Dấu ấn Địa điểm diễn ra trận đánh Sông Ba - Trường Lạc

31/05/2019 15:09

Theo dõi trên

UBND huyện Tây Hòa (Phú Yên) vừa tổ chức lễ đón nhận Bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh Địa điểm diễn ra trận đánh Sông Ba - Trường Lạc (thôn Sơn Trường, xã Sơn Thành Tây).



Lễ đón nhận Bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh Địa điểm diễn ra trận đánh Sông Ba - Trường Lạc. Ảnh: ptpphuyen.vn

Địa điểm diễn ra trận đánh Sông Ba - Trường Lạc là một sự kiện ghi đậm dấu ấn lịch sử của quân và dân Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp để bảo vệ đập Đồng Cam. Năm 1948, cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã lên một bước mới. Trong vùng địch tạm chiếm, phong trào chiến tranh du kích phát triển rộng khắp, từng bước đánh bại kế hoạch “chiêu an”, “bình định” của địch.

Tại vùng tự do Phú Yên, quân Pháp liên tiếp mở các cuộc hành quân đánh phá toàn diện. Ngày 25/8/1949, giặc Pháp đưa trên 500 quân chủ lực mở cuộc càn quét lớn xuống vùng Sông Ba - Trường Lạc. Âm mưu của chúng là phá đập nước Đồng Cam - một đập nước lớn tưới cho cả đồng lúa Tuy Hòa rộng hơn 39.000ha, vựa lúa của vùng tự do Liên khu 5.

 


Ảnh: Báo Phú Yên

Tiểu đoàn 365 (Liên khu 5) phối hợp với Tiểu đoàn Hoàng Hoa Thám (Trung đoàn 84), Đại đội 377 và 3 trung đội dân quân của huyện Tuy Hòa nhanh chóng về Đồng Cam chiến đấu bảo vệ đập. Khoảng 9 giờ sáng 26/8, đại đội đi đầu của Tiểu đoàn 365 lên đến Trường Lạc nhanh chóng triển khai đội hình phục kích chặn địch.

Theo kế hoạch, Tiểu đoàn 365 tiến công từ hướng đông lên, 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 84 từ phía tây xuống tấn công vào sườn địch, vừa tiến công vừa hình thành thế trận bao vây ép địch ra bờ sông Ba. Sau 2 giờ chiến đấu ác liệt, quân địch lâm vào thế yếu buộc phải tháo chạy, ta đã tiêu diệt hơn 100 tên địch, thu 6 thùng thuốc nổ, giải thoát hơn 100 người dân bị địch bắt, bảo vệ an toàn đập Đồng Cam.

Với những giá trị lịch sử hào hùng, Địa điểm diễn ra trận đánh Sông Ba - Trường Lạc được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Sự kiện này góp phần lưu giữ trang sử vẻ vang của quê hương, qua đó tuyên truyền giáo dục truyền thống đấu tranh bất khuất cho tự do, hòa bình của dân tộc đến lớp trẻ mai sau.

Được biết, ngoài địa điểm diễn ra trận đánh Sông Ba - Trường Lạc thuộc thôn Sơn Trường, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, dịp này còn có di tích lịch sử - văn hóa chùa Linh Sơn - Hòn Chồng thuộc khu phố Trường Xuân, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An; di tích lịch sử địa điểm diễn ra trận đánh Cây Đu - Đá Chẹt thuộc thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân.

 
PV (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Dấu ấn Địa điểm diễn ra trận đánh Sông Ba - Trường Lạc" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.