Cù lao Giêng qua những ngôi thánh đường

26/05/2017 09:44

Theo dõi trên

Không chỉ là vùng đất màu mỡ, khí hậu trong lành, cây trái xum xuê và dồi dào sản vật, Cù lao Giêng (Chợ Mới) còn khiến nhiều du khách gần xa bất ngờ bởi những công trình tôn giáo độc đáo.



Nhà thờ Cù lao Giêng nhìn từ bên ngoài

Qua cầu Tấn Mỹ, theo con đường làng, chúng tôi đến nơi ngự trị của tòa thánh đường với lối kiến trúc cổ theo kiểu Pháp được xếp vào loại bậc nhất miền Nam - nhà thờ Cù lao Giêng. Theo dân gian, có người bảo đây là ngôi thánh đường thứ 2, người khác lại nói là thứ 3. Nhưng đó chỉ là những ngôi nhà thờ tạm. Nhà thờ mới được khởi công năm 1875, đời vua Tự Đức nhị thập bát niên đến năm 1887 đời Đồng Khánh tam niên mới hoàn thành. Để việc xây dựng đỡ tốn kém, cha Gazignol đã lập một lò gạch ở phía sau nhà thờ và kêu dân Quảg Đông đến làm gạch. Khi gạch ra lò thì chỉ chọn những viên gạch tốt nhất dùng cho việc xây dựng nhà thờ. Không kể thời gian tô tường, trang trí hoa văn (mất 2 năm), ngôi nhà thờ hoàn thành xong những phần cơ bản nhất sau 10 năm và được khánh thành vào ngày 16-10 âm lịch năm Đinh Hợi.

Linh mục Mai Tấn Kiệt, Cha sở Nhà thờ Cù lao Giêng, chia sẻ: “Theo dòng chảy của sông Tiền, đây là ngôi nhà thờ đầu tiên của miền sông nước Tây Nam Bộ tính từ hạ lưu sông Mê Kông. Xưa kia, nhà thờ có tên gọi là Họ đạo Đầu Nước. Vì đây là trạm chuyển tiếp giữa Nam Kỳ và Cao Miên, người Pháp đã xây dựng ở đó một bến đò lớn. Các chuyến tàu thủy đi Nam Vang - Sài Gòn đều phải ghé trạm này trước tiên. Tên Đầu Nước ra đời là vì vậy. Nhà thờ do cha Guesdon (người Pháp) thiết kế theo kiểu Roman dài 55 mét, rộng 19 mét. Trần nhà được chạm khắc nhiều đường nét, hoa văn tinh xảo theo hình mái vòm bán cung cao vút tạo tâm thế hướng thượng, hướng lòng lên Thiên Chúa. Đặc biệt, tòa tháp cao 35 mét có bầu tròn, gắn liền với nhà thờ tạo nên vẻ nguy nga đồ sộ. Trải qua thời gian dài với biết bao thăng trầm, nhà thờ vẫn hiên ngang với tòa tháp chuông vươn cao giữa hàng cây xanh mướt và là biểu tượng, niềm tự hào của bao thế hệ trên đất cù lao!”.

Cũng thuộc xã Tấn Mỹ, men tiếp con đường làng đến đầu cù lao độ 2km là một ngôi thánh đường khác. Dù không nguy nga, cổ kính như Nhà thờ Cù lao Giêng nhưng lại có sức hút kỳ lạ không chỉ với giáo dân họ đạo mà còn với những người ngoại đạo - Nhà thờ Đức Bà Cồn Trên. Chú 2 Lực (51 tuổi, ngụ xã Tấn Mỹ) cho biết: “Nhà thờ này thấy nhỏ vậy chứ được nhiều bà con gần xa đến viếng. Ngày xưa, nhà thờ chỉ được cất bằng lá, nhỏ và đơn sơ phía đầu cồn. Qua nhiều biến cố mới được dời về đây nhưng cũng chưa được khang trang như bây giờ. Dù nằm ở vị thế rất khuất, kiến trúc không nổi bật lắm nhưng chúng tôi rất tự hào về ngôi nhà thờ của giáo xứ mình”.




Nhà thờ Đức Bà Cồn Trên

Đến thăm nhà thờ Đức Bà Cồn Trên vào một buổi chiều mưa gió, nhìn thánh đường nhỏ, khiêm tốn nằm nép mình bên dòng sông Tiền càng làm tăng thêm sự tò mò của chúng tôi. Không cổ kính nhưng kiến trúc nhà thờ khá lạ, không có đỉnh nhọn vút cao lên không trung như những ngôi nhà thờ vẫn thường gặp. Thế nhưng, điểm thu hút của nhà thờ là tượng đài Đức Mẹ trang nghiêm. Quanh tượng đài được đặt rất nhiều bia cảm tạ của những đoàn hành hương khi đến viếng. Linh mục Nguyễn Văn Mân - người tiên khởi và gắn bó lâu đời nhất với Nhà thờ Đức Bà Cồn Trên, cho biết: “Năm 1900 nhà thờ lá được dựng nên. Vì nạn đất lở, giáo dân phân tán dần, còn nhà thờ thì phải di dời xuống một chút. Năm 1978, mọi người lại bắt đầu xây dựng ngôi nhà thờ nhỏ, khang trang hơn. Đến năm 2007, xây thêm ngôi nhà thờ lớn cho đến nay, nhà thờ cũ dùng làm nơi sinh hoạt cho giáo dân trong học đạo. Thuở mới về nhậm chức cha sở nơi đây, tôi tình cờ trò chuyện với một người ngoại đạo khi đến thăm nhà thờ. Qua bài thơ ông đọc, sau này khi tìm hiểu nhiều tài liệu nghiên cứu, tôi mới biết rằng, Nhà thờ Đức Bà Cồn Trên đã có từ hơn 100 năm trước. Và, ngày mùng 10-10 năm 1996, tôi tổ chức phiên viếng Đức Bà lần đầu tiên nhằm vinh danh Đức Bà, thu hút hàng trăm người”- linh mục Mân nhớ lại.        
Vùng đất cù lao tuy nhỏ nhưng con người thì hiền hòa, chất phác, phóng khoáng. Không chỉ lưu dấu qua hình ảnh người dân bình dị, vùng đất trù phú của cây lành trái ngọt, mà những quần thể kiến trúc nơi đây còn là điểm đặc biệt, tạo nên sự khác biệt trên đất cù lao, nhất là những ngôi thánh đường cổ.


Phương Lan

Nguồn: Báo An Giang
Bạn đang đọc bài viết "Cù lao Giêng qua những ngôi thánh đường" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.