
Tình hình của rạn san hô Great Barrier đã và đang được nhiều tổ chức bảo tồn thế giới theo dõi chặt chẽ (Source: Internet)
Theo báo cáo mới của WWF, có tên gọi: Bảo vệ các giá trị di sản thiên nhiên: Vai trò của các tổ chức đầu tư trong bảo vệ di sản thế giới trước các hoạt động khai thác tài nguyên, tổ chức này cho biết một số lượng ngày càng tăng các di sản thiên nhiên, bao gồm Rặng san hô Great Barrier của Australia, đại vực Grand Canyon, Mỹ hay khu bảo tồn thú săn bắn Selous ở Tanzania có nguy cơ bị ảnh hưởng từ việc khai thác khoáng sản và nhiên liệu hóa thạch.
Gần 31% tất cả các di sản thiên nhiên đang bị đe dọa bởi hoạt động khai thác, cho dù là hoạt động khai thác dầu mỏ, khí đốt thương mại hay là giao dịch giữa công ty và các chính phủ sở tại.
Khi thu hẹp phạm vi nghiên cứu, số liệu cho thấy tình hình còn nghiêm trọng hơn. Như châu Phi, nơi có 61% di sản dễ bị tổn thương là đối tượng chịu ảnh hưởng từ các hoạt động khai thác.
Theo WWF, hoạt động khai thác có thể gây ra thiệt hại đáng kể và vĩnh viễn về môi trường, cả trực tiếp tới phong cảnh và nguồn nước cũng như gián tiếp, như chất xúc tác cho những thay đổi kinh tế- xã hội trên diện rộng- đặc biệt ở các nước đang phát triển.
“Chúng ta đang đi đến tận cùng của Trái Đất với lòng tham tìm kiếm được nhiều nguồn tài nguyên hơn nữa, trong đó khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt đang ngày càng đắt đỏ và khó khăn hơn để chiết xuất”, David Nussbaum, Giám đốc điều hành của WWF tại Anh, cho biết.
Một số các di sản bị nguy hại được đề cập trong báo cáo là rặng san hô lớn thứ nhì thế giới, Mesoamerican, trải dài khắp vùng biển Caribbean, tiếp giáp với bờ biển của Mexico, Belize, Guatemala, và Honduras. Các giếng dầu đang hoạt động tại Mexico trong khi hợp đồng khai thác được kí kết ở Mexico và Belize đang đe dọa sự đa dạng sinh học phong phú của rạn san hô, vốn có hệ sinh thái đặc biệt nhạy cảm. Theo WWF, những hoạt động khai thác này có khả năng gây ra "thiệt hại về môi trường trên diện rộng."
Hơn nữa, các di sản thiên nhiên thế giới thường là nhà của nhiều loại sinh vật quý hiếm như khỉ đột núi, voi châu Phi, báo tuyết, cá voi và rùa biển.
Báo cáo của WWF cho rằng các tổ chức tài chính có vai trò quan trọng trong việc ưu tiên bảo tồn hơn là lợi nhuận. ông Tim Badman, Giám đốc chương trình di sản thế giới IUCN "Một số di sản là quá quý giá để mạo hiểm".
WWF cũng khuyến khích các chính phủ trên toàn cầu để tạo ra các khu vực “cấm đi lại” bên trong phạm vi di sản thiên nhiên, chính sách này sẽ giúp "cân bằng phát triển kinh tế với mục tiêu môi trường."
Theo M.H (Di Sản Xanh)