Cảnh điên điển "rút ruột nuôi con"
Cảnh điên điển "rút ruột nuôi con"
Vườn quốc gia Tam Nông (Đồng Tháp) chẳng phải là chỗ lạ. Nhưng, vào được vùng lõi của vườn để ngắm chim là một chuyện hoàn toàn khác, mà các anh kiểm lâm ở đây cũng bảo rằng với khách, điều đó đếm trên đầu ngón tay! Và tôi có được diễm phúc đó...
Ba giờ rưỡi sáng, chiếc tắc ráng từ từ rời bờ kênh hướng tới khu A2 - Vườn quốc gia Tam Nông. Đi trong đêm, giữa bóng tối sâu thẳm khắp bốn bề chỉ nhìn loang loáng những cây tràm hình thù cổ quái phía trước nhờ luồng ánh sáng phát ra từ chiếc đèn pin của anh tài công và đám đom đóm lập lòe như dẫn đường khiến khách phương xa luôn trong tâm trạng lo lắng vu vơ.
Thuyền bỗng lướt vào đầm nước nổi đầy bèo tai tượng, đâu đây thoáng vọng về tiếng chim tu hú mênh mang, da diết làm tăng thêm vẻ tịch mịch của rừng đêm.
Từ đây chúng tôi buộc phải thay nhau chống sào. Thế nhưng không lâu sau đó, thuyền bị mắc cạn giữa đám dây leo chằng chịt và bãi cây mục.
“Đến nước này thì đành ngồi chờ trời sáng để lội vào khu vực các loài chim tập trung sinh sản” - người bạn đồng hành là nhân viên bảo vệ rừng lên tiếng.
“Mồi ngon” của muỗi!
Khi trăng hạ huyền vừa chếch bóng đỉnh đầu thì trời vừa rạng sáng, cánh rừng, đầm nước xung quanh cũng bắt đầu biến đổi sắc màu sậm đen sang màu xanh tươi mát trong mắt chúng tôi. Chẳng bao lâu, những tia nắng đầu tiên rọi sáng phía bìa rừng như đánh thức vạn vật.
Ban đầu là tiếng vỗ cánh rào rào của loài cò ốc, kế tiếp là tiếng khàn đục, chói tai của điên điển rồi tiếng chim cồng cộc, cò trắng...
Chúng tôi bắt đầu thả người xuống đầm nước, chuẩn bị lội vào rừng sau khi những đàn chim chưa đến thời kỳ sinh đẻ lần lượt bay đi kiếm ăn. Rất may là mực nước đang cuối mùa lũ nên chỉ ngang thắt lưng, đôi chỗ ngập tới ngực.
Tuy nhiên việc di chuyển không hề dễ dàng vì dưới lớp bùn lỗ chỗ vô số gốc rễ cây đã chết. Thế nên không ít lần tôi đã bị vấp ngã nhưng đã kịp thời gượng dậy, nếu không nhiều khả năng mọi thứ, cả người và máy ảnh, máy quay phim, chân máy... mang theo sẽ tắm bùn thoải mái.
Song đáng ngại nhất là đám muỗi rừng, chúng bay vo ve khắp mọi nơi, đến mức huơ tay đã bắt được cả nắm! Chúng luôn đeo bám dai dẳng để đốt “con mồi” cho bằng được mới thôi.
Cái không gian rừng ngập nước Tam Nông quyến rũ tôi từ dáng đứng cây tràm mọc khẳng khiu dưới nắng mai, những âm thanh chim chóc, cùng thảm bèo tai tượng xanh mướt phủ kín mặt đầm.
Nhưng sinh động hơn cả là những ổ chim được đan kết từ cỏ, que cây nằm chen chúc trên cùng một vòm cây như chùm quả. Và ở đó khá nhiều chú chim cồng cộc con với cái đầu đen óng, đứng lô nhô vắt vẻo dưới tán lá tràm.
Còn trên đôi chạc ba tận ngọn cây, nơi đối mặt với nắng gió, các chú chim điên điển con thò hẳn chiếc cổ dài lêu nghêu, ngúc ngoắc ra khỏi ổ nhìn dáo dác.
Tất cả bọn chúng liên tục chộn rộn, lúc sải cánh vỗ nhè nhẹ ra vẻ muốn tung bay, khi nghếch mỏ như chờ mong bố mẹ về.
Thỉnh thoảng, đám điên điển con lại hung hăng xua đuổi hoặc chọi mổ bất cứ chú cồng cộc nào vô tình mon men đứng gần tầm mỏ của chúng.
Trời phú cho chim điên điển (còn gọi chim cổ rắn), cồng cộc (còn gọi cốc đế) đôi cánh to rộng, dũng mãnh và giữa các ngón chân kết màng như chân vịt, bởi thế chúng chẳng ngần ngại bay đến bất cứ nơi nào chúng muốn và bền bỉ bơi lặn bắt cá suốt ngày.
Tuy chúng sống chan hòa với cò ốc, cò trắng, diệc xám... nhưng điên điển là giống chim lớn rất hung dữ và thể hiện uy quyền với các cư dân xung quanh.
Dầm người trong nước ngắm chim
Xem điên điển “móc ruột nuôi con”
Mặt trời đã gần đứng bóng, từ sáng đến giờ ngâm mình dưới nước sau bụi tràm rậm rạp, chúng tôi luôn căng mắt nhìn hàng cây phía đối diện và đã “săn” được khá nhiều ảnh bố mẹ của đám cồng cộc bay đi bay lại tha mồi về nuôi bầy con nhưng vẫn chưa thấy cặp bố mẹ điên điển nào lộ diện chăm sóc chim non.
Anh bạn bảo vệ rừng lý giải: “Từ lúc trứng nở cho đến khi đủ lông, đủ cánh trưởng thành, điên điển con phải trải qua năm, sáu tuần. Để nuôi được bầy chim non bốn, năm con, bố mẹ chúng suốt ngày vất vả đi lấy nước, săn cá về tiếp cho lũ con vốn rất háu đói đòi ăn liên tục, vì thế không thể không về.
Lý do chim bặt vô âm tín sáng nay có thể chúng đã phát hiện kẻ lạ trong vườn và lo sợ tổ bị đánh cắp, nguy hại bầy con nên đậu xa xa để quan sát hoặc đánh lạc hướng”. Hèn gì trong lúc ém mình chờ đợi, tôi đã không ít lần bị giật mình bởi tiếng kêu “ù quạp” khàn khàn của điên điển như xua đuổi, hăm dọa.
Nhưng sau một hồi lâu theo dõi, nhận thấy hai vị khách lạ không phải là kẻ thù, các con chim điên điển bố mẹ cũng sà xuống với bầy con.
Tuy nhiên chúng vẫn còn dè dặt, ngó ngoáy cái đầu như cổ rắn nhìn trước nhìn sau, trước khi cúi xuống chăm chút đám chim non đang ghếch mỏ khua lách cách đòi ăn.
Bọn điên điển, cồng cộc cho con ăn khác lạ với cò ốc, cò trắng: chúng há rộng mỏ, cùng lúc khạc thức ăn được tích trữ trong diều ra cuống họng, để rồi từng đứa con trong bầy lần lượt thò đầu vào gắp mồi. Hình thức “móc ruột nuôi con” cứ tiếp diễn cho đến khi bầy con ra ràng.
Chiều xuống, từng đàn chim tiếp nối bay về như các đợt sóng nhấp nhô trên vòm trời gợn chút sắc màu da cam.
Chúng chao lượn xung quanh khu vườn như biểu lộ niềm vui đoàn tụ trước khi khoan thai sà xuống tổ hoặc đậu kín trên cành lá xum xuê. Lúc này cả cánh rừng tưng bừng, rộn rã bởi tiếng cây lá xào xạc, tiếng vỗ cánh phành phạch, cả tiếng quẹt mỏ của những đôi chim đang âu yếm với nhau.
Trời tối dần, khu vườn mới đó đã vắng lặng, chỉ còn văng vẳng tiếng lũ chim cồng cộc con trên cành cây trước mặt líu ríu như than van khi chưa thấy mẹ về...
Trần Thế Dũng
(Tuổi Trẻ)