Sau Cách mạng Tháng Tám, ca trù vắng bóng vì bị xem là tàn dư của văn hóa cũ, chính vì thế ở Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc không có một hội quán nào dành cho những người yêu ca trù tới thưởng thức. Đồng thời chính những người trong cuộc, những nghệ nhân cũng phải giấu mình, mai danh ẩn tích, kiếm sống bằng nghề khác.
Tới cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, ca trù bắt đầu được quan tâm và phục hồi. Trong thời gian này, Bộ VHTTDL đã mời Nghệ nhân ca trù Quách Thị Hồ ghi âm rất nhiều thể cách ca trù để quảng bá, hy vọng đưa ca trù dần trở lại với đời sống cộng đồng. Và đầu những năm 1990, hội quán ca trù đầu tiên được lập ra ngay tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám do một người phụ nữ trẻ đứng ra làm “đầu trò”, đó là đào nương Bạch Vân.
Đào nương Bạch Vân và Nghệ nhân Vũ Văn Hồng biểu diễn tại CLB Ca trù Hà Nội. Ảnh: NVCC
Câu lạc bộ (CLB) Ca trù Hà Nội lần đầu tiên được ra ở Văn Miếu với sự tham gia của rất nhiều nghệ nhân ca trù khắp tỉnh miền Bắc mà đào nương Bạch Vân đã cất công đi tìm và mời về. Nhớ lại thời kỳ ấy với bao nỗi hờn tủi bởi sự hắt hủi, nghi ngờ từ các nghệ nhân, chị Bạch Vân cay mắt chia sẻ: “Khi được cụ kép đàn Chu Du mách chỗ, tôi tìm đến cụ Nguyễn Thị Sính ở ngõ chợ Khâm Thiên lúc ấy đang bán nước chè trong công viên Thống Nhất. Cụ Sính đã chối đây đẩy rằng cụ chưa hề biết ca trù là gì. Đoán trước là sẽ khó thuyết phục cụ, nên tôi mang sẵn theo người túi phách và mang ra dạo phách cho bà nghe. Nghe xong, cụ nhận lời”.
Với Nghệ nhân Phó Thị Kim Đức thì bà kỹ hơn, xét nét nết ăn ở của Bạch Vân rồi mới truyền dạy cho chị 3 bài trong 5 năm. Vất vả nhất là thuyết phục cụ Phạm Thị Mùi. Để có thể nghe được tiếng hát của cụ, Bạch Vân đã không ít lần bị cụ mắng và đuổi ra khỏi nhà. Còn kép đàn Nguyễn Văn Hạ (Quốc Oai, Hà Tây cũ) vô cùng ngỡ ngàng khi Bạch Vân tìm đến nhà. Ông bất ngờ bởi cứ nghĩ ca trù đã chết từ lâu rồi, thế mà giờ vẫn có người quan tâm và tìm đến. Ông bảo: “Tôi vái cô một vái để tạ ân tri ngộ, vái thứ hai để mong hồi phục ca trù...”.
Nghệ nhân Quách Thị Hồ là một trường hợp đặc biệt, khi Bạch Vân tìm đến thuyết phục, bà đã nói thẳng luôn không nên phục hồi, hãy để cô đầu, ả đào tuyệt diệt. Bởi nghệ nhân cho biết, cụ đã từng chặn xe Bộ trưởng Bộ Văn hóa lúc bấy giờ là nhà thơ Huy Cận để xin được phục hồi hát ca trù nhưng đã bị từ chối...
Tất cả những khó khăn ấy, Bạch Vân vượt qua hết, để rồi ngày đầu thành lập CLB chưa có đến 10 hội viên, thì về sau số hội viên tăng lên hơn 300, với những đào nương, kép đàn ở khắp nơi như Hà Tây (cũ), Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... háo hức tham gia và coi ca trù Hà Nội là chốn đi về của họ.
Tuổi thanh xuân dành cho ca trù
Để có được thành công, được công chúng biết nhiều như bây giờ là cả một chặng đường gian nan, Bạch Vân gần như độc hành trên con đường chông gai thử thách với cái giá phải trả không chỉ là nước mắt mà là cả tuổi thanh xuân. Chị đã hy sinh tất thảy mọi hạnh phúc riêng tư của mình, thậm chí cả niềm hạnh phúc thiêng liêng nhất của một người đàn bà là làm vợ và làm mẹ để cống hiến cho ca trù. Tuy nhiên Bạch Vân không hề ân hận hay tiếc nuối những gì mình đã làm và đang làm.
" Cả đời tôi, chỉ có một mong muốn duy nhất và cháy bỏng, đó là đưa ca trù trở lại với vị trí xứng đáng của nó trong dòng chảy văn hoá truyền thống dân tộc”.
Đào nương Bạch Vân.
“Suốt 25 năm cơ cực, gần như độc hành với ca trù, đã có những lúc tôi nản lòng muốn buông xuôi, thậm chí có ý định tự tử. Tôi vẫn còn nhớ, lần đầu tiên có ý định tuyên bố giải thể CLB, cụ đồ, nhà thơ Vũ Đình Liên đến gặp và nói với tôi: “Đây là hương hỏa của tổ tiên để lại, CLB đã được duy trì đến thế này, nếu giờ cháu giải thể là cháu có tội”. “Có lúc tôi đã muốn tự tử khi lễ kỷ niệm 5 năm thành lập CLB bị yêu cầu huỷ bỏ”- Bạch Vân nhớ lại.
Với một niềm say mê đến mức có thể nói là “điên dại” nên có lúc chị còn bị gọi là “Vân điên”. Thế nhưng bù lại, chị đã đạt được những thành quả nhất định: Là người đầu tiên phục hồi ca trù, đưa nghệ thuật ca trù tới với đời sống; là người đầu tiên đổi tên từ cách gọi “cô đầu”, “ả đào” sang “ca trù”, “đào nương”; là người đầu tiên tìm ra các nghệ nhân ca trù đã mai danh ẩn tích...
Cay mắt khi nhìn lại chặng đường mình đã trải qua, ca nương Bạch Vân chia sẻ, 25 năm đi biểu diễn, quay quắt với ca trù, rất nhiều khán giả đã thể hiện sự xúc động, tình cảm yêu mến của họ với chị. Nó giống như cho chị được uống một liều thuốc tiên, để chị lại đam mê ca trù hơn nữa.
“Tôi vẫn còn nhớ, có cụ Ngô Quang Chiều ở phố Láng Thượng đã rất nhiều tuổi, nhưng những ngày sinh hoạt của CLB Ca trù Hà Nội, dù nắng hay mưa, trời giá rét hay nóng nực, cụ vẫn có mặt, ngồi nghe rất say sưa. Thậm chí đến lúc hấp hối, cụ cũng bắt con cháu phải gọi Bạch Vân vào cho cụ, để cụ nói với tôi rằng: “Con không được bỏ nghề, dù cụ đã ra đi thì cụ sẽ vẫn về Bích Câu Đạo quán để nghe con hát...”.
Có một vị khách người Nhật đã bật khóc sau khi tôi biểu diễn. Ông cho biết, đây lần đầu tiên đến Việt Nam và được nghe về loại hình âm nhạc độc đáo này. Từ lời ca, đến tiếng phách của đào nương và kép đàn đã khiến ông hình dung ra những người phụ nữ Việt Nam tần tảo, chịu thương, chịu khó, biết hy sinh cho chồng, cho con. Và sau này, mặc dù đã về nước, nhưng ông luôn gửi thư trò chuyện với tôi”- ca nương Bạch Vân tâm sự.
Theo Thanh Hà (Dân Việt)