Phát biểu tại Hội nghị, bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết: Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 329/QĐ- TTg ngày 15/03/2017 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc "Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập".
Triển khai thực hiện Đề án, trong những năm qua, nhiều hoạt động đã được tổ chức tại thư viện, trường học, cơ quan, tổ chức như: đa dạng các loại hình dịch vụ thư viện gồm phục vụ tại chỗ, luân chuyển và phục vụ lưu động đẩy mạnh việc đưa sách báo đến trực tiếp người dân, góp phần xây dựng môi trường đọc thân thiện, hình thành thói quen và kỹ năng đọc của người dân, giúp cho người dân có thể tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin và tri thức hiệu quả. Hàng năm, nhiều chương trình, liên hoan, ngày hội đã được tổ chức như Ngày hội sách và văn hóa đọc, thi kể chuyện theo sách, liên hoan tuyên truyền giới thiệu sách. Các hoạt động vừa là hình thức quảng bá sách trong đời sống xã hội, vừa lôi cuốn sự quan tâm của cộng đồng đối với sách, khơi dậy tình yêu đối với sách và phát triển văn hóa đọc. Nhiều chương trình như: "Cùng em đọc sách" Sách hóa nông thôn, Sách cho em, các câu lạc bộ Vùng cao yêu thương, Đọc báo Đảng, Tủ sách giải trí và giáo dục, Sách chuyền tay... mang lại nhiều cơ hội đọc, tạo hứng thú đọc và tiếp cận thông tin, tri thức cho trẻ em và mọi tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, nhiều mô hình thư viện sách tư nhân, thư viện cộng đồng, Tủ sách gia đình, Tủ sách dòng họ, Câu lạc bộ sách, Café sách, Phố sách, Đường sách, Thành phố sách... góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa đọc, nâng cao dân trí.
Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc là một trong những hoạt động triển khai Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, phát động từ 2019. Cuộc thi đã trở thành một sân chơi, một diễn đàn để các em thanh niên, thiếu niên, sinh viên, học sinh, các em học sinh khiếm thị chia sẻ về kinh nghiệm đọc sách hiệu quả.
Cuộc thi đã khơi dậy niềm đam mê đọc sách, lan tỏa trí thức, tình yêu đọc sách trong mọi tầng lớp, đặc biệt là các bạn trẻ, thúc đẩy phong trào đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Tuy nhiên, theo bà Kiều Thúy Nga, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn bộc lộ những hạn chế trong công tác chỉ đạo, công tác phối hợp giữa các cơ quan tổ chức Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, vấn đề kinh phí, nhân lực thực hiện chưa được quan tâm đúng mức...
"Đề nghị quý vị đại biểu, đội ngũ làm công tác thư viện, cơ quan, đơn vị, thư viện quan tâm đánh giá toàn diện kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn, bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai tổ chức Cuộc thi; Xác định ý nghĩa và tác động của Cuộc thi đối với cộng đồng, xã hội; chia sẻ, giới thiệu những mô hình, sáng kiến tổ chức Cuộc thi đạt hiệu quả; đề xuất kiến nghị đối với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị để công tác tổ chức đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới"- bà Kiều Thúy Nga chia sẻ.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc.
Đại diện Hội Người mù Việt Nam, ThS. Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội đề nghị Bộ VHTTDL tăng cường các hoạt động của thư viện, phòng đọc sách, chỉ đạo thư viện các tỉnh, thành phố hàng năm bổ sung các đầu sách chữ Braille, audio, hỗ trợ người khiếm thị các trang thiết bị đọc sách như máy tính có phần mềm đọc văn bản, chuyển đổi tài liệu file ảnh sang word, máy scan, đầu đọc thẻ nhớ, máy nghe mp3, kính lúp… Tăng cường phối hợp với các cấp Hội Người mù, các mái ấm, cơ sở sản xuất của người khiếm thị để có các hình thức luân chuyển, hỗ trợ người khiếm thị nghe, đọc sách hiệu quả; Tiếp tục tổ chức các cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên khiếm thị; đồng thời, tổ chức thêm các cuộc thi, mở rộng đối tượng cho cả người lớn tuổi để lan tỏa phong trào nghe, đọc sách trong cộng đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển văn hóa đọc ở Thủ đô, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Thư viện Hà Nội cho biết, Thư viện Hà Nội tăng cường công tác tham mưu và triển khai tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội hằng năm, xem đây là một hoạt động thiết thực góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa đọc Thủ đô.
Tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, cơ quan đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện nhằm đảm bảo cuộc thi được triển khai đồng bộ, rộng khắp và đạt chất lượng cao.
Đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng của Thành phố, quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, thầy cô giáo, phụ huynh nên định hướng sớm cho các em học sinh, sinh viên trong việc lựa chọn sách phù hợp với từng lứa tuổi nhằm nâng cao chất lượng bài thi.
Ở tỉnh cực nam Tổ quốc Kiên Giang, phong trào đọc sách cũng có những chuyển biến tích cực sau khi Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc triển khai. Theo bà Lê Thị Thanh Thủy, Thư viện tỉnh Kiên Giang, sau 4 năm triển khai, có thể nói Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tại tỉnh Kiên Giang đã góp phần lan tỏa niềm đam mê đọc sách đối với thế hệ trẻ, thông qua Cuộc thi các em có cơ hội trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm của việc đọc sách và các đầu sách các em thích đọc đến các bạn cùng sở thích. Từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong nhà trường và cộng đồng, hình thành thói quen và nâng cao kỹ năng đọc sách.
Ngoài ra, Cuộc thi đã thổi một luồng gió mới, đa dạng hóa hình thức đọc sách và chuyển tải nó đến tất cả mọi người. Các em thí sinh được sáng tạo theo cách riêng của mình trong các sản phẩm dự thi bằng hình thức video clip giới thiệu sách và ứng dụng công nghệ thông tin. Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tại tỉnh Kiên Giang đã thật sự trở thành sân chơi, diễn đàn để các em học sinh thể hiện tài năng của mình, chia sẻ về kinh nghiệm đọc sách hiệu quả và những quyển sách hay đến với bạn bè.
Ông Vũ Trí Tĩnh, Thư viện tỉnh Bắc Giang khẳng định: Có thể nói, qua 4 năm triển khai thực hiện, Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc đã khẳng định được vị trí, vai trò, những giá trị tốt đẹp của văn hóa đọc trong cộng đồng, đặc biệt là đối với thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Qua cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc cho thấy thế hệ trẻ hiện nay vẫn đam mê đọc sách và không thờ ơ với văn hóa đọc. Hy vọng Cuộc thi sẽ phát huy những hiệu quả ban đầu, trở thành một hoạt động thực sự ý nghĩa, thiết thực đối với các em học sinh; tìm kiếm những bạn trẻ có niềm đam mê với sách... Từ đó, chính các em sẽ trở thành người truyền cảm hứng đọc sách, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng - một yếu tố quan trọng để xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.
Tại Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho 20 tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc từ năm 2019-2022.