Con Mèo trong đời sống dân gian Việt Nam

26/01/2023 08:55

Theo dõi trên

Mèo là một con vật thân thiết, hữu ích đối với các gia đình Việt Nam. Ngoài tên gọi quen thuộc là mèo, nó còn được gọi bằng các tên khác như: mão, miêu (Hán Việt), mỉu, miu và “dân nhậu” còn có tên gọi mới là “tiểu hổ”! Năm mới Quý Mão 2023, xin được nêu lên những điểm tốt, xấu của con mèo trong văn hóa dân gian Việt Nam, thông qua những câu ca dao, tục ngữ và thành ngữ.

5-c2c7-1674698109.jpg

Trong kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ của người Việt, ta thấy số câu thành ngữ, tục ngữ, có sự xuất hiện của mèo mang nghĩa tốt không nhiều lắm. Trước tiên ta nói về những câu mà mèo chiếm ưu thế, đó là khi mô tả cách ăn từ tốn, của mèo “Ăn nhỏ nhẻ như mèo” để nói về nết ăn của người phụ nữ được khen là có nết na, từ tốn. Để so sánh cách ăn của hai phái nam và nữ, dân gian có câu: “Nam thực như hổ/ nữ thực như miu” là vậy. Ngoài câu thành ngữ trên, còn có câu: “Có ăn nhạt mới biết thương mèo”, ngụ ý nói khi lâm cảnh khốn khó thì mới biết thương người cùng cảnh. Riêng câu: “Rình như mèo rình chuột”, nói lên ý chí và sự kiên nhẫn trong công việc. Hay câu: “Mèo già hóa cáo”, ngụ ý muốn nói người già sống lâu nên có được nhiều kinh nghiệm quý báu.

Ngoài những câu có ý tích cực kể trên, số còn lại là hình ảnh của mèo được phản ánh với góc nhìn tiêu cực. Chẳng hạn như câu: “Buộc cổ mèo, treo cổ chó”, mục đích để ám chỉ kẻ hà tiện, bủn xỉn. Hay câu: “chửi chó mắng mèo”, ý nói tức giận người khác mà chửi mắng vu vơ là không nên. Để chê những người giấu diếm thứ gì, điều gì đó, quá ưu là kín thì có câu: “Giấu như mèo giấu cứt”. Thương mèo nhất là khi nói về hạng người vô lại, trai trộm cướp, gái lăng loàn, khiến ai cũng khinh ghét thì có câu: “đồ mèo mả, gà đồng”. Về quan niệm mê tín, người ta đổ oan cho mèo rằng: “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu”. Trong mối quan hệ mèo với chó thường tranh giành thức ăn của nhau, cắn xé nhau. Vậy để ám chỉ sự mất đoàn kết trong gia đình dân gian có câu: “Anh em như chó với mèo”. Song song với nhận định trên, dân gian đã mượn hình ảnh mèo để gởi gắm những kinh nghiệm, đúc kết những triết lý sống ở đời, phê phán những thói hư, tật xấu. Chẳng hạn khi ai đó dương dương tự đắc nghĩ mình là hơn mọi người thì dân gian nhắc: “Chưa chắc mèo nào cắn cổ mèo nào”. Câu: “Không có chó bắt mèo ăn cứt”, ý nói bất đắc dĩ, mới dùng người không đúng với sở trường, khả năng của họ. Để phê phán kẻ không thấy lỗi mình, mà chỉ thấy lỗi người, dân gian nói: “Chó chê mèo lắm lông”. Hay một người tài thô, trí thiển mà muốn cáng đáng việc lớn lao quá sức mình, không đúng với khả năng thì dân gian nói: “Mèo vật đụn rơm”. Câu: “Mèo khen mèo dài đuôi”, ý chê trách người quá tự hào về bản thân, chẳng ai khen mà mình tự khen mình. Dân gian rất dị ứng với những người phụ nữ bị chồng chê, chồng bỏ vì hư đốn nhưng lại khoe khoang thì dân gian chê rất tinh tế: “Mèo lành ai nỡ cắt tai/ Gái kia chồng rẫy khoe tài làm chi?”. Hay câu: “Mèo lành chẳng ở mả, ả lành chẳng ở hàng cơm”. Trong mối quan hệ vợ chồng dân gian gởi gắm vào câu: “Vợ quá chiều ngoen ngoẻn như chó con liếm mặt/ Vợ phải rẫy tiu nghỉu như mèo lành mất tai”. Câu này có ý khuyên các ông chồng không nên nuông chiều vợ quá, mà cũng không nên hiếp đáp vợ quá. Nuông chiều thì vợ lờn mặt, lâu dần sẽ lấn áp quyền chồng. Còn hiếp đáp thì vợ buồn rầu, gia đình mất hòa khí, mất hạnh phúc.

Trên đây là chân dung con mèo trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam. Tuy nhiên, thông qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ, mèo đã và đang làm vật hy sinh, làm tấm bia để cho chúng ta thấy rõ những vấn đề trong xã hội, từ đó mà sống đúng nghĩa của cuộc sống. Đây cũng là tâm nguyện và mong ước của ông cha ta từ xưa tới nay, mong muốn con cháu đời sau lấy đó làm tấm gương để sống tốt hơn.
 

Hoàng Thị Hà
Bạn đang đọc bài viết "Con Mèo trong đời sống dân gian Việt Nam" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.