Đặc sắc lễ Nhập hạ của người Khmer Nam bộ

22/07/2019 16:06

Theo dõi trên

Vào ngày 15/6 Âm lịch hàng năm, bà con Khmer lại tổ chức lễ nhập hạ, gọi theo tiếng Khmer là lễ Chôi-bà-sa, để cầu cho mưa thuận gió hòa, xóm làng bình an, gia đình hạnh phúc.



Đông đảo bà con phật tử dâng vật lễ và nến đi xung quanh ngôi chánh điện. Ảnh: Sóc Trăng Online

Một trong những vật lễ không thể thiếu đó là cây nến (đèn cầy) to. Những gia đình khá giả thì dâng loại nến to có trọng lượng từ 6kg đến 10kg/cây, còn gia đình có mức sống trung bình thì cúng dường bằng tiền để hỗ trợ cho nhà chùa đóng tiền điện trong những tháng nhập hạ.

Trong ba tháng Nhập hạ (từ ngày 15/6 - 15/9 âm lịch), ngoài việc thắp đèn cầy, các chùa Khmer còn đánh trống vào hai buổi sáng (bắt đầu từ 4 giờ - 5 giờ) và chiều (từ 16 - 17 giờ) để giúp cho đồng bào của phum sóc chủ động được thời gian trong hoạt động sản xuất, sinh hoạt.

Lễ Nhập hạ của đồng bào Khmer có thể chia làm 2 ngày chính. Ngày thứ nhất diễn ra vào buổi chiều, đồng bào sẽ đem lễ vật đến chùa để làm lễ cầu nguyện. Trong ngày này, lễ vật không thể thiếu là những cây đèn cầy to lớn được các phật tử dâng đến chùa để thắp liên tục (không để tắt) trong ba tháng Nhập hạ. Ngày thứ hai, đồng bào phật tử đem cơm, nước, gạo... đến chùa dâng lên sư sãi nhằm cầu siêu cho người quá cố và cầu bình an, hạnh phúc cho phum sóc.

Đến rằm tháng 9 Âm lịch, nhà chùa lại làm lễ ra hạ hay lễ xuất hạ (Chênh Vôsa). Trong dịp này, bà con dân tộc Khmer thường tổ chức nghi thức thả đèn nước (Lôi protip) trên các dòng sông của phum, sóc, với ý nghĩa để tưởng nhớ đến Đức Phật và cũng thể hiện lời xin lỗi nước và đất vì đã làm ô uế đất và nước trong quá trình sản xuất trong năm. Sau đó, mọi người lại dùng xe hay kiệu để đưa đèn ra sông để thả theo dòng nước. Đi theo có đoàn múa trống sadăm của chùa để thêm phần long trọng.

Có thể thấy, lễ hội của dân tộc Khmer Nam bộ được xem là hệ thống di sản mang nhiều giá trị văn hóa - lịch sử lâu đời với nhiều nét đặc thù, độc đáo của văn hóa địa phương. Ngay cả hình ảnh của những ngôi chùa Khmer với kiến trúc độc đáo, không chỉ là không gian tâm linh mà còn là một trung tâm hoạt động văn hóa, xã hội - được xem như một bảo tàng hoàn hảo cả về giá trị văn hóa - lịch sử, là một biểu trưng nghệ thuật độc đáo của người Khmer Nam bộ.

 
Linh Anh (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Đặc sắc lễ Nhập hạ của người Khmer Nam bộ" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.