“Đệ nhất” thụt lịch xứ Cà Mau

19/06/2019 16:59

Theo dõi trên

Đó là “đẳng cấp” mà những người quen biết phong cho anh Đặng Vũ Hùng, ấp Cây Trâm, xã Định Bình, TP. Cà Mau.

Anh Hùng giải thích, thật ra quê anh ở ấp Hoà Nam, xã Hoà Thành, TP. Cà Mau. Mấy năm nay vợ chồng anh đến sống ở ấp Cây Trâm, xã Định Bình (chỗ con gái anh mướn trọ) để giữ cháu ngoại cho con gái đi làm cho công ty hải sản. Anh nói, cái nghề thụt lịch của anh ở đâu làm cũng được, miễn là có vuông tôm. Mỗi ngày, đều đều anh “hành nghề” từ khoảng 7 giờ sáng đến khoảng 9-10 giờ là có 5-7 kg lịch, mang về nguồn thu vài trăm ngàn đồng.
 


Thành quả sau gần 2 giờ thụt lịch của anh Hùng.

Người làm nghề thụt lịch xứ Cà Mau hồi giờ lấy công sức và kinh nghiệm kiếm tiền chứ không bỏ vốn. Lịch thường sống trong các vuông tôm, mà lịch rất thích ăn tôm, cua nên vuông nào có lịch là tôm cua thả bị thất thoát nhiều. Vì vậy, chủ vuông cho người thụt lịch vào thụt mà không lấy tiền. Khi thụt có lịch, người thụt đưa lại chủ nhà một ít để ăn, còn lại mang về bán. Vậy là vừa có lợi cho chủ vuông, vừa được cho người thụt lịch.

Hôm tôi đến, mới hơn 8 giờ sáng, anh Hùng đã có trong cal khoảng 5 kg lịch. Nhìn cái vuông nước mênh mông, Trưởng ấp Xóm Lung, xã Định Bình Lê Văn Miên (người cho anh Hùng vào vuông thụt lịch) nói, nếu là anh, chắc lặn ngụp mò cả ngày được chừng... 2 con lịch. Vậy mà anh Hùng lại “phù phép” giỏi như vậy. Anh Hùng thì cho rằng, kết quả này là bình thường, có những vuông nhiều lịch, chỉ cần vài tiếng, anh thu hoạch 9-10kg, có khi hơn 10 kg lịch. “Hôm trước tôi xin vào thụt lịch vuông của một bác ở Đầm Dơi. Bác đó nói, hồi giờ chưa cho ai vào thụt. Bữa đó tôi thụt từ hơn 7 giờ sáng đến 10 giờ, bỏ lên cân được 21 kg, lịch to 2-3 con/kg. Ông già ngạc nhiên nói bái phục tôi luôn. Xứ này chưa thấy ai thụt nhanh mà nhiều như vậy”, anh Hùng kể.

Chưa có cuộc thi tay nghề nào để công nhận đẳng cấp, nhưng những người quen biết đều khẳng định, xứ Cà Mau không ai thụt lịch giỏi hơn anh Hùng. Anh Lê Văn Hết (chủ nhà trọ Minh Hoàng, ở đối diện chỗ anh Hùng đang tạm trú) thì quả quyết: “Tay nghề thụt lịch của anh Hùng có thể nói là số 1 ĐBSCL luôn. Cái vuông người khác thụt rồi được 3-4 kg, anh Hùng thụt lại là có thêm cả chục ký”.

Mọi người kể, mỗi ngày anh Hùng đem lịch lên vựa trên chợ Tắc Vân cân, mấy người cùng nghề được chừng 3-4 kg là cao, còn anh đều đều 5-7 kg, có hôm cả chục, mười mấy ký. Đồng nghiệp cùng nghề cứ nhìn anh xuýt xoa ngưỡng mộ.

Chỉ cần 1 cal nhựa cột cọng dây ngang hông và đôi bàn tay điêu luyện là đủ để anh Hùng hành nghề. Quan sát anh “mò mẫm” dưới vuông chưa đầy 15 phút đã bắt được tới mấy con lịch, tôi không khỏi ngạc nhiên và thán phục. Hỏi anh bí quyết, anh chia sẻ: “Cũng chỉ là kinh nghiệm”. Lịch thường làm hang khoảng 1 m, có 3 ngách. Theo kinh nghiệm của anh, chỉ cần thọc vào ngách thứ nhất đến ngã rẽ, nếu là vuông tát hết nước thì nhìn nước ở ngách nào giựt xuống một xíu là lịch nằm ngách đó (có lẽ lịch nghe động trở mình), chỉ việc chặn đầu ngách là bắt. Nếu là vuông ngập nước thì cảm nhận bằng ngón tay, nghe nước trong ngách đó hơi động đậy một xíu. “Nếu không kinh nghiệm thì phải mò đến 2 ngách còn lại, vừa mất thời gian và đôi khi lịch lại chui trốn mất không định hướng được”, anh Hùng chia sẻ.

Vuông tát cạn nước hay vuông đầy nước đều không cản trở anh hành nghề. Nếu vuông cạn nước, nhìn thấy hang thì thụt nhanh hơn. Vuông sâu thì phải quờ tìm, mò mẫm tốn nhiều thời gian. Cũng theo anh Hùng, thường vuông nào có nhiều sình thì có rất nhiều lịch vì bãi sình là nơi rất “êm” để lịch trú ngụ.

Làm sao để phân biệt hang lịch? Thắc mắc của tôi được anh Hùng giải thích: “Thường miệng hang lịch hơi xéo như đầu con lịch. Trên cạn thì dễ nhìn, còn dưới nước thì phải vận dụng kinh nghiệm”. Có lẽ đây cũng là chỗ “đẳng cấp”, nên anh bảo, thấy anh mò, nhiều bạn bè, người quen ham cũng theo anh học, nhưng không ai theo nghề được.

 


Chỉ cần mang theo cái cal nhựa cột ngang hông để đựng lịch, cộng với đôi bàn tay điêu luyện, mỗi ngày sau vài giờ “hành nghề” anh Hùng thu hoạch 5-7 kg lịch là chuyện thường.

Làm nghề gì muốn thành công cũng phải có sự kiên trì, đam mê và kinh nghiệm. Anh Hùng biết thụt lịch từ năm 13-14 tuổi. “Hồi đó thấy mấy người vùng Bạc Liêu xuống thụt lịch theo sông vào mùa nước mặn, mình thích nên theo học”, anh kể.

Khi trưởng thành, vốn có năng khiếu văn nghệ, anh thi tuyển vào Đoàn Cải lương Hương Tràm. Theo hát mấy năm, sau bão số 5, vợ sinh con thứ hai, hoàn cảnh gia đình khó khăn anh về nghỉ. Thấy anh có năng lực, địa phương mời tham gia công tác ấp, rồi rút lên làm công an xã. “Thời đó gia đình khó khăn, lúc làm ở ấp thì còn tranh thủ thời gian thụt lịch cải thiện kinh tế gia đình. Lên xã không còn thời gian”, anh phân trần. Công tác hơn chục năm, anh xin nghỉ và chuyên tâm vào nghề thụt lịch lo cho cuộc sống gia đình. Cha mẹ nghèo lúc ra riêng không có đất, lây lất bằng nghề anh nuôi 3 người con khôn lớn và mua được 5 công đất. Hiện vì hoàn cảnh, anh cho mướn vuông.

Các con anh cũng đã trưởng thành, ra đời có nghề nghiệp. Cuộc sống anh cũng có thể coi ổn định. Anh khoe, năm trước dành dụm được hơn trăm triệu lo cưới vợ cho con trai.

Ngoài thụt lịch vì cơm áo và đam mê, anh vẫn còn niềm đam mê ca hát. Anh từng đoạt nhiều giải thưởng nhất, nhì tại các cuộc thi văn nghệ cấp tỉnh, huyện. Thỉnh thoảng các ngành cũng hay mời anh tham gia góp tiết mục văn nghệ vào những dịp quan trọng. Trước đây còn ở địa phương, anh phụ trách câu lạc bộ đờn ca tài tử của xã. Giờ, để thoả niềm đam mê ca hát, những khi đám cưới, đám tang các nhóm phục vụ mời, anh đều nhận lời tham gia. Mọi người còn cho biết, thỉnh thoảng anh cũng nhận  tham gia làm chủ lễ đám cưới.

Thì ra, người đàn ông tuổi đời 49 này không chỉ riêng có tài thụt lịch...!

 
Huyền Anh
Theo Cà Mau

Bạn đang đọc bài viết "“Đệ nhất” thụt lịch xứ Cà Mau " tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.