Cung đường "mắm" độc đáo vùng ngoại ô!

17/08/2015 08:14

Theo dõi trên

Nằm ở ngoại ô TP.HCM, từ lâu cung đường tỉnh lộ 15 đoạn đi qua các xã Phú Hòa Đông, Trung An (Củ Chi) được người dân quen gọi là cung đường "mắm” bởi chỉ khoảng vài cây số ở đây có tới mấy chục tiệm bán mắm.

Có thể nói, với lịch sử tồn tại lâu đời, con đường nhỏ bé ven bờ sông Sài Gòn này là một trong những con đường độc đáo, đặc trưng nhất với nghề mắm của thành phố phương Nam nắng gió này. Những loại mắm làm từ nguyên liệu cơ bản loại cá, tôm, cua… là đặc sản của địa phương từ nhiều năm qua.



Một tiệm mắm ở “cung đường mắm”.

Theo bà Thúy, 77 tuổi, một người bán mắm ngay ở dưới chân cầu Bến Nẩy nằm trên tuyến tỉnh lộ này thì, nghề làm mắm của gia đình bà đã có từ rất lâu nhưng bán mắm thì chỉ chừng chục năm quay lại. Bà kể, thưở xưa, đây là vùng đất trũng, đồng nước quanh năm lại nằm ven sông Sài Gòn nên mỗi khi mùa mưa như hiện nay thường có nhiều tôm cá, cua ếch. Dân trong vùng hầu hết nhà nào cũng có nghề làm mắm khi mùa mưa, rồi ủ đấy, để dành qua mấy tháng mùa khô, mắm ngấu là đem ra ăn. Gần đây, tuyến tỉnh lộ này được sửa sang, nhộn nhịp người xe qua lại. Đặc biệt, nó nối liền trung tâm Thành phố với quần thể khu di tích Địa đạo Củ Chi danh tiếng nên nhiều người đem sản phẩm của địa phương ra bán. Rồi thành quen, hình thành một cung đường bán mắm độc đáo mà hầu như ai đi qua cũng ghé lại, mua một vài hũ cho mình, cho người thân và cũng là để tìm hiểu thêm về hương vị, về đặc trưng của vùng đất này.

Về các loại mắm ở đây, chủ một cửa hàng khác là cô Thẻ, người bán lâu năm cho biết: “Hầu hết các loại mắm ở đây là mắm nguyên con. Nghĩa là mắm được làm theo kiểu cổ truyền của người miền Tây, không phải mắm như các nơi ngoài Bắc".

Cách làm mắm ở đây khá cầu kỳ. Những loài cá nhỏ thì được rửa sạch, ướp muối và ớt cay sau đó cho lên men rồi phơi dưới ánh nắng một thời gian nhất định để mắm chín vừa đủ ngon. Còn những loại mắm cá lớn như cá lóc, rô đồng hay cua thì phải làm sạch ruột cá, ướp muối hạt trắng. Không dùng muối xay công nghiệp vì có thêm một vài chất bảo quản, dễ làm hư mắm khi để lâu.

Với những ai thích thú với mắm có thể thấy, ngoài nguyên liệu thì cái làm nên đặc trưng của mắm chính là gia vị thính và cách ngâm. Như mắm cá lớn, sau khi ngâm hai tuần nắng, thính làm bằng gạo thơm rang chín, giã nhuyễn rắc đều để tạo thêm mùi thơm và độ béo của mắm. Vì thế, với những vùng đất như Củ Chi khi mà cá tôm dưới nước, tỏi ớt trên đồng thì những vị mắm thơm ngon hòa quyện của tất cả những gia vị đó, không chỉ là một món ăn thuần túy mà còn là hương vị, là đặc trưng của vùng đất này.  

Về giá cả những loại mắm ở đây, thường những loại mắm được nhiều người ưa thích nhất là mắm cá lóc, mắm cua và mắm tôm càng sông. Giá của những loại mắm này cũng mắc hơn, khoảng 250-300 ngàn đồng/hũ nặng 1 kg. Riêng những loại mắm cá nhỏ thì rẻ hơn, khoảng 150-200 ngàn đồng/hũ 1 kg. Tuy nhiên, do đây là nơi khách du lịch qua lại nhiều nên để đa dạng sản phẩm, các hũ mắm thường có trọng lượng 500 gram là chủ yếu.

Có thể nói, mặc dù nằm cách trung tâm Thành phố khoảng hơn 40 cây số nhưng cung đường mắm này là một trong những địa điểm ưa thích của nhiều người bởi hương vị thơm ngon đặc trưng. Nó không chỉ là món quà quê mà nhờ những tua du lịch đưa khách tham quan ghé thăm vùng đất lịch sử này, những hũ mắm thơm mùi cá, mặn mòi mùi đồng đất, cay nồng mùi ớt, béo ngậy mùi gạo thính đã theo chân du khách đi đến nhiều miền quê khác nhau, như một món quà không thể ý nghĩa hơn của vùng đất từng một thời khói lửa.

Theo Dân Việt

Bạn đang đọc bài viết "Cung đường "mắm" độc đáo vùng ngoại ô!" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.