Trước năm 2000, lũ lụt, phèn nặng là đặc trưng của môi trường sinh thái tự nhiên vùng ĐTM, được chỉ báo qua hệ động vật và thực vật phong phú và đa dạng, không lẫn lộn với các vùng khác. Ngoài tác dụng duy trì cân bằng sinh thái tự nhiên, phục vụ đời sống cư dân từ xưa tới nay, thảm thực vật ĐTM còn là nguồn tài nguyên phát triển kinh tế. Đó là thực vật về xây dựng và chất đốt, nguyên liệu cho nghề thủ công, dược liệu, cỏ chăn nuôi, lương thực và hoa màu, rau và cây hương vị, cây ăn quả, cây trang trí, du lịch và giải trí...
Từ mô thức di dân, khai hoang và “sống chung với lũ”, mà người dân “tứ xứ, tứ chiếng” vào ĐTM đã thích nghi với lũ, biết khai thác theo cách hoang dã, dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên như lúa trời, cá tôm, rắn rùa, ếch nhái, chuột đồng, chim chóc, mật ong,... Đời sống còn du cư theo mùa vụ và cư trú chủ yếu trên xuồng, ghe hoặc tạm trú bên bờ sông, ven rừng. Dần dà, họ định cư sống tập trung trên các giồng đất cao ven sông rạch, các gò nổng ở thềm phù sa cổ (phía Bắc) hoặc rải rác trong cánh đồng. Với cách ẩm thực tự nhiên hoang dã, “Cá lóc nướng trui, rắn rùa nướng mọi” và “Chém to kho mặn”, buổi đầu ẩm thực ĐTM đi vào cách chế biến chung của cư dân đồng bằng sông Cửu Long, đại thể bao gồm: món nướng, món mắm, món canh và món kho.
Nhìn vào bảng thực đơn tại các khu du lịch sinh thái vùng ĐTM, cơ bản đã khai thác được các món ăn dân dã của vùng này như lươn, cá lóc, chuột, cá linh, cá trê, chuột, ốc, khô, rau,... Các món ăn có sự khác nhau đôi chút giữa vùng ĐTM “trong”, tiêu biểu là khu Ramsar Tràm Chim, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen và vùng ĐTM “ngoài”, tiêu biểu là Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu du lịch Đồng Sen, Khu di tích Xẻo Quít; giữa vùng giữa sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây và giữa sông Vàm Cỏ Tây - sông Vàm Cỏ Đông: tiêu biểu là Khu bảo tồn, nghiên cứu phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười,...
Hiện nay, một số món ăn dân dã ĐTM trở thành đặc sản ẩm thực và đã đường hoàng hiện diện trong các quán ăn, nhà hàng sang trọng tại các thành phố. Nhưng món ăn sẽ ngon, hấp dẫn hơn khi nó được đặt đúng không gian ẩm thực, thời gian ẩm thực và yếu tố con người (ở đây là sự phóng khoáng, hiền hậu, hiếu khách, thâm tình của người phục vụ). Chẳng hạn, trong mùa nước nổi, khách ngồi trên một cái tum sàn gỗ tràm, lợp lá trong Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng hoặc Đồng sen Tháp Mười,... thưởng thức món canh chua cá linh nấu bông điên điển, ốc luộc sả, nhắm nháp ly rượu đế hoặc Hồng Sen Tửu và nghe ca nhạc tài tử chắc chắn hồn sẽ bồng bềnh theo sóng nước lan tỏa đến tận rặng tràm xanh phía xa xa, chao nghiêng theo cánh cò trắng chấp chới trên bầu trời đang xuống thấp.
Như chúng ta đã thấy, môi trường sinh thái ĐTM đã ban tặng sản vật hết sức đa dạng và phong phú cho cư dân địa phương. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là của trời cho. Từ “nguyên liệu” trở thành “đặc sản” còn phải qua ý tưởng của người làm du lịch, tài nghệ chế biến của người thợ nấu.
Đó là một trong những yếu tố quyết định phát triển kinh tế du lịch vùng ĐTM nói chung và Đồng Tháp nói riêng mang tính chọn lọc khắt khe...
Theo VÂN SINH (Báo Đồng Tháp)