũ.
Các truyền thông đa phương tiện có mặt tốt là bất cứ ở đâu, bất cứ thời gian nào cũng có thể truy cập , tìm hiểu được nhưng lại dễ làm người ta lười truy cập thông tin nếu không tạo cho giới trẻ một ý thức tìm hiểu truyền thống lịch sử của cha ông mình. Học lịch sử đã khó vào rồi. Cách làm, cách tuyên truyền không phong phú về lịch sử sẽ làm người ta nhàm chán.
Tôi đã đến dự những khóa tu ở các nhà chùa. Các Hòa thượng, Thượng tọa vv... nói rất hay, lô gic và rất gần với đời thường làm cho người nghe chăm chú. Những đoạn sinh động, phật tử vỗ tay nhiệt liệt. Tại sao ta không làm được trong khi những đề tài thuyết minh tại nhiều di tích rất phong phú và sinh động?