Dấu ấn kịch Trương Minh Phương

23/12/2016 10:45

Theo dõi trên

Gắn bó với phong trào hoạt động văn hóa văn nghệ cách mạng của vùng đất Bình - Trị - Thiên trong nhiều thập kỷ, Trương Minh Phương được biết đến không chỉ là một cán bộ nhiệt tình, năng nổ, mà ông còn chứng tỏ là một nghệ sĩ đa tài. Ông không chỉ là một nhạc sĩ sớm thành danh, mà còn là một cây bút viết kịch tài hoa, giàu tâm huyết.



Thay mặt Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nhà thơ, nhà viết kịch Thế Lữ trao giải thưởng chính thức cho tác phẩm "Mưa rừng" của tác giả Minh Phương

Trong sự nghiệp sáng tác văn học nghệ thuật, ngoài trên một trăm tác phẩm âm nhạc, Trương Minh Phương đã có một khối lượng tác phẩm sân khấu khá đồ sộ. Đó là những kịch bản thuộc nhiều hình thức, thể loại khác nhau như tấu, tiểu phẩm, hoạt cảnh, ca cảnh, kịch dân ca, kịch bản thông tin, kịch ngắn, kịch vui, kịch vừa, kịch dài…
 
Ở bất cứ thể loại nào, Trương Minh Phương cũng viết với thái độ nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, tuân thủ đúng những đặc trưng nghệ thuật của tác phẩm để tác phẩm có thể dễ dàng đến với công chúng. Với Trương Minh Phương, công việc sáng tác không chỉ bắt nguồn từ cảm hứng hay niềm say mê sáng tạo, mà có lẽ chủ yếu xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của các nhiệm vụ chính trị của địa phương, của đất nước mà ông có bổn phận, trách nhiệm phải thực hiện, phải hoàn thành. Bởi vậy bắt buộc ông phải cầm bút viết, viết nhanh, viết nhiều. Nhưng ông không viết ẩu. Dù là thể loại nào ông cũng viết cẩn trọng, viết đúng, cố gắng để tác phẩm đạt chất lượng cao nhất có thể, sao cho tác phẩm vừa đạt được những tiêu chí của một kịch bản kịch nghệ thuật vừa có được những yếu tố nội dung, kiến thức và thông tin tuyên truyền.
 
Có lẽ Trương Minh Phương đã sớm ngộ ra một điều thú vị trong công việc viết kịch của mình là khi một kịch bản kết hợp được cả những yếu tố của kịch thông tin và kịch nghệ thuật thì kịch bản đó càng có khả năng sân khấu hóa cao, tác phẩm càng dễ phổ biến, càng dễ đi vào đời sống xã hội, đi vào lòng người. Do đó nhiều kịch bản tiểu phẩm, kịch ngắn, kịch vui của ông đã đạt được chất lượng khá tốt có khả năng sân khấu hóa khá cao như các tác phẩm: “Gió rừng”, “Gió thoảng hương bay”, “Cảnh sát giao thông mặc thường phục”, “Nắng chiều lặng lẽ”, “Arát đánh vợ”, “Ánh mắt rừng xanh”, “Vạ không nhờ”, “Chiều thu êm ả”, “Bạn thân nhất”, “Lửa rừng”, “Hoa lung linh”, “Đối diện”, “Lạc nước hai xe đành bỏ phí”, “Nghĩa tình”, “Bác sĩ”, “Không đi”…
 
Dẫu chỉ là tiểu phẩm, kịch ngắn, kịch vui, hay kịch thông tin, Trương Minh Phương luôn rất coi trọng, bảo đảm chất lượng nghệ thuật của tác phẩm. Các tác phẩm luôn có một cốt truyện gọn gang, hấp dẫn, một bố cục hợp lý, các nhân vật ít nhiều có thân phận, cá tính, ngôn ngữ có tính hành động, văn học kịch sạch sẽ, giàu chất thơ, giúp cho kịch bản có khả năng sân khấu hóa cao.
 
Mặc dù dành nhiều thời gian và tâm huyết cho công việc viết kịch truyền thông, Trương Minh Phương vẫn có khát vọng đi vào các đề tài lớn bằng những kịch bản kịch vừa và kịch dài. Ở mảng đề tài này, ông tập trung đề cao, ca ngợi những tấm gương chiến đấu hy sinh của các chiến sĩ, anh hùng cách mạng, tái hiện những chiến công vĩ đại của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với sự đóng góp công sức, máu xương của bao thế hệ chiến sĩ, đồng bào Bình - Trị - Thiên nói riêng và cả nước nói chung, đặc biệt là sự đóng góp của bà con các dân tộc ít người  như các KB “Bão tố Trường Sơn, “Dấu ấn Trường Sơn”, “Đêm cha-chấp”, “Ngọn đèn trước gió”, “Sen nữ giữa Sài Gòn”, “Kể chuyện Điện Biên”…
 
Đồng thời kịch Trương Minh Phương cũng tập trung ca ngợi những tấm gương người tốt, việc tốt, ca ngợi những con người trẻ tuổi biết phát huy truyền thống anh hùng của cha anh, không sợ gian khổ, khó khăn, quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp, biết vượt qua tiêu cực cá nhân, sống và làm việc vì tập thể (KB Mưa rừng). Đó là những cán bộ kiểm lâm tích cực gương mẫu, không chỉ yêu rừng mà còn hiểu rừng, giúp người khác cũng hiểu rừng và biết khai thác rừng hợp lý, dám chịu trách nhiệm về công việc mình làm (KB Gió rừng, Huyền thoại về rừng). Đó là những chiến sĩ biên phòng được dân yêu thương hỗ trợ giữ gìn biên cương của Tổ quốc (KB: Biên cương xanh)…
 
Gần như hầu hết các tác phẩm sân khấu của Trương Minh Phương đều đi vào phản ánh hiện thực hôm nay. Đó  là một hiện thực tốt đẹp, tươi sáng, một xã hội ổn định, cái tốt chiếm ưu thế, cái ác, cái xấu đang và sẽ bị đẩy lùi. Kịch Trương Minh Phương không có những mâu thuẫn gay gắt, khôngc ó những xung đột bạo liệt, không có loại nhân vật độc ác đến mất hết nhân tính, không có những tình huống éo le, căng thẳng, gay cấn đến ngột thở. Ta thường thấy trong kịch Trương Minh Phương những chuyện va chạm giữa người tốt với người chưa tốt, giữa người hiểu biết với người chưa hiểu biết, giữa người lạc hậu và người tiên tiến… Nhiều chuyện kịch xảy ra bắt nguồn từ sự hiểu lầm.
 
Vậy mà đọc kịch Trương Minh Phương ta vẫn thấy đồng cảm và dễ tiếp nhận. Tại sao? Câu trả lời thật đơn giản: Tác giả đã thuyết phục và lôi cuốn chúng ta bằng vẻ đẹp của chất nhạc, chất thơ, chất lãng mạn trong kịch của mình.
 
Trương Minh Phương có biệt tài sử dụng các bản nhạc và ca khúc của mình hoặc vay mượn tác phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng khác như một phần không thể thiếu để làm thành một tác phẩm sân khấu. Âm nhạc, ca khúc được ông vận dụng phù hợp và xử lý chính xác ở hầu hết các kịch bản thuộc nhiều thể loại, khôngc chỉ hỗ trợ cho nghệ thuật diễn xuất của diễn viên mà còn góp phần làm nên sự hấp dẫn, lôi cuốn của tác phẩm sân khấu đối với khán giả. Là một nhạc sĩ cầm bút viết kịch, có lẽ Trương Minh Phương muốn “một công đôi việc”, tranh thủ lấy sân khấu để giới thiệu và phổ biến các tác phẩm âm nhạc của mình cũng như của đồng nghiệp. Khi viết các tác phẩm tấu, tiểu phẩm hoạt cảnh, ca cảnh, kịch dân ca… Trương Minh Phương đã vận dụng và xử lý khá thuần thục và hiệu quả vốn thơ ca hò vè, đặc biệt là các làn điệu dân ca Bình - Trị - Thiên. Chính việc vận dụng và xử lý nghệ thuật âm nhạc và thi ca ở cả nội dung và hình thức của các tác phẩm sân khấu, tác giả Trương Minh Phương đã tạo nên nét đẹp, nét lạ, tạo nên bản sắc riêng cho tác phẩm, khiến tác phẩm của ông dễ dàng đến với công chúng.
 
Những năm tháng cuối dời, Trương Minh Phương cũng có những trăn trở trước những biến động của thời cuộc. Ông muốn dồn sức để viết thêm những tác phẩm để đời, có giá trị nghệ thuật cao và có tính giáo dục, tính nhân văn sâu sắc. Nhưng lục bất tòng tâm. Một số kịch bản dài của ông chỉ dừng lại ở dung lượng của một kịch bản kịch vừa. Ông còn tỏ ra lung túng trong việc xây dựng cốt truyện và bố cục kịch bản.
 
Công bằng mà nói thì với hơn nửa thế kỷ hoạt động văn học nghệ thuật, sự nghiệp sáng tác âm nhạc và sân khấu của Trương Minh Phương  không có cơ may chói sáng như một số cây bút viết kịch khác. Nhưng với sức bền bỉ và đức tính khiêm nhường cùng với khối lượng kịch bản sân khấu khá đồ sộ mang đậm dấu ấn thời một thời mà ông để lại, nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương cũng đã rất xứng đáng được tôn vinh và nể trọng.
 
Văn Sử

Bạn đang đọc bài viết "Dấu ấn kịch Trương Minh Phương" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.