Đánh bắt cá quanh đảo Mễn.
Vào mùa này, có rất nhiều tàu thuyền tập trung ở bến đò ngã ba bờ hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu. Đây là những tàu thuyền chuyên làm dịch vụ chở khách đi các nơi, trong số đó không có tuyến nào vào đảo Mễn. Muốn vào đảo Mễn, chúng tôi phải thuê riêng một chiếc vỏ lãi với giá khá cao.
Sau hơn nửa giờ băng băng rẽ sóng, chúng tôi đã đến đảo Mễn. Nhìn từ xa, đảo Mễn như một gò đất nổi bồng bềnh trên mặt nước. Chiếc vỏ lãi giảm tốc độ rồi rấn vào mép bờ. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân lên đảo là những âm thanh ríu rít, rộn rã vui tai của nhiều loài chim quanh đấy.
Thoáng thấy bóng người, những chú chim từ trong đám cỏ dại vụt bay lên không trung. Ở đây có sự hiện diện của nhiều loài chim đẹp nhưng chúng tôi không biết tên. Dọc theo mép nước, những chú cò trắng đang cặm cụi bắt cá, bắt tép, có cả những con cổ dài, thân hình to lớn- loại cò từ các tỉnh miền Tây tìm về đây sinh sống. Điều đó chứng tỏ môi trường sống ở hòn đảo này thích hợp với chúng.
Xung quanh hòn đảo còn có những con chim cồng cộc. Dạo quanh đảo, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp chúng- với thân hình đen trũi đậu trên những cọc chà, vô tư phơi mình trong nắng ấm. Ông Ba Đáp, 55 tuổi- người lái đò đưa chúng tôi đến đảo cho biết: “Vài tuần nữa, khi nước lòng hồ xuống cạn hơn một chút, cồng cộc còn về nhiều hơn nữa. Năm ngoái, chúng bay thành từng đàn hàng trăm con, đen kịt trên trời”.
Trên đảo Mễn, chúng tôi đếm được chỉ có bốn cây tràm bông vàng. Mỗi cây có đường kính gốc khoảng 40cm, cao khoảng 5 mét, ước tính đã được trồng hàng chục năm về trước. Bốn cây tràm đứng gần nhau, tạo thành một chùm cây xanh duy nhất trên đảo và trở thành mái nhà chung cho lũ chim cò.
Chúng tôi đã nhìn thấy những chú chim ríu ra ríu rít cùng nhau tha cỏ khô lên đọt tràm làm tổ. Từ dưới gốc cây nhìn lên, có thể thấy nhiều tổ chim vắt vẻo trên cành. Quan sát dưới các gốc cây, thấy có nhiều đốm phân còn mới. Điều này có nghĩa vào ban đêm những tàn cây này còn là nơi trú ngụ của các loài cò, diệc, cồng cộc.
Đảo Mễn nằm cách xa đất liền hàng chục km, đảo Nhím gần nhất cũng xa nơi này khoảng vài cây số. Môi trường nơi đây rất yên tĩnh, ít có bóng dáng con người, có lẽ vì thế nó đã trở thành nơi “đất lành chim đậu”.
Thời điểm chúng tôi có mặt, trên đảo Mễn có nhiều đám lục bình héo khô. Hỏi thăm ông Đáp thì được biết: mấy tháng trước, khi hồ Dầu Tiếng tích nước nhiều, nước dâng ngập gần hết hòn đảo, lục bình theo con nước trôi tấp lên đảo.
Khi nước xuống cạn, hòn đảo lại hiện ra với diện tích mặt đất rộng lớn hơn so với trước đó. Ngay lúc này, nước cũng đang dần xuống, trên phần đất bán ngập bắt đầu mọc lên một lớp cỏ non xanh mướt. Tranh thủ điều kiện thuận lợi này, một người dân địa phương đem đàn trâu thả lên đảo cho chúng ăn cỏ.
Trong lúc dạo chơi quanh đảo, chúng tôi thấy năm bảy con trâu vừa trầm mình dưới làn nước trong xanh, vừa nhơi cỏ. Theo lời ông Đáp, vài ngày nữa, khi nước xuống cạn hơn, vùng đất bán ngập trên mặt đảo bắt đầu khô, người dân địa phương sẽ sang đây cày đất để trồng mì. Canh tác mì trên đảo thật ra cũng chỉ… hên xui.
Năm nào mưa ít, hồ tích nước chậm, kịp thu hoạch mì thì người trồng coi như “trúng mánh”. Năm nào mưa nhiều, hồ mau đầy nước- kể như trắng tay. Như mùa mì vừa qua chẳng hạn; nước lên quá nhanh khiến hàng ngàn bụi mì không kịp thu hoạch, thối củ và bị bỏ mặc la liệt trên đảo.
Ông Đáp kể, hơn ba mươi năm trước, công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà chưa được xây dựng, nơi đây là thượng nguồn sông Sài Gòn với những cánh rừng già bạt ngàn. Trong rừng có nhiều động vật quý hiếm sinh sống. Khi hồ Dầu Tiếng xây dựng xong, nước bắt đầu tích lại, dâng lên ngập hết những cánh rừng.
Những nơi gò cao trở thành đảo hoặc bán đảo. Thời điểm đó, thú rừng còn nhiều, buổi chiều, chúng từ đảo Nhím thường lội qua đảo Mễn rồi tìm đường đi tiếp vào khu rừng cấm phía bên xã Tân Thành (huyện Tân Châu). Biết được đường đi của chúng, nhiều người dân địa phương thường hay tụ tập lên đảo để săn bắt mễn. Từ đó, người ta gọi tên hòn đảo này là đảo Mễn.
Ông Đáp chỉ cho chúng tôi xem một loài cây thuốc nam quý hiếm trên đảo Mễn. Đó là cây chân thằn lằn. Nhìn bề ngoài, thân cây có dáng… ẹo ẹo giống như thân hình của con thằn lằn lúc đang di chuyển. Những nách lá của cây mọc đối xứng và so le với nhau trông giống tứ chi thằn lằn, vì thế, người ta gọi nó là cây chân thằn lằn. Ông Đáp cho biết: cây này có công dụng trị bệnh sởi (ban đỏ) rất hay. Ai bị bệnh sởi chỉ cần lấy cây chân thằn nấu nước tắm một vài lần là hết”.
Tham quan đảo Mễn, chúng tôi còn được nhìn thấy một số ngư dân đánh bắt cá bằng phương pháp khá lạ. Họ bủa lưới xung quanh đảo, sau đó điều khiển vỏ lãi chạy sát mép đảo, dùng cây gõ lụp cụp, liên hồi trên mép vỏ lãi để tạo ra tiếng động nhằm làm cho lũ cá hoảng sợ, vọt từ bờ ra khơi, thế là dính vào những tay lưới. “Bà con Việt kiều từ biển hồ Campuchia về đây sinh sống mới biết bắt cá theo kiểu này”- ông Đáp nói.
So với đảo Nhím, đảo Mễn còn nhiều vẻ nguyên sơ. Tính đến thời điểm này, trên hòn đảo chưa có người ở, cũng chưa ai trồng cây ăn trái, chưa thấy công trình gì. Đây có thể là điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển du lịch sinh thái chăng?