Cuộc đời chìm nổi của tác giả “Đất rừng Phương Nam”

13/03/2016 20:58

Theo dõi trên

Đất rừng Phương Nam (1957) của Đoàn Giỏi không chỉ là tác phẩm phổ biến trong giới học sinh - sinh viên. Đối với độc giả khắp nơi trên mọi miền đất nước, họ xem tác phẩm ấy như một áng văn về con người, về vùng đất Nam bộ khá điển hình.


Cho nên, Đất rừng phương Nam càng phổ biến khi được dịch ra nhiều thứ tiếng: Nga, Ba Lan, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha… Được biết, tác giả của tác phẩm ấy xuất thân từ một gia đình địa chủ lớn, có hàng trăm héc ta ruộng vườn cò bay thẳng cánh, ngôi nhà thênh thang cổ kính và uy nguy như đình làng. 

Tất cả những tài sản ấy, gia đình ông đã hiến cho kháng chiến trong thời kỳ chống Pháp. Để rồi khi đất nước hòa bình độc lập, Đoàn Giỏi cứ lang thang ngày đây mai đó. Cho đến khi qua đời, Bệnh viện Thống Nhất - Thành phố Hồ Chí Minh là nơi ông dừng chân cuối cùng. 

Gia đình tri thức tiến bộ và yêu nước

Nhà văn Đoàn Giỏi sinh ngày 15 tháng 7 năm 1925 tại thị trấn Tân Hiệp - Châu Thành - Tiền Giang. Địa phương này không mang dáng dấp oai hùng như thị trấn Vĩnh Kim bao lần đánh tan quân xâm lược, nó cũng không phải là vùng địa linh với những nhân tài tên tuổi lừng danh như đất Vĩnh Kim. 

Thế nhưng ở tại thị trấn Tân Hiệp, người dân Tiền Giang không khỏi tự hào với một Đoàn Giỏi khí phách hiên ngang, với một Đất rừng phương Nam bạt ngàn hào phóng, với một người chiến sĩ cách mạng dũng cảm gan dạ.

Nhà văn Đoàn Giỏi chính là người con thứ tư (Nam bộ gọi là thứ năm) của ông Đoàn Văn Vàng và bà Nguyễn Thị Kiểu. Ông bà này có tất cả mười người con: Đoàn Văn Mỹ, Đoàn Thị Ba, Đoàn Thị Tư, Đoàn Giỏi, Đoàn Phú, Đoàn Thị Đức, Đoàn Ngọc Hưng, Đoàn Nhân và Đoàn Thị Tuyết.

Trong những người con ấy, Đoàn Giỏi, Đoàn Phú, Đoàn Nhân là những người từng tham gia hoạt động cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Họ đều là những chiến sĩ bất khuất trung kiên, dũng cảm trên khắp các chiến trường.

Cha Đoàn Giỏi, ông Đoàn Văn Vàng là một địa chủ trí thức tiến bộ và yêu nước. Ông từng làm chủ hàng trăm héc ta ruộng vườn. Những năm đó, vùng đất cò bay thẳng cánh ở huyện Châu Thành chính là tài sản riêng của gia đình ông. Rồi sau Cách mạng tháng Tám, ông Đoàn Văn Vàng đã hiến tất cả tài sản ấy cho chính quyền. Từ nghĩa cử cao đẹp ấy, ông Đoàn Văn Vàng như tạo điều kiện cho chính mình, một điền chủ lớn đã xích lại gần với cách mạng. 

Trưởng công an huyện viết văn

Thuở nhỏ, Đoàn Giỏi học ở trường trung học Mỹ Tho. Sau đó, ông theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định. 

Cứ tưởng, cuộc đời và số phận của Đoàn Giỏi đã gắn liền với cây cọ, với nét vẽ. Nào ngờ năm 1943, khi Đoàn Giỏi sáng tác được một truyện ngắn đầu tiên thì xem như cuộc đời ông chuyển sang bước ngoặt mới. Truyện ngắn ấy được nhà văn Hồ Biểu Chánh chọn đăng trên tờ Nam kỳ tuần báo. 

Cũng từ truyện ngắn đó, Đoàn Giỏi xem Hồ Biểu Chánh như một người thầy của mình đối với trong văn chương. Sau đó, những truyện ngắn khác của Đoàn Giỏi viết bao giờ cũng được sự góp ý chân tình từ Hồ Biểu Chánh. Về sau, tác phẩm của Đoàn Giỏi gần gũi với người dân lao động như cách tư duy của Hồ Biểu Chánh.

Nhưng phong cách và văn chương của Đoàn Giỏi lại mạnh mẽ, gai góc, cuồng nhiệt như chính cá tính của ông. Mặc dù trong thời kỳ đầu, con đường nghệ thuật đã mở lối chào đón Đoàn Giỏi, nhưng ông lại rẽ lối khác. 

Công việc mà ông quyết định chọn và tìm đến hoàn toàn không liên quan gì đến nghệ thuật. Hội họa và văn chương, Đoàn Giỏi đã gác sang một bên. 

Đó là năm 1947, Đoàn Giỏi về làm Trưởng công an huyện Châu Thành. Thời gian này, ông phải phụ trách mười xã đang rơi vào thời kỳ khó khăn về mặt kinh tế cũng như tinh thần của người dân do chiến tranh gây ra. Năm 1948, Đoàn Giỏi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và giữ chức Phó ty tuyên truyền tỉnh Định Tường (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). 

Cùng thời gian này, Đoàn Giỏi kiêm luôn vị trí chủ bút tờ báo Tiền Phong của Mặt trận Việt Minh Mỹ Tho. Được hai năm, Đoàn Giỏi chuyển công tác đến nơi khác, đó là năm 1950, ông chuyển sang làm Phó ty Công an tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang).

Cuộc đời chìm nổi

Năm 1951, Đoàn Giỏi về công tác tại thường vụ Hội Văn nghệ Nam bộ và là thành viên của Hội đồng biên tập tạp chí Lá Lúa. Công việc này đã nung nấu và khơi dậy vốn văn chương tiềm ẩn nơi Đoàn Giỏi. Ông đã cầm bút trở lại. Đề tài về con người và đất Tiền Giang luôn được Đoàn Giỏi chú ý và quan tâm. 

Những công việc thuộc về ngành hành chính, Đoàn Giỏi gần như không mấy mặn mà nữa. Công việc viết lách luôn thúc giục ông gần gũi với người dân lao động, với hoàn cảnh xã hội thời ấy.

Năm 1954, Đoàn Giỏi tập kết ra Bắc. Tác phẩm Đất rừng phương Nam đã thai nghén và ra đời tại miền Bắc. Dân gian thường bảo văn là người. Phải chăng vì lẽ đó, những áng văn chương của Đoàn Giỏi như chính cá tính của ông. Một Đoàn Giỏi phóng khoáng, hào hiệp và luôn luôn sâu nặng với miền đất phương Nam. 

Tác phẩm của Đoàn Giỏi thường đậm chất nghĩa khí và hào hùng. Dù có sinh sống, công tác, hoạt động ở đâu, ông cũng luôn luôn hướng về vùng đất Nam bộ. Bản chất Đoàn Giỏi lại là người rất chịu khó tìm tòi và hay nghiên cứu mọi chuyện một cách ngọn ngành. Cho nên, văn của ông thường rất góc cạnh, gồ ghề nhưng cũng chân tình và hồn nhiên như chính miền đất hoang sơ và hào phóng của miền Tây Nam bộ. 

Nhà thơ Chế Lan Viên đã nhận xét: Đoàn Giỏi là một trong những người đầu tiên truyền bá ngôn ngữ Nam bộ hiện đại qua những tác phẩm của mình…

Không riêng gì giọng văn, cuộc đời thường của Đoàn Giỏi cũng vậy, rất Nam bộ và đặc sệt miền Tây Nam bộ. Mọi thói quen hàng ngày, Đoàn Giỏi vẫn giữ đúng phong cách Nam bộ, dù sống trên mảnh đất miền Bắc hay ở đất trời châu Âu. 

Năm Kỷ Tỵ 1989, Đoàn Giỏi qua đời với bao giấc mộng chưa hoàn tất tại Bệnh viện Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay ở Châu Thành - Tiền Giang, tên tuổi của nhà văn Đoàn Giỏi đã gắn liền với trường Trung học cơ sở Tân Lý Tây – huyện Châu Thành – tỉnh Tiền Giang. 

Còn về cuộc đời riêng, Đoàn Giỏi đã trải qua hai cuộc hôn nhân. Thế nhưng ông chỉ có một người con duy nhất với người vợ đầu tiên, đó là Đoàn Quang Viễn. Đoàn Quang Viễn sinh năm 1958, sinh sống tại Tân Hiệp - Châu Thành - Tiền Giang, bên cạnh nền nhà mà ông nội Đoàn Văn Vàng đã hiến cho cách mạng. 

Ông Đoàn Văn Viễn cũng có một người con trai duy nhất đó chính là Đoàn Quang Minh, sinh năm 1980. Rất tiếc là số phận của Đoàn Quang Viễn cũng rất ngắn ngủi như cha mình, ông đã ra đi vào một ngày cuối năm của năm 2005 tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Mỹ Tho – tỉnh Tiền Giang, do tai biến mạch máu não.
 
Huỳnh Mẫn Chi 

Bạn đang đọc bài viết "Cuộc đời chìm nổi của tác giả “Đất rừng Phương Nam”" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.