Day dứt nhà hát không… nhà

29/03/2017 11:01

Theo dõi trên

Trong buổi làm việc với Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng khẳng định: “TP sẽ sớm đầu tư xây dựng một nhà hát mang tầm cỡ quốc gia, một nhà hát được xây mới hoàn toàn”.

Đây là niềm vui, niềm mong mỏi cấp thiết của hầu hết các đơn vị nhà hát nghệ thuật - những “nhà hát không… nhà”, nhiều năm qua luôn phải chia năm xẻ bảy lực lượng làm việc ở các địa điểm khác nhau, gồng mình chi hàng trăm triệu đồng mỗi năm để thuê mướn điểm diễn.



Nhà hát Bến Thành - một trong những nhà hát có thể tạm đáp ứng yêu cầu tổ chức biểu diễn tại TPHCM. Ảnh: Dũng Phương

Hàng loạt nhà hát không… nhà

Tính đến thời điểm này, thực trạng cơ sở hạ tầng của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật - các nhà hát, rạp hát - vẫn là điểm khuyết vô cùng lớn trong mặt bằng phát triển chung của TP. Đến nay, tại TPHCM, hầu hết các đơn vị nghệ thuật công lập đều không có được một “ngôi nhà” đúng nghĩa, đẹp, khang trang, có đầy đủ những điều kiện thiết chế văn hóa cơ bản.

Từ Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) đến Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Nhà hát Nghệ thuật hát bội, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang… tất cả đều được sắp xếp nơi làm việc, tập luyện, rèn nghề, tổ chức biểu diễn mang tính tạm bợ. HBSO thuê phòng tập múa ở số 81 đường Trần Quốc Thảo; dàn nhạc tập luyện ở rạp Thanh Vân, nơi đây cũng là kho của nhà hát; phòng làm việc được đặt dưới tầng hầm Nhà hát Thành phố. Đêm nào muốn tổ chức trình diễn thì phải lo trước việc đặt ngày thuê sân khấu Nhà hát Thành phố, nếu không, “sân khấu đắc địa” này kẹt lịch các chương trình khác thì không thể tổ chức dàn dựng, trình diễn như kế hoạch. Trung bình mỗi năm, HBSO phải chi gần 900 triệu đồng cho việc thuê mướn điểm diễn và điểm tập luyện.

Văn phòng của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - rạp hát Kim Châu tuy nằm ở khu trung tâm quận 1 nhưng chỉ có thể sử dụng làm nơi tập luyện, chạy chương trình, là kho chứa đạo cụ, vì đã quá xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu tổ chức biểu diễn. Nhà hát Nghệ thuật hát bội sau hơn chục năm sống và làm việc lây lất ở rạp Long Phụng, bôn ba lưu diễn bằng sân khấu lưu động, thì nay vừa được chuyển về rạp Thủ Đô - một rạp hát có tuổi đời hơn 70 năm, xuống cấp không thua gì rạp Long Phụng. Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam hiện tổ chức hoạt động cho khối văn phòng tại rạp Nhân Dân, quận 5; múa rối nước diễn tại địa điểm thuê bên trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử, quận 1; các nghệ sĩ xiếc làm việc ở rạp bạt Công viên Gia Định - quận Gò Vấp, nhưng hiện nay đang chuẩn bị di dời cả rạp bạt đến điểm mới là sân vận động Phú Thọ - quận 11, vì khu vực Công viên Gia Định thi công xây dựng cầu vượt.

Cách nay gần 2 năm, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang hồ hởi nhận “nhà” mới - rạp Hưng Đạo, một công trình văn hóa được xây mới hoàn toàn với kinh phí hơn 132 tỷ đồng, nhưng sau hai lần lên kế hoạch khánh thành, dự tính ra mắt rạp mới và công diễn các vở diễn phục vụ công chúng thì đến nay, rạp vẫn đóng cửa im ỉm. Nội thất bên trong còn ngổn ngang với những thiết kế không phù hợp công tác tổ chức biểu diễn, không có phòng hóa trang, sân khấu thể nghiệm được xây như sàn diễn thời trang, ghế ngồi vừa nhỏ vừa dốc, sân khấu chính quá nhỏ hẹp, gần 300 ghế trên lầu không thể sử dụng… Công trình này hiện vẫn ngậm ngùi đóng cửa, chỉ có mỗi hoạt động của khối văn phòng.

Lập lòe ánh đèn sân khấu

Nhiều năm qua, người làm nghề, làm nghệ thuật tại TPHCM cứ đau đáu mãi việc anh em nghệ sĩ cứ nỗ lực làm nghề, tích cực xây dựng các chương trình biểu diễn, tất bật hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch năm, nỗ lực nâng chất công tác tổ chức biểu diễn, kêu gọi sự hợp tác của những tài năng nghệ thuật trong và ngoài nước, đầu tư và tìm kiếm thế hệ tiếp nối… Nhưng kết cuộc, tất cả các hoạt động tất bật ấy đều phải dừng lại ở một lằn ranh, một giới hạn, đó chính là sự eo hẹp về kinh tế, vì nhà hát không có “nhà”, không có sân khấu - điểm diễn ổn định, do đó không thể nâng cao chất lượng đầu tư. Nhất là sự đầu tư vào những hạng mục vô cùng cần thiết như âm thanh, ánh sáng, không gian sân khấu, cảnh trí, đạo cụ, phục trang, khó xây dựng những chương trình văn hóa nghệ thuật tầm cỡ...




Toàn bộ số ghế trên lầu rạp Hưng Đạo không thể sử dụng vì hành lang an toàn được thiết kế che tầm mắt khán giả. Ảnh: Thúy Bình

Nhìn vào thị trường hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật hiện nay sẽ thấy, ngoại trừ mỗi tháng HBSO thực hiện được 3 chương trình biểu diễn định kỳ tại Nhà hát Thành phố cùng với thương hiệu Liên hoan Giai điệu mùa thu (tổ chức 2 năm/lần), còn lại: các nghệ sĩ xiếc phải gồng mình diễn trong điều kiện rạp bạt đã xuống cấp; múa rối nước ráng duy trì các hợp đồng diễn với các công ty du lịch tư nhân; nghệ sĩ hát bội bôn ba, vất vả với các chuyến diễn lưu động ở các đình, miếu, khu dân cư, trong vài ba lễ hội. Các nghệ sĩ của 3 đoàn cải lương trực thuộc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang diễn cầm hơi theo lịch phân bổ hoạt động của Sở VH-TT… Hầu hết các nhà hát không thể tổ chức biểu diễn, không thể mạnh tay đầu tư thực hiện những chương trình nghệ thuật quy mô, đạt được chiều sâu và độ lan tỏa rộng khắp. Đội ngũ những người làm nghề cứ lớn tuổi dần theo năm tháng, nhưng lớp kế thừa - những tài năng trẻ chịu tham gia, góp sức cùng các nhà hát - ngày càng hiếm hoi, thưa vắng, nhất là ở lĩnh vực nghệ thuật truyền thống.

Tại TPHCM, lĩnh vực văn hóa gần như giậm chân tại chỗ vì thiếu hụt trầm trọng những thiết chế văn hóa cần thiết giúp lĩnh vực này phát triển. Từ sự có mặt của hàng chục rạp hát, sân khấu, sàn diễn nằm rải đều ở các quận nội thành, đến nay, thành phố chỉ còn lại vài sân khấu còn sử dụng được, có thể tạm đáp ứng yêu cầu tổ chức biểu diễn, phục vụ công chúng như: Nhà hát Thành phố, Nhà hát Bến Thành, Nhà hát Hòa Bình. Các rạp hát còn tồn tại khác thì hầu hết đã xuống cấp, một số rạp bị chuyển đổi công năng, nhiều rạp đã mất dấu tích.

Với những thiết chế văn hóa cơ bản quá yếu như thế, làm sao có thể thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật?

Không có nơi tập luyện tốt, không có sân khấu cho riêng mình, các nhà hát cứ phải gồng mình đảm đương công việc duy trì hoạt động, tổ chức, biểu diễn những loại hình nghệ thuật đặc trưng, đặc thù, trong muôn vàn khó khăn bủa vây. Thực tế cho thấy, hoạt động trình diễn nghệ thuật hàng tháng của các nhà hát cứ lập lòe như ánh đèn đom đóm, khi có khi không. Trong điều kiện hoạt động nhiều bất cập như thế, các lĩnh vực nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống dân tộc càng khó thu hút nhân tài, không thể thúc đẩy sự phát triển của các tài năng trẻ, phát huy những tinh hoa, giá trị nghệ thuật mang đậm bản sắc Việt trong xu hướng đất nước phát triển và hội nhập cùng thế giới.


Thúy Bình

Nguồn: SGGPO
Bạn đang đọc bài viết "Day dứt nhà hát không… nhà" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.