Đà Nẵng: Nâng tầm lễ hội cầu ngư

07/09/2015 09:17

Theo dõi trên

Nâng tầm lễ hội cầu ngư không chỉ bảo tồn tín ngưỡng dân gian mang đậm chất nhân văn của người Việt mà còn là cơ hội phát huy giá trị văn hóa biển đảo.



 Lễ hội cầu ngư truyền thống thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Internet

Lễ hội cầu ngư tại Đà Nẵng là tín ngưỡng đặc trưng của văn hóa tâm linh miền biển. Vì thế, nâng tầm lễ hội cầu ngư không chỉ bảo tồn tín ngưỡng dân gian mang đậm chất nhân văn của người Việt mà còn là cơ hội phát huy giá trị văn hóa biển đảo.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng vừa tổ chức tọa đàm khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội cầu ngư ở Đà Nẵng”. Tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu văn hóa đều cho rằng, lễ hội cầu ngư đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, tâm linh của nhân dân, đặc biệt là các ngư dân đi biển. Đối với người Việt, từ thời vua Gia Long cá Ông đã được tôn thờ như một vị thần, và được ban sắc phong. Chính vì vậy, thờ cá Ông, những người đi biển đặt niềm tin tuyệt đối vào sự hiển linh của cá Ông khi họ gặp bất trắc. Đồng thời, các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa khác cũng đồng tình đề nghị nên phục dựng, tổ chức một lễ hội cầu ngư cấp thành phố vừa mang tính chất cầu ngư, cầu an, vừa vận động ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản, bảo vệ ngư trường.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL nhấn mạnh: Việc nâng tầm lễ hội cầu ngư Đà Nẵng là điều cần thiết và có ý nghĩa lớn đối với đời sống tinh thần của cư dân ven biển Đà Nẵng và đối với tình hình, bối cảnh hiện nay. Đồng thời, đề nghị Đà Nẵng sớm hoàn thiện hồ sơ khoa học trình Cục Di sản văn hóa xem xét. Khi hồ sơ hoàn thiện và đầy đủ khoa học, Cục Di sản văn hóa sẽ trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Theo thống kê, hiện tại Đà Nẵng có 12 lăng/miếu thờ cá Ông được phân bố chủ yếu tại các vùng ven biển Sơn Trà, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu (Đà Nẵng). Mỗi lăng/miếu là một công trình kiến trúc tín ngưỡng mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao, bố cục và đường nét thể hiện sinh động đặc tính của biển. Đa số các lăng/miếu hiện tại được xây dựng theo phong cách kiến trúc điển hình của thời Nguyễn.

Gắn liền với không gian văn hóa lăng/miếu thờ cá Ông là hoạt động lễ hội. Hằng năm, các làng ven biển này đều tổ chức lễ hội cầu ngư chu đáo, bài bản, giữ được truyền thống. Hiện Đà Nẵng còn duy trì được 12 lễ hội cầu ngư, hầu hết địa phương nào có lăng Ông thì nơi đó vẫn còn duy trì lễ hội. Qua các tài liệu thu thập, sưu tầm, hiện tại Đà Nẵng có bảy bản văn cúng cô hồn, chín bản nhạc lễ, sáu bản văn tế cầu an, cầu ngư, sáu bản hát bả trạo, cùng gần 600 ảnh khảo tả… được lưu truyền và phản ánh đậm nét văn hóa tâm linh miền biển.

Theo Di Sản Xanh

Bạn đang đọc bài viết "Đà Nẵng: Nâng tầm lễ hội cầu ngư" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.