Dấu ấn An Giang trong hành trình kẻ sĩ Lê Đại Cương

15/07/2018 13:29

Theo dõi trên

Lê Đại Cương (Lê Đại Cang, SN 1771), tại Huế, con của ông Thiệu Long Lê Công Hậu, là một nhà nho nhưng không thích chốn quan trường. Lê thị gia phả do chính Lê Đại Cương viết: “Thủy tổ là Lê Công Triều, gốc Thừa tuyên Nghệ An, phủ Hà Hoa, huyện Kỳ Hoa, phường Hà Tân, làm quan nhà Lê có công.

Vừa lúc Thái tổ Hoàng đế dời vào Thuận Hóa khai cơ, ông đem gia quyến theo, đến phường Trung An, xã Lê Dương, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Ninh…”.(1)
 

Sinh ra trong thời kỳ đất nước nhiểu nhương, đúng vào năm bùng nổ cuộc khởi nghĩa của phong trào nông dân Tây Sơn. Ba năm sau, Hoàng Ngũ Phúc vâng lệnh chúa Trịnh Sâm đem quân vào Phú Xuân tiêu diệt chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Thuần phải bỏ Phú Xuân, vượt biển chạy vào Gia Định.Năm Bính Thân (1776), ông Lê Công Hậu phải dẫn gia quyến rời Huế đi lánh nạn ở đồn điền huyện Đăng Xương (Quảng Trị ngày nay), rồi gởi thân cửa Phật.Trong hoàn cảnh đó, Lê Đại Cương chỉ được học chút ít với cha. Năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc tiêu diệt Chúa Trịnh, đường sá thông thường, năm Đinh Mùi (1787), Lê Công Hậu mới đưa gia quyến về lại Huế, rồi từ Huế về quê ở thôn Phú Nhơn, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là làng Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Lúc đó, Lê Đại Cương đã 16 tuổi, mới được học với thầy Nguyễn Tử Nghiễm (Thị giảng triều Tây Sơn), sau học với danh sĩ Đặng Đức Siêu (sau làmThượngthư bộ Lễ triều Gia Long).“Trong 5, 6 năm, lúc ngủ lúc ăn đều ra sức luyện rèn. Phàm gặp được bạn đồng văn liền tới cầu học hỏi, chẳng ngại cười chê là lỗ mãng”.(1)

Đến năm 21 tuổi (1792), mẹ cha đều nhuốm bệnh rồi lần lượt qua đời, Lê Đại Cương phải dừng lại việc học và “tự mình mở lớp để dạy”(1) để mưu sinh. Lúc đó ông phải khổ học và tự học. Mười năm sau, khi Gia Long lên ngôi ở Phú Xuân năm 1802, Lê Đại Cương được NguyễnHuỳnh Đức và Nguyển Hoài Huỳnh tiến cử và được triều đình bổ nhiệm làm tri huyện Tuy Viễn, “làm quan được 8 năm, vẫn áo vải quần thô”.(1)
 
Từ đó đến tháng 11.1832, hết ra Bắc lại vào Nam, hành trình kẻ sĩ Lê Đại Cương chốn quan trường có bước thăng tiến, ở nhiều lĩnh vực. Năm 1810, thăng Thiêm sự bộ Binh, điều ra Bắc Thành, lo việc từ chương. Năm 1822, giữ chức Hiệp trấn Sơn Tây, rồi Cai bạ ở Quảng Nam, Cai bạ ở Vĩnh Thanh. Năm 1826, nhậm chức Hình bộ Thị lang, rồi thăng lên Tham tri. Tháng 9/1828, được vua Minh Mạng điều sang phụ trách đê chính ở Bắc thành kiêm lãnh Hình tào. Tháng 9/1931, được cử làm chủ khảo khoa thi hương trường thi Thăng Long. Tháng10, được quyền giữ ấn triện Tổng trấn Bắc thành và thăng làm thự Binh bộ Thượng thư, Đô sát viện Hữu đô ngự sử, Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên kiêm tuần phủ Sơn Tây, lúc này ông nổi tiếng là chính sự giỏi. Tháng 7/1832, kiêm lĩnh Tổng đốc Hà Nội Ninh Bình. Trong giai đoạn này, hành trình kẻ sĩ Lê Đại Cương không chỉ có thăng tiến, 4-5 lần ông bị tội “cách chức”, “hạ chức”, “cách lưu” rồi sau đó lại được phục chức, khen thưởng… Tháng 10/1832, ông bị dân tỉnh Sơn Tây đưa đơn kiện, Lê Đại Cương bị vua Minh Mạng triệu về kinh đợi chỉ. Vua giao cho Hộ đốc Hồ Hựu xem xét việc này, không có chứng cớ gì. Minh Mạng bèn triệu Lê Đại Cương đến gặp và nói rằng: “Ngươi làm việc nhanh nhẹn giỏi giang, đã hiểu biết rõ. Trước đây, có đơn tiểu dân kiện bậy, ta cũng tin rằng chắc ngươi không có việc ấy; Nhưng pháp luật là phép công, chẳng tư vị ai, nên sai Hồ Hựu xét ngay. Nay đã xét ra đơn ấy là vu khống, tâm tích của ngươi đã tỏ rõ. Đại thần vì nước, nên hết sức làm việc nên làm, chớ vì cớ điêu toa, ngang ngạnh của kẻ xấu, mà cho rằng đường làm quan, lắm chỗ gập ghềnh, rồi đem lòng chán ngán chùn lại, một mực dựa dẫm hùn theo thì chẳng hóa ra phụ ơn nhà nước lắm sao?”.(2) Vua Minh Mạng bèn sai bộ Hình truyền chỉ rửa oan rõ ràng cho Lê Đại Cương.
 
Sau khi rửa oan cho Lê Đại Cương, tháng 11/1832,Minh Mạng đã chọn và bổ nhiệm ông làm Tổng đốc An Hà đầu tiên kiêm lĩnh ấn bảo hộ Chân Lạp quốc. Đây là đợt cải cách hành chính lớn nhất trong sự nghiệp của vua Minh Mạng nói riêng, của triều đình nhà Nguyễn nói chung, bỏ các trấn ở Bắc thành và Gia Định thành đặt dưới quyền lực rất lớn của 2 vị Tổng trấn Bắc thành và Gia Định thành, lập các tỉnh trực thuộc chính quyền trung ương – đó là triều đình nhà Nguyễn. Đứng đầu 2 – 3 tỉnh, vua bổ nhiệm một viênTổng đốc, dưới quyền Tổng đốc là viên Tuần phủ (phụ trách một tỉnh). Tổng đốc là người thay mặt triều đình để nắm bắt, chỉ đạo mọi mặt ở các tỉnh đó, kể cả quân sự, ngoại giao. Đặc biệt, Tổng đốc An Hà có vị trí rất đặc biệt, đó là việc kiêm lĩnh ấn bảo hộ Chân Lạp quốc, trong đó có việc quan hệ ngoại giao với Xiêm.
 
Việc chọn Lê Đại Cương làm Tổng đốc An Hà kiêmlĩnh ấn bảo hộ Chân Lạp quốc chứng tỏ Minh Mạng tin cậy ông, một vị trọng thần đã 61 tuổi, một vị quan văn võ song toàn, trải nghiệm qua nhiều chức vụ quan trọng, nhiều công việc trọng đại khác nhau, ra bắc vào nam. Có thể nói, khi đi vào làm Tổng đốc An Hà kiêm lĩnh việc bảo hộ Chân Lạp, Lê Đại Cương đang đứng trước ngưỡng vinh quang cao nhất trong hành trình kẻ sĩ của mình.
 
Trước khi đi vào An Hà, Lê Đại Cương đến trước bệ bái biệt, Minh Mạng còn căn dặn:
 
“An Giang là tỉnh mới đặt, trong thì trấn thủ, vỗ về nước Phiên, ngoài thì khống chế nước Xiêm, sự thể rất quan trọng. Ngươi nay cai trị đất ấy, phàm những việc quân, dân, trọng đại cùng thành trì và kho tàng đều nên hết sức lo liệu để phu phỉ ý ta mong ngươi làm được thành công”.(2)
 
Tuy nhiên, con đường hoạn lộ, hành trình kẻ sĩ Lê Đại Cương bước vào giai đoạn thăng trầm nhất khi ông đặt chân đến An Giang.
 
Lúc đầu, Lê Đại Cương cùng Tuần phủ An Giang Ngô Bá Nhân làm được nhiều việc, từ việc bảo hộ, giúp đỡ vương triều Chân Lạp ổn định tình hình, giữ vững vương triều trước việc những tên phản thần Chân Lạp đầu hàng, cầu viện Xiêm đến việc đề xuất khởi công xây dựng tỉnh thành An Giang ở vị trí mới (phường Long Sơn, thị xã Tân Châu hiện nay) bảo đảm cho việc phòng thủ ở vùng đất phên giậu thay cho đồn Châu Đốc không còn phù hợp; việc khai đào thủy đạo từ Tiền Giang ở Tân Thành đến Hậu Giang ở Châu Đốc (dài hơn 3800 trượng)…; việc đề xuất bổ sung những quan lại có năng lực cho An Giang và còn tăng khả năng bảo hộ Chân Lạp, như trường hợp Hồ Công Chỉ: “Hồ Công Chỉ …nhân việc đưa người Xiêm gặp nạn về nước, do thám được tình hình nước ấy, biên chép rõ ràng. Vua sai vời về Kinh, hỏi lại. Chỉ tấu đối rất tường tận. Vua khen, liền cho thực thụ Tư vụ, thự Chủ sự và thưởng 15 lạng bạc. Đến bấy giờ lũ Lê Đại Cương cho Chỉ là người lanh lẹn, được việc lại am hiểu tình hình biên giới, xin bổ chức ấy. Vua y cho”. (2) Và việc chiêu mộ 10 đội quân Phiên: “Tổng đốc  An Hà là Lê Đại Cương, Tuần phủ An Giang là Ngô Bá Nhân tâu nói: Ốc Nha Bồ Nô Sơn Liêm Mộc ở phủ Chân Niêm, chiêu mộ được 10 đội quân Phiên, xin đặt cho tên cơ binh,  ban chức hàm và họ tên, đợi sau khi tỉnh thành dời đi nơi khác, sẽ cho cứ đóng giữ ở đồn Châu Đốc. Vua ưng cho và đặt tên là cơ An Biên…”. (2)
 
Những việc làm được lòng vua, thể hiện bản lĩnh và tài thao lược của một lão thần mẫn cán kéo dài chỉ khoảng nửa năm. Tháng 5/1833, Lê Văn Khôi (con nuôi của Lê Văn Duyệt) nổi loạn, giết chết Bố chính Bạch Xuân Nguyên và Tổng đốc An-Biên (Phiên An tức Gia Định và Biên Hòa – TG) Nguyễn Văn Quế. Lúc đầu, thế lực Lê Văn Khôi rất mạnh, lần lượt chiếm cả Nam Kỳ lục tỉnh. Tháng 8/1833, Tổng đốc Long Tường Lê Phúc Bảo, Tổng đốc An Hà Lê Đại Cương đều bị cách chức. Trong Lê thị gia phả, ông viết: “Cuộc đời đã trải qua của tôi chưa hề gặp sự gian hiểm nào như lúc này. Nhưng gánh nặng biên cương, sự thất bại ở góc trời đông để mất thành An Giang trước đây tội không nhẹ. Thánh chỉ đến cách chức tôi nhưng cho “đái lãnh binh dõng quân tiền hiệu lực” (lãnh binh dõng ra trận phải đi trước lập công), tôi tuân chỉ”.(1)
 
Sau đó, Lê Đại Cương dẫn mấy mươi người tùy tùng chạy qua đất Chế Lăng của Chân Lạp, rồi chiêu tập thêm người Việt xiêu tán cùng người Miên, được gần 2000 người. Ông huấn luyện kỹ càng, biến dân ô hợp thành đội quân chính quy, hùng mạnh, cùng sống với họ như con em, rồi theo đường Long Tường kéo binh về tỉnh An Giang, giao chiến với giặc, thắng lợi thu phục lại tỉnh thành An Giang. Do đó, chỉ sau một tháng, Lê Đại Cương được phục chức Binh bộ Viên ngoại lang kiêm Phó lãnh binh, rồi dần dần phục hồi chức Án sát sứ, Bố chính sứ kiêm Lãnh binh và thự lý Tuần phủ An Giang.
 
Yếu thế, Lê Văn Khôi cầu viện Xiêm, nhân cơ hội đó quân Xiêm động binh uy hiếp Chân Lạp. Vua Chân Lạp bỏ kinh thành Nam Vang mà chạy sang ta. Vâng lệnh vua, Lê Đại Cương đem quân chặng giặc bằng đường bộ ở Quang Hóa, phối hợp các cánh quân đường thủy do Trương Minh Giảng chỉ huy, đánh đuổi quân Xiêm ra khỏi Chân Lạp. Ông kể: “Tôi đưa quân vào rừng sâu đoạt địa thế hiểm yếu, bất chấp lam sơn chướng khí, chiến đấu ngoan cường, cùng các đạo quân khác quét giặc Xiêm về tận biên giới Xiêm La, thu hồi lại toàn bộ lãnh thổ Cao Miên”.(1)
 
Qua công trận này, tháng 6/1834, Lê Đại Cương được thăng Tham tri bộ Binh, Tuần phủ An Giang, được Minh Mạng giao việc đưa vua Chân Lạp là Nặc Chân về nước và lưu lại Nam Vang lo việc bảo hộ Chân Lạp. Tháng 7/1834, Tổng đốc An Hà Trương Minh Giảng  và Lê Đại Cương tâu với vua kế hoạch phòng thủ Chân Lạp như sau:
 
Chia đặt các tướng Chân Lạp phòng giữ những nơi quan trọng.

Xét hình thế nước Chân Lạp thiết lập đồn bảo.

Lựa binh Chân Lạp.

Lựa lấy thổ binh người Chàm (dòng dõi người Thuận Hóa), người Chà (dòng giống Chà Và cư trú đất Chân Lạp).

Chỉnh đốn sửa sang đồ quân dụng cho nước Chân Lạp.

Chiêu tập cơ binh An Biên.

Khám xét thuyền buôn ở Quảng Biên (cửa biển Cần Bột thuộc phủ Quảng Biên).

Kinh lý biên phòng tỉnh Hà Tiên.
 
Tất cả đều được vua đồng ý. Tháng 12/1834, vua Nặc Chân của Chân Lạp qua đời, ông vâng lệnh Minh Mạngphong vương cho công chúa Angmey, con gái của Nặc Chân (người sau này được phong là quận chúa Ngọc Vân khi lập Trấn Tây thành).
 
 
Năm 1835, do nước Chân Lạp không có vua, Minh Mạng muốn thủ tiêu nền độc lập của vương quốc này, nên đổi Chân Lạp quốc ra Trấn Tây thành thuộc nước ta. Tổng đốc An Hà Trương Minh Giảng kiêm Trấn Tây tướng quân, Tuần phủ An Giang Lê Đại Cương kiêm Trấn Tây tham tán đại thần.
 
Không đồng tình với chính sách thủ tiêu nền độc lập, tự chủ đối với nước Chân Lạp, đưa quan chức người Việt sang cai trị trực tiếp Chân Lạp mà lúc đó gọi là Trấn Tây thành, nhưng Lê Đại Cương phải chấp hành lệnh vua. Năm sau (1836), Lê Đại Cương dâng sớ xin hưu, với cớ là 65 tuổi rồi, đã già cỗi, mòn mỏi, nhưng Minh Mạng lại châu phê: “lão đương ích tráng”, yêu cầu gắng sức tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
 
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Lê Đại Cương xin hưu trí vào lúc này bởi vì ông cảm nhận được hiểm họa sắp xảy ra khi Minh Mạng thủ tiêu nền độc lập của nước Chân Lạp, chạm vào lòng tự trọng của dân tộc Khmer, nhất là việc đàn áp nguyện vọng đòi độc lập của những đại diện tiêu biểu của nước này (đưa quận chúa Ngọc Vân, nguyên là vương nữ Chân Lạp, về Gia Định để quản thúc; đày các quan lại người Chân Lạp có uy tín với dân là Trà Long, La Kiên ra tận Bắc Kỳ…).Vì vậy, dù đảm nhận chức Trấn Tây tham tán đại thần nhưng Lê Đại Cương không hào hứng với nhiệm vụ này, do đó ông không thường xuyên có mặt ở Nam Vang mà chủ yếu ở An Giang để thực hiện chức trách Tuần phủ của mình. Công việc ở Trấn Tây thành chủ yếu do Trương Minh Giảng chịu trách nhiệm.
 
Tháng 2/1838, Nặc Đôn khởi nghĩa ở Trấn Tây Thành dưới sự giúp đỡ của Xiêm, nhân dân Chân Lạp theo khá đông, buộc quân Đại Nam phải bỏ Trấn Tây Thành rút về An Giang.Minh Mạng quy tội “khinh nhờn”cho Lê Đại Cương và cách chức Tuần phủ An Giang kiêm Trấn Tây Tham tán đại thần, ông trở thành lính khiên võng phục dịch tại quân thứHải Đông ở Trà Gi (Trấn Tây thành). Trương Minh Giảng bị khiển trách nặng nề vì bao che cho Lê Đại Cương. Khi tới Trà Gi, thấy đội quân ở đây tổ chức kỷ luật và huấn luyện quá kém. Với thói quen và bản lĩnh của kẻ sĩ, Lê Đại Cương tự nguyện xin nhận lãnh việc tổ chức và huấn luyện lại đội quân, trong một thời gian ngắn, biến đội quân yếu kém, mất sức chiến đấu, thành một đội hùng binh rồi đích thân đem đội quân này đi đánh giặc loạn Chân Lạp hầu “đoái công chuộc tội”.
 
Nhưng trớ trêu thay, khi Trương Minh Giảng và Dương Văn Phong (vừa được bổ nhiệm Tuần phủ An Giang kiêm Trấn Tây tham tán đại thần thay Lê Đại Cương) báo cáo việc này với vua, vua không hài lòng, bảo rằng: “Lê Đại Cương xuất thân hèn mọn, không có công lao, đã từng cất làm Tổng đốc An Hà, ơn nước sâu nặng biết bao, thế mà trước đây Nam kỳ có việc biến động, cùng với Lê Phúc Bảo cùng đem đại binh tiến đánh, chưa thấy giặc mà chạy, toàn quân chết hết, bèn bỏ thành trốn, không lấy bờ cõi làm lo nghĩ, tội ấy đã không tha giết, tạm nghĩ trong lúc dùng quân, nên cho tự sửa đổi, đặc ân cho giáng cách, chưa bao lâu lại được khôi phục, làm đến chức Trấn Tây tham tán đại thần, lại kiêm Tuần phủ An Giang,thế mà không biết tuyên dương đức hóa, để đến nổi người Thổ nổi lên như ong quấy rối, điềm nhiên không biết xét làm việc để lo cho vua cha, pháp luật không thể tha được, bèn cách chức, phát đến trại quân gắng sức chuộc tội, chính phải cầm khí giới đi trước, hăng hái xông lên giết giặc, vẫn chưa thể báo được mảy may, lại nghiễm nhiên theo địa vị đại tướng, tùy ý phóng túng chỉ bảo. Kìa như triều đình thưởng người có công, phạt kẻ có tội, pháp kỷ rõ ràng, đã phải cách chức làm lính thì thân mình còn có quan chức gì, sao được bừa bãi như thế. Không ngờ một kẻ già yếu không có tài, lại dám trên không sợ phép nước, dưới không nghĩ công luận, quá đến như thế, nếu không trị tội sao tỏ được hình pháp”. (2)Lê Đại Cương sau phải tội “trảm giam hậu”.
 
Vì việc này mà Tổng đốc An Hà kiêm Trấn Tây tướng quân Trương Minh Giảng bị giáng một cấp Chánh nhất phẩm xuống Chánh nhị phẩm, còn Tuần phủ Dương Văn Phong bị giáng đến ba cấp.
 
Có lẽ nhận ra sự quá nặng tay với viên quan già đã gần 70 tuổi, tận tụy, trung thành, nên khi về kinh, Lê Đại Cương nhận hình phạt nhẹ hơn án “trảm giam hậu”. Ông chỉ bị phát đi sở đồn điền Nguyên Thượng.
 
Như vậy, dấu ấn An Giang trong hành trình kẻ sĩ Lê Đại Cương là:
 
- Trước khi đến An Giang thì ở đỉnh cao danh vọng và quyền lực, sau 30 năm ra bắc vào nam, đảm nhiệm nhiều công việc, lĩnh vực khác nhau, nhiều trọng trách khác nhau, được vua tin cậy, động viên và căn dặn ân cần khi được giao chức vụ Tổng đốc An Hà kiêm lĩnh ấn bảo hộ Chân Lạp.
 
- Khi vào đến An Giang thì làm được nhiều việc, đúng với chức trách của mình, thể hiện tài thao lược, không phụ lòng tin của vua, từ việc nội trị (xây dựng thành trì, khai đào thủy lộ, đắp đường, chọn người giỏi cũng cố chính quyền, xây dựng tình đoàn kết Việt-Khmer), quân sự (chống cuộc khởi loạn Lê Văn Khôi, chống xâm lược Xiêm), bảo hộ Chân Lạp (đề xuất cách thức bảo hộ, chọn người giỏi, có uy tín của Chân Lạp đề xuất bổ nhiệm, đóng đồn bảo ở những vị trí hiểm yếu), … mặc dù có bị cách chức nhưng nhanh chóng phục hồi.
 
- Do không đồng tình với chủ trương thủ tiêu nền độc lập của nước Chân Lạp, nhập vào Đại Nam trở thành Trấn Tây thành, nhưng phải tuân mệnh vua giữ chức Tuần phủ An Giang kiêm Trấn Tây tham tán đại thần, ông đã xin hưu (ở tuổi 65) mà không được. Nhưng khi Chân Lạp có biến loạn, Lê Đại Cương bị quy tội “khinh nhờn” và bị cách chức đưa làm lính khiên võng.Với thái độ kẻ sĩ, thấy việc cần làm thì phải làm hầu “đoái công chuộc tội” lại bị kết tội nặng hơn là “trảm giam hậu”, bắt hạ ngục, đưa về Kinh.Một kết cục bi thảm.
 
Câu chuyện về kẻ sĩ Lê Đại Cương còn một kết thúc có hậu. Minh Mạng mất vào cuối năm 1840, tháng 01/1841 Thiệu Trị lên ngôi vua. Vì cần người am hiểu và có uy tín để bang giao với nhà Thanh khi Sứ nhà Thanh sang Hà Nội để thụ phong cho Thiệu Trị, Lê Đại Cương được khởi phục làm Lang trung bộ Binh, Khâm sai Bắc Kỳ biện lý bang giao sứ vụ. Lúc này ông đã 70 tuổi. Hoàn thành tốt công việc đó, tháng 12, ông được thăng thự Bố chínhsứ Hà Nội. Tháng 10/1842, ông xin trí sĩ và hồi hương. Thiệu Trị chuẩn y. Năm 1847, sau 5 năm nghỉ hưu, Lê Đại Cương bệnh và mất tại quê nhà, hưởng thọ 76 tuổi.
 
Kết luận
 
Cuộc đời 76 tuổi, có 40 năm dấn thân chốn quan trường, trải qua 3 triều vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, hoạt động của Lê Đại Cương diễn ra trên cả nước, rất đa dạng và cũng rất thăng trầm. Đặc biệt, trong hơn 5 năm hoạt động ở An Giang. Dấu ấn An Giang trong hành trình kẻ sĩ Lê Đại Cương hết sức vinh quang, oanh liệt nhưng lại có kết thúc đáng buồn và khá bi thảm với cái án “trảm giam hậu” mà Minh Mạng dành cho Lê Đại Cương. Nhưng ông vẫn cam chịu, không oán trách, “mặc dù con đường làm quan cay cực”(1), để rồi cuối cùng ông nhận được một kết thúc có hậu.
 
Thân thế, sự nghiệp, tài năng, đức độ của ông cho phép chúng ta khẳng định Lê Đại Cương là một kẻ sĩ tài ba, văn võ song toàn, một danh nhân, một bậc đại thần triều Nguyễn, ngang tầm Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Công Trứ,…đã bị bụi mờ thời gian và định kiến của lịch sử che khuất. Lê Đại Cương xứng đáng được chọn để đặt tên một con đường, một công trình văn hóa, một trường học ở thành phố Châu Đốc, thị xã Tân Châu và thành phố Long Xuyên.
 
-------------------------------------------------                                                                                              
 
(1)Trích trong Lê thị gia phả.
 
(2)Trích trong Đại Nam thực lục.
 
Đặng Hoài Dũng
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử An Giang

Bạn đang đọc bài viết "Dấu ấn An Giang trong hành trình kẻ sĩ Lê Đại Cương" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.