Cụ bà 11 năm “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”

23/05/2017 11:21

Theo dõi trên

Hơn chục năm qua, dù không ai trả công nhưng ngày ngày bà Đinh Thị Quý (tổ dân phố 24, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) vẫn cần mẫn với công việc dọn rác làm sạch khu phố.

Từ năm 2006 về trước, ngõ 35 Nguyễn An Ninh – nơi bà Quý sinh sống – lúc nào cũng ở trong tình trạng ngập đầy rác thải, mùi hôi thối nồng nặc khắp nơi. Nhìn con đường bừa bộn, bà nảy sinh ý tưởng tự tay dọn dẹp vệ sinh.

Bà kể: “Hồi đó, khu phố tôi có một đống rác to lắm. Dù nó bốc mùi hôi thối nhưng không một ai chịu đụng đến. Thế rồi tôi cứ suy nghĩ rồi nảy ra ý tưởng tự tay dọn dẹp vệ sinh”.




Bà Đinh Thị Quý

Thời gian đầu thực hiện kế hoạch,bà gặp vô vàn khó khăn. Mỗi ngày, sau khi quét, nhặt và mang rác đã thu gom đi đổ xong là bà lại mang ghế ra ngồi trước cửa nhà đến tận khuya để canh chừng những người vứt rác bừa bãi. Có không ít người không hiểu hành động của bà. Họ cho rằng bà “khùng”, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” hay “già rồi nên lú lẫn” và tỏ thái độ khi bị bà nhắc nhở. Những lúc như thế bà chỉ cười rồi cho qua chứ không để trong lòng.

11 năm trôi qua, không còn ai buông lời chê trách bà nữa mà thay vào đó là sự yêu mến, cảm phục.Hình ảnh bà Quý với dáng người nhỏ nhắn, gương mặt rạng rỡ và nụ cười hiền hậu đã trở nên vô cùng quen thuộc với những người dân ở tổ dân phố 24.

“Mười năm quét rác chẳng đòi công/ Mong phố sạch hơn dịu mắt nhìn/ Đông sang buốt lạnh bàn tay nhỏ/ Hè về nắng cháy tấm lưng cong.”. Không quản ngại nắng mưa, ngày hai buổi sáng chiều, cứ đúng giờ là bà lại bắt tay vào công việc. Đồ nghề của bà chỉ đơn giản là một chiếc kẻng, một chiếc chổi, một chiếc xẻng hót rác và bao tải nhỏ. Sáng từ 5h30 và chiều từ 2h30.

Với chiếc chổi tre cũ, bà quét một lượt từ đầu đến cuối ngõ. Thấy những túi rác vứt bừa bãi, bà nhanh tay xách bỏ vào đúng nơi quy định.Đúng 3h chiều, bà bắt đầu cầm kẻng đi khắp các ngõ nhỏ để thông báo cho người dân trong khu phố mang rác xuống tập trung. 4h xe thu gom rác đến.

Những công nhân môi trường chỉ việc chất rác lên xe và chở đi. “Khu phố này nhiều nhà cao tầng lại tập trung đông sinh viên và người lao động. Có người ở tận tầng 5, khôngcó tiếng kẻng họ không biết để xuống hoặc xuống không kịp lúc xe rác đến, tiện tay lại vứt ra đường ngay. Vì thế nên ngày nào tôi cũng phải đi gõ” – Bà Quý tâm sự.Cứ như vật, nhờ sự cần mẫn của bà mà khu phố nơi bà sinh sống luôn luôn sạch sẽ.

Bạn Phạm Lan Hương (sinh viên thuê trọ, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho biết: “Mình ở đây đến nay là được gần 4 năm. Hàng ngày cứ tầm giữa chiều mình lại thấy bà cầm kẻng đi gõ quanh ngõ để nhắc nhở mọi người mang rác ra đổ đúng giờ. Lắm hôm buổi tối trời mưa to, thấy xe dọn rác đến là bà vội mặc áo mưa để giúp mấy cô lao công chuyển rác lên xe. Bà là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ tụi mình noi theo”

Đường phố sạch rác, người dân dần trở nên có ý thức hơn. Đó là động lực để bà tiếp tục làm công việc không lương này. Bà bảo: “Từ lúc bắt đầu làm cho đến nay là được 11 năm. Hôm nào ra đường thấy đường phố sạch sẽ là tôi rất phấn khởi.Tôi luôn tự xem đây là trách nhiệm của mình để giữ gìn vệ sinh khu phố và tôi sẽ làm đến lúc nào không đủ sức khỏe nữa thì thôi.”.

Ở cái tuổi 79 nhưng bà Quý còn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Hàng ngày bà vẫn không ngừng sống cống hiến và làm đẹp cho đời. Hành động của bà tuy bình dị nhưng thật khó để tìm được ở thời buổi mọi người bị quấn vào vòng xoáy công việc mà dần quên mất đi những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.


Phạm Thảo

Nguồn: laodongthudo.vn
Bạn đang đọc bài viết "Cụ bà 11 năm “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.