
Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (TP Vinh, Nghệ An) - Ảnh: Nguyễn Diệu
Kỷ niệm 80 năm ngày hy sinh của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (4/7 năm Tân Tỵ - 4/7 năm Tân Sửu), người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nữ cán bộ tiền bối tiêu biểu của Đảng, đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ.
Dù đánh, dù treo, càng cương quyết
Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vĩnh, sinh ngày 1/11/1910, tại xã Vĩnh Yên, thành phố Vinh - Nghệ An. Nguyễn Thị Minh Khai theo học quốc ngữ từ nhỏ. Sau khi học hết lớp nhì chuyển sang học lớp nhất trường Cao Xuân Dục. Được học với thầy giáo Trần Phú (người sau nay là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng cộng sản Đông Dương), chứng kiến cảnh lầm than của quê hương và được chính thầy Trần Phú giác ngộ, năm 16 tuổi Nguyễn Thị Minh Khai đã dấn thân vào con đường cách mạng.
Năm 1927, Nguyễn Thị Minh Khai tham gia Đảng Tân Việt. Trong thời gian này, Nguyễn Thị Minh Khai tích cực tham gia các phong trào đấu tranh tại quê hương, vận động phụ nữ tham gia bãi khóa, biểu tình đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, truy điệu cụ Phan Chu Trinh.
Đầu năm 1929, được sự đồng ý của tổ chức, Nguyễn Thị Minh Khai bí mật thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng. Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, được kết nạp vào Đảng và được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy và tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng. Chị tổ chức được nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cho Đảng là lực lượng nòng cốt trong cao trào Xô viết - Nghệ Tĩnh.
Cuối năm 1930, Nguyễn Thị Minh Khai được tổ chức cử sang Hương Cảng (Trung Quốc), công tác ở Văn phòng Đông phuơng Bộ của Quốc tế cộng sản. Được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Lý Thuỵ) trực tiếp giáo dục về lý luận chính trị, kinh nghiệm hoạt động cách mạng, nhờ vậy Nguyễn Thị Minh Khai tiến bộ rất nhanh. Sau đó, được giao nhiệm vụ liên lạc với các tổ chức cách mạng Việt Nam ở trong nước. Vừa công tác, Nguyễn Thị Minh Khai vừa tranh thủ học thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc.
Năm 1931 - 1934, Nguyễn Thị Minh Khai bị bọn mật thám Anh ở Hương Cảng bắt giam rồi chuyển giao cho chính quyền Quảng Châu cầm tù. Dù bị tra tấn tàn bạo nhưng Nguyễn Thị Minh Khai trước sau vẫn kiên trung với cách mạng. Sau đó, nhờ sự vận động của Quốc tế cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai được trả tự do. Ra tù, Nguyễn Thị Minh Khai được cử đến Thượng Hải, công tác ở Ban lãnh đạo Đảng ở nước ngoài và được đi học tại Đại học Phương Đông.
Cuối năm 1934, Minh Khai cùng Lê Hồng Phong và Hoàng Văn Non là đại biểu chính thức được cử đi dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 7 tại Mát-xcơ-va. Nguyễn Thị Minh Khai lấy bí danh là Phan Lan. Ngày 16/8/1935, lần đầu tiên trên diễn đàn của một đại hội quốc tế, người phụ nữ Việt Nam 24 tuổi dõng dạc đọc bài tham luận về vai trò của phụ nữ Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc và bảo vệ hoà bình. Sau Đại hội, Nguyễn Thị Minh khai tiếp tục học tại Trường Đại học Phương Đông. Những tháng năm này Nguyễn Thị Minh Khai đã yêu và kết hôn với anh Lê Hồng Phong - một chiến sỹ cách mạng.

Dù kìm, dù kẹp chẳng sai lời
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị bắt ngày 30/7/1940 sau khi dự phiên họp của Xứ ủy Nam Kỳ để bàn về chủ trương khởi nghĩa. Thực dân Pháp bắt giam chị đưa về Khám lớn Sài Gòn và tra tấn hết sức dã man. Những trận đòn tra tấn không khuất phục nổi ý chí của nữ cách mạng.
Đến khi giặc Pháp biết chị là vợ đồng chí Lê Hồng Phong, chúng đã đưa anh đến gặp chị. Chúng muốn vợ chồng anh chị nhận nhau để làm căn cứ kết án cả hai. Gặp nhau trong lao tù, cảm xúc dồn nén với bao nỗi nhớ nhung sâu thẳm, bao nhiêu điều muốn nói, bao nhiêu điều muốn kể về bé Hồng Minh của hai người nhưng cả anh và chị đều nén vào trong, nén vào tận đáy lòng. Anh nhìn chị với cái vẻ vô tình của người chưa quen biết: “Tôi không quen chị này…” Chị nhìn anh bình tĩnh làm quân thù thất vọng: “Tôi không biết người này…” Kẻ địch rình mò để chớp lấy một nét xúc động trên ánh mắt của hai người nhưng đành bất lực. Bọn mật thám đã phải gào lên: “Sao vợ chồng chúng mày không nhận nhau đi, tao sẽ cho chúng mày được gặp con”. Không thể lung lạc ý chí người cộng sản, thực dân Pháp mở 4 phiên tòa xét xử hòng kết án tử chị Minh Khai.
Khi biết tin Pháp mở phiên tòa đầu tiên xử chị minh Khai ở Sài Gòn, cha mẹ chị lòng như lửa đốt liền cử chị Quang Thái vào Nam thuê thầy kiện để tìm mọi cách cứu chị. Buổi sáng hôm xử chị Minh Khai, Quang Thái ngồi hàng ghế đầu, lệ rưng rưng, Quang Thái chỉ muốn lên ôm chặt lấy chị, muốn ghi sâu hình ảnh của chị trong ký ức. Mọi cố gắng nỗ lực của Quang Thái đều không thành. Sau bốn phiên tòa xét xử chị Minh Khai, thực dân Pháp quy án chị: 1 án 5 năm tù khổ sai; 1 án 20 năm đày đi biệt xứ; 2 án chung thân; 2 án tử hình.
Trong khi đó, đồng chí Lê Hồng Phong bị kết án 5 năm tù giam với lời cáo buộc vu vơ là tội phiến loạn trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và đày đi Côn Đảo với số thẻ tù 9983. Thực dân Pháp giam đồng chí Lê Hồng Phong ở banh 2, lúc ở phòng giam số 19, lúc ở xà lim số 5 là khu biệt giam dành cho các chính trị phạm. Do thất bại trong việc tìm cách kết án tử hình Lê Hồng Phong ở Sài Gòn, bọn trùm thực dân Pháp ở Nam kỳ đã chỉ thị cho tay chân ở Côn Đảo thực hiện âm mưu hãm hại đồng chí. Bọn cai ngục thực thi một chế độ lao động khổ sai vô cùng hà khắc đối với đồng chí Lê Hồng Phong, bất chấp cả luật lệ do chính nhà cầm quyền thực dân đặt ra. Chúng đánh đập đồng chí bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, trong lúc đang làm việc nặng nhọc, lúc tắm, lúc điểm danh và cả trong bữa ăn.
Thời gian bị giam cầm nơi “địa ngục trần gian” đồng chí Lê Hồng Phong không hay rằng vợ mình - đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã bị đưa ra xử tử vào ngày 28 tháng 8 năm 1941 cùng với các đồng chí Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Đỗ Văn Dậy, Phạm Công Bỉnh, Nguyễn Thị Thử, Phạm Văn Sáng… Trước hôm bị thực dân Pháp xử bắn, chị viết bức thư vĩnh biệt chồng. Mảnh giấy cuốn thuốc lá vo nhỏ bằng đầu tăm với mấy dòng chữ viết vội bằng bút chì đã đến tay anh. Nét chữ quen thuộc, thân yêu: “Dù có chết, em hứa với anh, chung thủy với cách mạng, trung thành với Đảng. Em hứa mãi mãi là người chiến sỹ cộng sản kiên cường. Mong anh cũng như vậy”.
(Ở trong tim - Giáo sư, Bác sỹ, Nhà thơ Nguyễn Huy Dung - Em trai đồng chí Minh Khai)