Dị nhân miền Tây tay không bắt cá trên sông Vàm Nao: Ai nhìn thấy cũng giật mình kinh ngạc

12/04/2022 15:12

Theo dõi trên

Lặn ngụp dưới độ sâu gần 10 mét nước, tay không bắt cá... Đó là những điều khó tin mà anh Trần Văn Hiếu (SN 1982) đã làm được.

avatar1649386632883-164938663321718961517401-1649751017.jpg

Kì lạ chuyện bắt cá tay không

Tuổi thơ của anh Trần Văn Hiếu (SN 1982) là những buổi đi theo cha, theo anh bắt cá. Từ nhỏ, anh đã rành rẽ các loại cá dưới sông, đường đi lẫn đặc tính của chúng. 

19 tuổi, Hiếu lấy vợ và bắt đầu tự lập cuộc sống, chính anh cũng không ngờ mình lại có khả năng lặn sâu từ 8-10 mét nước. Đoạn sông Vàm Nao có hai bờ là tỉnh An Giang và Đồng Tháp là nơi anh Hiếu mưu sinh mỗi ngày. Nhắc đến "dị nhân tay không bắt cá", người dân trong vùng không ai là không biết.

Chỉ với ống thở nhỏ dài khoảng 30 mét, chiếc rổ buộc ngang bụng, Hiếu có thể lặn ngụp dưới nước và tay không mang về rổ đầy cá chốt giấy, hàng trăm kg ốc gạo, tôm càng xanh... 

Anh chia sẻ: "Ở dưới nước, tôi hoàn toàn không thấy gì, tất cả đều nhờ vào cảm nhận và kinh nghiệm đánh bắt trước đó. Ví dụ như tôm, nó có tập tính hay búng lui, cá chốt có gai, cá ngát có ngạnh, ở dưới nước mình sẽ dễ chụp nó hơn và không bị cứa vào tay. Ngày xưa, khi người ta chưa đi xiệt thủy sản nhiều, có ngày tôi mò được cả trăm kg ốc gạo. Những đợt nước ròng trong tháng là dịp dễ bắt nhất".

untitled-1-1649751042.jpg

Tiếng đồn xa, có nhiều người dân từ vùng khác đến chỉ để xem Hiếu và những cuộc rượt đuổi ngoạn mục dưới đáy sông. Có nhóm bạn tới chơi, họ thuê một chiếc bè nhỏ đề ăn uống. Hiếu bèn nói họ chụm than để nướng đồ ăn, họ còn cười cá chưa có thì lấy gì mà nướng, bắt có kịp không. Chỉ 5 - 10 phút sau, anh đã ngoi lên với mớ cá lóc, tôm sông... trong sự kinh ngạc của người chứng kiến.

Thời điểm còn theo nghề, mỗi ngày Hiếu có thể kiếm được từ vài trăm nghìn đồng, tất cả đều lo cho phí sinh hoạt cho vợ và hai con. Nhiều năm trước, vì cuộc sống quá chật vật nên anh đã lên Đồng Nai làm công nhân, nhưng tai nạn lao động đã làm anh bị mất một ngón tay. 

Quay trở về với khúc sông, con tôm, con cá, Hiếu vẫn rành rẽ và nhanh nhẹn. "Ngón tay cụt lủn đó không hề cản trở việc tôi tay không bắt cá dưới sông", anh nói.

2777075934680651451098944020058058984996287n-16493804882721124946183-1649386641973-1649386642064511926114-1649751073.jpg
Hiếu phụ vợ nắn bánh bán

Bước ngoặt bỏ nghề

Mỗi lần thấy chồng dong xuồng, lấy theo dây thở, rổ cá... là vợ Hiếu lại phập phồng lo sợ. Dù biết rằng hơn 20 năm trong nghề, anh Hiếu thuộc nằm lòng thởi điểm nước lớn, nước ròng và vị trí của những ụ cá đầy ắp dưới lòng sông. 

"Người ta nói nghề của tôi là nghề bán mạng cho hà bá. Khi mái dầm khô thì đói, mái dầm ướt thì có ăn. Có mấy lúc lặn sâu quá, bình oxy đột ngột tắt tôi phải trồi lên ngay lập tức. Khi vừa lên bờ, máu mũi cứ ộc ra quá chừng, vợ tôi xót xa lắm. Bên cạnh đó, khúc sông Vàm Nao còn là nơi của nhiều ghe cào nghêu, xiệt điện cá. Nếu chẳng may trúng lưới điện của họ, tính mạng tôi chắc sẽ không còn bảo đảm. Vì thế, anh em trong vùng thấy xuồng tôi neo ở đâu là họ tránh ra xa. Sinh nghề tử nghiệp, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên tôi phải theo nghề", Hiếu kể.

img6509-1649381266391620705097-1649386643873-1649386643965518374450-1649751106.jpg
Anh Hiếu bên ngôi nhà hiện tại

Vài năm trước, có một mạnh thường quân đã xem đoạn đoạn video anh Hiếu mạo hiểm bắt cá dưới lòng sông. Thấy xót xa, họ bèn liên hệ anh để hỗ trợ chi phí sửa nhà nhưng đổi lại, họ muốn Hiếu phải bỏ nghề. 

"Họ nói rằng cái nghề của tôi nguy hiểm quá, tôi còn vợ con ở nhà. Phần nữa, họ không muốn tôi tiếp tục sát sanh. Tôi thấy thế cũng đúng nên quyết định nghỉ làm để sửa nhà, rồi xin vào một chỗ khác để làm thợ hàn", anh cho biết.

Giờ đây, "kình ngư" Trần Văn Hiếu không còn lặn ngụp dưới những khúc sông nữa. Vợ anh có thêm nghề nặn bánh bột lọc để bán. "Trái tim tôi không còn thấp thỏm, âu lo nữa", vợ Hiếu cười nói./.

Theo Tổ quốc
Bạn đang đọc bài viết "Dị nhân miền Tây tay không bắt cá trên sông Vàm Nao: Ai nhìn thấy cũng giật mình kinh ngạc" tại chuyên mục Đất & Người. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.